Người dân Ukraine trú ẩn dưới ga tàu điện ngầm hôm 5/12. Ảnh: Reuters. |
“Ở nhiều khu vực sẽ đối mặt với tình trạng mất điện khẩn cấp”, Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tái khôi phục sự ổn định”.
Theo Reuters, kể từ đầu tháng 10, cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine gần như bị tấn công hàng tuần. Cuộc tấn công bằng tên lửa mới diễn ra ngay trước khi tình trạng mất điện khẩn cấp ở Ukraine sắp kết thúc.
Ukraine chỉ mới quay lại tình trạng mất điện theo thông báo từ hôm 5/12, thay vì mất điện khẩn cấp, sau vụ tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trên diện rộng hôm 23/11.
Tuy nhiên, nhà cung cấp năng lượng tư nhân lớn nhất của Ukraine, DTEK, hôm 5/12 thông báo họ phải ngắt kết nối một cơ sở khỏi lưới điện, hạn chế nguồn cung điện và nhiệt. Động thái này diễn ra khi cơ quan này cáo buộc Nga hôm 5/12 tấn công lần thứ 17 vào một trong những cơ sở của DTEK trong 2 tháng qua.
Kyiv chìm trong bóng tối hôm 23/11. Ảnh: Reuters. |
Mất điện khiến nhiều vùng ở Ukraine chìm trong bóng tối giữa tiết trời 0 độ C. Đây là vụ tấn công mới nhất trong nhiều tuần nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, cắt nguồn điện và nước của nhiều cư dân.
Các quan chức cho biết tên lửa cũng tấn công các nhà máy năng lượng ở khu vực Kyiv và Vinnytsia ở miền Trung Ukraine, Odesa ở miền Nam và Sumy ở miền Bắc. Theo ông Zelensky, Kyiv là một trong những khu vực bị mất điện nhiều nhất.
Trong khi đó, cùng ngày, Nga cáo buộc Ukraine tấn công các sân bay quân sự của nước này bằng cách sử dụng phương tiện bay không người lái do Liên Xô sản xuất. Lực lượng Nga đã đánh chặn các phương tiện, nhưng có 3 quân nhân trọng thương, trong khi 4 người khác nhập viện, TASS đưa tin.
Trước đó, Thống đốc vùng Saratov Roman Busargin cho biết cơ quan chức năng đang chứng thực sự cố tại các cơ sở quân sự ở thành phố Engels, sau khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về tiếng nổ lớn ở các sân bay.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này cũng đã làm gián đoạn quy trình chuyển vũ khí dự trữ của Ukraine và vũ khí nước ngoài tới khu vực chiến sự hôm 5/12.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.