Moscow triển khai các đơn vị y tế tới tiền tuyến. Giới chức quốc phòng phương Tây coi động thái này giống như sự chuẩn bị cuối cùng cho một cuộc tấn công đối với Ukraine. Họ cho rằng Nga đã đẩy cấp độ sẵn sàng lên mức chưa từng thấy ở những đợt điều động quân sự trước đó.
Mặc dù các động thái này không có nghĩa là một cuộc tấn công chắc chắn sẽ xảy ra, chúng là tiền đề cho trận chiến và làm tăng nhiệt cuộc tranh luận giữa các nước phương Tây về ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mỹ và các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, dường như đang đưa ra những phản ứng khác nhau từ thông tin tình báo giống hệt nhau trước hành động của Nga, theo Wall Street Journal.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy lều trại của quân đội Nga ở Yelnya, sát Belarus và cách biên giới Ukraine khoảng 250 km. Ảnh: Maxar. |
Không có gì chắc chắn
Nhà Trắng cho biết hôm 27/1 rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên vào ngày 7/2 và vấn đề Ukraine là mục hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin chia sẻ Moscow không lạc quan về việc phương Tây sẽ chấp nhận các yêu cầu của họ để giảm căng thẳng leo thang và tình hình bế tắc ở Ukraine. Người này cho biết thêm ông Putin sẽ dành thời gian xem xét các đề xuất mà Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra.
Trước đó, cuối ngày 27/1, Mỹ và NATO đã gửi văn bản phản hồi Moscow về các yêu cầu an ninh của nước này. Trong đó bao gồm việc vẽ lại cấu trúc an ninh của châu Âu bằng cách cấm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ gia nhập NATO và đặt các căn cứ quân sự của Mỹ.
Theo Wall Street Journal, các đề xuất của Washington được mở rộng dựa trên nỗ lực ngoại giao gần đây, nhằm ngăn chặn mối lo ngại Nga lên kế hoạch tấn công nước láng giềng Ukraine, nhưng chúng không giải quyết được các yêu cầu cốt lõi của Moscow.
“Không có nhiều lý do để lạc quan”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. “Không thể nói rằng quan điểm của chúng tôi đã được cân nhắc. Họ cũng không chứng minh rằng họ sẵn sàng xem xét các lo ngại của chúng tôi”.
Nga vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao nhưng đồng thời cũng tăng cường quân đội của mình. Hiện có hơn 100.000 binh lính Nga gần Ukraine trong một cuộc phô diễn lực lượng trên bộ, trên không và trên biển chưa từng có.
Điện Kremlin trong những năm gần đây đã sử dụng các cuộc tập trận và diễn tập quân sự như một bước chuẩn bị để tấn công Gruzia và Ukraine, nhưng cũng có lúc Moscow đưa quân vào các vị trí có khả năng gây hấn chỉ để thu hút sự chú ý.
Các nhà phân tích tình báo và chính trị gia phương Tây nhìn chung đồng ý rằng ông Putin đang thành công trong việc khiến họ phải thận trọng “đoán già đoán non". Đây có thể là một trong những chiến lược chính của tổng thống Nga.
Nga tổ chức tập trận hôm 26/1 ở phía nam Rostov, gần biên giới với Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Mỹ đang chuẩn bị để đối phó nếu Nga phát động một cuộc chiến tranh toàn diện vào Ukraine, đồng thời sẵn sàng cho chiến thuật mà các quan chức phương Tây gọi là tấn công hỗn hợp - những nỗ lực nhằm lật đổ nhà nước Ukraine.
Tới nay, các quan chức Mỹ vẫn chưa xác định liệu ông Putin có quyết định tấn công Ukraine hay không.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 27/1, Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ sẽ đáp trả "một cách dứt khoát" nếu Nga tấn công Ukraine. Ông Biden cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với chủ quyền và "toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.
“Tôi không biết liệu ông Putin có đưa ra quyết định cuối cùng hay không. Nhưng chúng tôi chắc chắn đang thấy những dấu hiệu chỉ ra ông ấy sẽ sử dụng vũ lực vào một thời điểm nào đó, có thể là bây giờ và vào giữa tháng 2”, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cho biết.
