Kyiv đã thúc giục Moscow rút quân khỏi biên giới Ukraine và tiếp tục đối thoại với phương Tây nếu nước này thật sự coi việc giảm leo thang căng thẳng là hệ trọng, Guardian đưa tin ngày 30/1.
“Nếu các quan chức Nga nghiêm túc khi nói rằng họ không muốn có một cuộc chiến mới, thì Nga phải tiếp tục tham gia đối thoại ngoại giao và rút lực lượng quân sự của nước này khỏi khu vực dọc biên giới Ukraine, cũng như trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter.
Người Ukraine tham gia quân đội để sẵn sàng đối phó Nga. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, người đứng đầu NATO cho rằng châu Âu cần phải đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của mình, vì Anh đã cảnh báo rằng "rất có thể" Nga, một nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn, đang tìm cách xâm lược Ukraine.
Hôm 30/1, Moscow cho biết họ sẽ yêu cầu NATO làm rõ liệu khối này có định thực hiện các cam kết an ninh hay không.
"Nếu họ không có ý định làm như vậy, thì họ nên giải thích lý do", Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, nói trên truyền hình nhà nước. "Đây sẽ là một câu hỏi quan trọng trong việc xác định các đề xuất trong tương lai của chúng tôi".
Mỹ cho biết họ đang chờ phản hồi từ Nga. NATO sẽ không rút khỏi Đông Âu hoặc cấm Ukraine gia nhập trong tương lai nhưng họ chuẩn bị thảo luận về các chủ đề như kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Nga đã điều 120.000 quân đến gần quốc gia láng giềng và yêu cầu phương Tây rút quân cùng trang thiết bị, vũ khí khỏi Đông Âu. Bên cạnh đó, nước này cũng yêu cầu cấm Ukraine, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, gia nhập NATO.
Các quan chức Mỹ cho biết hôm 29/1 hoạt động xây dựng quân đội của Nga đã được mở rộng, bao gồm chuyển máu và thiết bị y tế tới các đơn vị đóng quân gần Ukraine để sẵn sàng điều trị trong bất cứ cuộc xung đột nào.
Trên khắp biên giới Ukraine, người dân địa phương đang được huấn luyện thành quân dự bị trong khi chính phủ lên phương án chuẩn bị.
Mỹ đang tiến rất gần đến việc đưa ra luật trừng phạt Nga, hai thượng nghị sĩ hàng đầu làm việc về dự luật cho biết hôm 30/1. Các biện pháp dự kiến nhắm mục tiêu vào những ngân hàng quan trọng nhất của Nga, khiến nước này bị cắt khỏi mạng lưới tài chính toàn cầu, ngăn nhiều đối tác nước ngoài hợp tác.
Giới chức Mỹ cũng tính cắt giảm khoản vay và ngăn cung cấp công nghệ nước ngoài cho các ngành công nghiệp quan trọng của Nga, đồng thời đóng băng tài sản của những người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Anh cũng cho biết họ sẽ mở rộng phạm vi của các biện pháp trừng phạt có thể có trong luật trong tuần này để răn đe Tổng thống Putin.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng những bức ảnh về biên giới của Ukraine "ngày càng đáng lo ngại".
"Tôi tiếp tục thúc giục Nga tham gia vào các cuộc đàm phán, cũng như tránh một cuộc xâm lược liều lĩnh và thảm khốc", thủ tướng Anh viết trên Twitter.