Ukraine hôm 29/3 đã đề nghị chấp nhận trở thành nước trung lập, từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO, để đối lấy sự đảm bảo an ninh đầy đủ từ các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, những động thái này sẽ yêu cầu sửa đổi hiến pháp hoặc một cuộc trưng cầu dân ý.
Cả hai đều không thể được thực hiện trong thời gian chiến sự, các nhà phân tích nói.
Trung lập là gì?
Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia sẽ trung lập nếu quốc gia đó không can thiệp vào các tình huống xung đột vũ trang quốc tế. Quốc gia đó cũng sẽ không cho phép bất cứ bên tham chiến nào sử dụng lãnh thổ của mình để làm căn cứ hoạt động quân sự, ủng hộ hoặc cung cấp thiết bị quân sự, Guardian và AFP đưa tin.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước đoàn đàm phán Nga và Ukraine, ngày 29/3. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Zelensky đã nói gì?
Ngày 15/3, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thừa nhận rằng Ukraine không thể gia nhập NATO.
“Trong nhiều năm, chúng tôi đã nghe nói rằng họ đang mở cửa, nhưng cũng có người nói rằng chúng tôi không thể tham gia. Đó là sự thật mà chúng tôi đã nhận ra”, ông Zelenskiy nói về việc từ bỏ mong muốn gia nhập khối liên minh quân sự. Nhận xét này đã bị một số người Ukraine xem là động thái nhượng bộ không thể chấp nhận được.
Hôm 27/3, ông Zenlensky cho biết Ukraine sẵn sàng trung lập và thỏa hiệp về tình trạng của khu vực Donbas như một phần của thỏa thuận hòa bình.
"Các đảm bảo an ninh và tính trung lập, tình trạng phi hạt nhân hóa của nhà nước chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng thực hiện", ông Zelensky nói bằng tiếng Nga trong một cuộc gọi video đến các nhà báo Nga, theo Reuters.
Ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà chung cư bị hư hại ở quận Livoberezhnyi, Mariupol, Ukraine, ngày 29/3. Ảnh: Maxar Technologies. |
Tại cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, các nhà đàm phán Ukraine cho biết Kyiv sẵn sàng chấp nhận quy chế trung lập nếu các quốc gia phương Tây như Mỹ, Pháp và Anh đưa ra các đảm bảo an ninh ràng buộc bằng một hiệp định quốc tế.
Tuy nhiên, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine được ghi trong hiến pháp của đất nước, không thể được sửa đổi trong thời gian thiết quân luật đang có hiệu lực, hoặc trong khi đất nước ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ukraine có thể thay đổi hiến pháp không?
Bất kỳ thay đổi nào trong hiến pháp cũng cần được 300 trong số 450 nhà lập pháp phê chuẩn trong hai phiên họp quốc hội riêng biệt, và sau đó sẽ được tòa án hiến pháp xác nhận.
“Dù không đạt được 300 phiếu bầu, nếu xung đột tiếp tục và chúng tôi thấy NATO không có ý định giúp đỡ, các ý kiến có thể thay đổi”, nhà khoa học chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko cho biết.
“Sự thất vọng của ông Zelenskiy về việc NATO không cung cấp đủ viện trợ cũng đang làm thay đổi dư luận. Đối với chúng tôi, NATO là sự nhượng bộ đơn giản nhất và ít đau đớn nhất”, ông nói thêm.
Người dân Ukraine muốn gì?
Theo cuộc khảo sát mới nhất do tổ chức thăm dò Rating thực hiện hồi đầu tháng này, 44% người Ukraine cảm thấy đất nước nên tham gia NATO, giảm 2% so với cuộc thăm dò được thực hiện hồi tháng 2, trước khi Nga tấn công.
Khoảng 42% người dân tham gia khảo sát cho rằng Ukraine nên tiếp tục hợp tác với NATO nhưng không tham gia.
Mykola Davydiuk, một nhà phân tích chính trị ở Kyiv, cho biết: “Người Ukraine muốn gia nhập NATO, nhưng nếu châu Âu đề xuất cho Ukraine gia nhập EU cùng một gói tài chính để tái thiết Ukraine, cuộc tranh luận về NATO có thể bị lãng quên trong một thời gian”.
Ông nói thêm: “Nếu Anh, Pháp và Mỹ - ba cường quốc hạt nhân - cung cấp các đảm bảo an ninh, thì một liên minh như vậy sẽ mạnh hơn việc gia nhập vào NATO”.
Các nhà đàm phán Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3 đã so sánh các đảm bảo an ninh mà họ muốn với Điều 5 của hiệp ước NATO, trong đó các thành viên đồng ý bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp có hành động quân sự tiến vào một nước.