Các cơ quan tình báo Mỹ vẫn đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy ông Putin đã từ bỏ các cuộc đàm phán và ra lệnh cho quân đội chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp xảy ra.
Cơ quan này cho rằng tổng thống Nga đang cân nhắc xem liệu một cuộc tấn công có giúp ông đạt được các mục tiêu xuyên suốt hay không, và đánh giá tác động tiềm tàng của các lệnh trừng phạt cũng như phản ứng quân sự mà Mỹ cùng đồng minh đang đe dọa.
Tuy nhiên, giới chức tình báo cũng cho biết các tính toán của ông Putin đang thay đổi liên tục.
Phản ứng khác nhau
Mỹ, Anh và Australia đã yêu cầu thân nhân của các nhân viên ngoại giao ở Kyiv, thủ đô Ukraine, rời đi trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công từ Nga. Mỹ cho biết họ đang hành động “thận trọng trước những nỗ lực nhằm gây bất ổn Ukraine của Moscow".
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và một số nhà ngoại giao châu Âu đã chỉ trích động thái này là “phản ứng thái quá".
Theo giới chức Đức, chiến tranh toàn diện sẽ ít có khả năng xảy ra hơn so với một cuộc tấn công hỗn hợp kéo dài, nhằm làm suy yếu chính quyền Kyiv. Và phản ứng lo lắng, như sơ tán thân nhân của nhân viên đại sứ quán, có thể làm giảm nguồn lực và ý chí chính trị của các nhà ngoại giao ở Ukraine để tiếp tục theo đuổi một giải pháp.
“Mỹ cho rằng ông Putin sẽ thực hiện một cuộc chiến toàn diện. Thế nhưng, châu Âu nghĩ ông ấy chỉ đang chơi trò lừa bịp", một quan chức cấp cao của Đức nói. “Người Mỹ đang chuẩn bị và cho rằng điều đó (chiến tranh toàn diện) sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi thì không".
Binh lính Ukraine sử dụng vũ khí chống tăng do Anh cung cấp trong cuộc tập trận tại Trung tâm an ninh gìn giữ hòa bình quốc tế của Ukraine gần Yavoriv. Ảnh: Reuters. |
Các quốc gia châu Âu khác cũng đưa ra quan điểm tương tự. Một số người cho rằng Nga có khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhưng vẫn coi những động thái cảnh báo gần đây là “chói tai” và phản tác dụng.
Một số quốc gia ở châu Âu coi những động thái chuẩn bị gần đây, như điều đơn vị y tế đến biên giới, có khả năng là một phần trong chiến dịch nhằm gây áp lực đến mức tối đa của Moscow. Trong tương lai gần, Nga thậm chí còn có thể thực hiện một cuộc chiến tranh mạng nhằm gia tăng sức ép.
Một số nước coi mục tiêu chủ yếu của Moscow là cố gắng tạo ra những thay đổi chính trị ở Ukraine và đạt được các cuộc đàm phán rộng hơn để cản trở xu hướng thân phương Tây của Kyiv trong thời gian gần đây.
Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ với những nước suy nghĩ khác như ở phía đông và phía bắc của châu Âu.
“Một số thời điểm, (phương Tây) đã có những nhận thức khác nhau về cảm giác cấp bách do Nga gây ra", một nhà ngoại giao cấp cao của Scandinavia cho biết. “Nhưng chắc chắn rằng một số quốc gia châu Âu cũng có chung nhận thức với Mỹ".
Mỹ không loại trừ hành động tấn công của Nga.
“Chúng tôi cũng đang xem xét những kịch bản khác nhau về các cuộc tấn công hỗn hợp nhằm lật đổ hoặc phá hoại Ukraine. Chúng tôi phải xem xét tất cả điều này và sẵn sàng hành động để hỗ trợ Ukraine", bà Sherman cho biết.
Tại Moscow, ông Peskov nói rằng Tổng thống Putin sẽ “dành chút thời gian để phân tích” các phản ứng của Washington hôm 26/1 và kêu gọi không nên vội vàng đưa ra kết luận.
“Cho dù quan điểm của chúng tôi có khác nhau hoàn toàn đến mức nào đi nữa, thì đối thoại luôn là điều cần thiết”, ông Peskov nói thêm.