"Tôi sẽ chuyển quân đến các quốc gia thành viên NATO tại khu vực Đông Âu trong thời gian tới", Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên tại Căn cứ Liên hợp Andrews khi trở về sau chuyến đi đến Pittsburgh. "Một số lượng không quá nhiều".
Lầu Năm Góc đã đặt 8.500 binh sĩ trong trạng thái báo động, sẵn sàng triển khai quân tới các quốc gia NATO ở Đông Âu. Thông báo trên của ông Biden báo hiệu một lượng nhỏ binh sĩ từ đây sẽ sớm được điều động. Phần lớn binh sĩ dự kiến tham gia lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở Đông Âu.
The Hill nhận định đây cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy Nhà Trắng tin tưởng mạnh mẽ rằng Nga sẽ tấn công Ukraine trong tương lai gần. Tuy nhiên, Ukraine lại không đồng tình với lập luận này từ phía phương Tây.
Hôm 28/1, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây tránh tạo ra bầu không khí "hoảng loạn". Ông cho rằng điều này sẽ gây ra gánh nặng với nền kinh tế vốn đã chịu nhiều áp lực của Ukraine, AFP đưa tin.
Ông Biden có kế hoạch gửi quân Mỹ đến Đông Âu trong ngắn hạn. Ảnh: Shutterstock. |
"Chúng tôi không cần sự hoảng loạn này", ông Zelensky nhấn mạnh. "Tôi không coi tình hình bây giờ căng thẳng hơn trước. Bên ngoài sẽ có cảm giác ở đây đang có chiến tranh. Nhưng thực sự không phải vậy".
Trước đó một ngày, tổng thống Mỹ đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine. Ông nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ "phản ứng dứt khoát" nếu Nga thực sự điều quân xâm lược Ukraine.
Mặc dù Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận, phương Tây cáo buộc Nga điều 100.000 quân ở biên giới với Ukraine và đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt chưa từng có nếu Moscow tấn công Kyiv.
Mỹ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp về hành động "gây hấn" của Nga đối với Ukraine vào tuần tới nhằm gây thêm áp lực lên Moscow.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định nước này không muốn xảy ra chiến tranh với Ukraine. Đây như là một câu trả lời rõ ràng đáp lại lời cáo buộc về khả năng diễn ra xung đột vào tháng 2 của Washington.