Hai ngày sau khi Moscow tuyên bố hoàn tất giai đoạn đầu của chiến dịch tại Ukraine và chuyển hướng tập trung vào vùng Donbas, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra tuyên bố được cho là có thể đánh dấu chuyển biến lớn trong xung đột ở nước này.
"Các đảm bảo an ninh và tính trung lập, tình trạng phi hạt nhân hóa của nhà nước chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng thực hiện", ông Zelensky nói bằng tiếng Nga trong một cuộc gọi video đến các nhà báo Nga, theo Reuters.
Tổng thống Ukraine cũng nói rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ không thể thực hiện được nếu không có lệnh ngừng bắn và rút quân. Ông loại trừ việc cố gắng chiếm lại tất cả lãnh thổ do Nga nắm giữ bằng vũ lực, nói rằng điều đó sẽ đẩy cuộc chiến đi xa và ảnh hưởng rộng hơn.
Tổng thống đồng thời cho biết ông muốn đạt được một "thỏa hiệp" đối với khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine, do các lực lượng thân Nga kiểm soát từ năm 2014.
Trên mặt trận ngoại giao, ông Zelensky đang cố gắng thu hút thêm viện trợ vũ khí từ phương Tây. Trong khi đó, giới chức Mỹ xác nhận nước này không có ý định thay đổi chế độ tại Nga sau khi Tổng thống Joe Biden “lỡ lời” trong chuyến thăm Ba Lan.
Nga tấn công bằng tên lửa
Dù tuyên bố chuyển trọng tâm sang “giải phóng hoàn toàn” vùng Donbas, Nga hôm 27/3 vẫn tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào miền Tây Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã sử dụng tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình có độ chính xác cao để tập kích một kho chứa dầu và một cơ sở sửa chữa hệ thống phòng không, radar và dụng cụ quang học cho xe tăng gần Lviv.
Khi chiến sự tiếp diễn, con số thương vong với thường dân cũng dần tăng cao. Cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 27/3 cho biết ít nhất 1.119 dân thường đã thiệt mạng và 1.790 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát. Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 99 trẻ em.
Cũng trong ngày 27/3, Ukraine và Nga đã đạt được thỏa thuận về hai hành lang nhân đạo để sơ tán cư dân khỏi vùng xung đột, bao gồm cho phép người dân tự lái xe rời Mariupol để tới tỉnh Zaporizhzhia.
Trong một diễn biến đáng chú ý, chính quyền “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng (LNR) ngày 27/3 tuyên bố có thể tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga.
Chính quyền “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng ngày 27/3 bày tỏ mong muốn tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga. Ảnh: Reuters. |
“Tôi nghĩ một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trên lãnh thổ ‘nước cộng hòa’ trong tương lai gần. Theo đó, người dân có thể bày tỏ ý kiến về việc gia nhập Liên bang Nga”, ông Leonid Pasechnik, lãnh đạo LNR, nói. “Vì một số lý do, tôi chắc chắn điều này sẽ thành sự thật”.
Bộ Ngoại giao Ukraine ngay lập tức bác bỏ khả năng đối thoại về các cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát. “Mọi cuộc trưng cầu dân ý giả tạo ở những khu vực tạm thời bị chiếm đóng đều vô nghĩa và không có giá trị pháp lý”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nói với Reuters.
Mỹ “chữa cháy” cho ông Biden
Trên mặt trận ngoại giao, Ukraine vẫn đang tiếp tục những nỗ lực nhằm thu hút thêm viện trợ quân sự từ phương Tây, cụ thể là các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong một thông điệp qua video tối 26/3, Tổng thống Zelensky kêu gọi các đối tác chuyển giao một phần nhỏ xe tăng, máy bay chiến đấu và vũ khí chống hạm cho Ukraine.
"Ukraine chỉ cần 1% máy bay và 1% xe tăng của NATO, những vũ khí mà các đối tác của chúng tôi có nhưng chúng chỉ đang nằm phủ bụi. Tất cả vũ khí đó không chỉ vì tự do của Ukraine, mà còn vì tự do của cả châu Âu", Tổng thống Zelensky nói. Ông tuyên bố sẽ không đòi hỏi thêm bất cứ vũ khí nào khác.
Tổng thống Zelensky mong được phương Tây viện trợ thêm vũ khí hạng nặng. Ảnh: AP. |
Các nước phương Tây vẫn chưa phản hồi đề nghị của ông Zelensky. Kể từ trước khi xung đột bùng phát, Ukraine đã nhận được nhiều tên lửa chống tăng, phòng không hay vũ khí và đồ bảo hộ cá nhân. Tuy vậy, phương Tây vẫn dè chừng khi chưa cung cấp các khí tài hạng nặng như xe tăng hay máy bay chiến đấu.
Đề nghị của ông Zelensky đưa ra khi giới ngoại giao Mỹ còn đang bận tâm với việc “chữa cháy” cho Tổng thống Joe Biden, sau khi nhà lãnh đạo này tuyên bố tại Ba Lan rằng ông Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”.
Các quan chức Nhà Trắng đã lên tiếng giải thích phát biểu của ông Biden không nhằm thay đổi chế độ tại Moscow. Phát biểu tại Jerusalem ngày 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định điều tương tự.
“Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Mỹ không có chiến lược thay đổi chế độ ở Nga, hay bất kỳ nơi nào khác”, ông Blinken nói.
Tuyên bố của ông Biden được cảnh báo có thể gây gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga. “Bình luận của tổng thống khiến tình hình càng thêm khó khăn và nguy hiểm”, ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), viết trên Twitter.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên kiềm chế “cả từ ngữ lẫn hành động” liên quan tới vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh khác của Washington, dường như cũng có cách tiếp cận khác khi nhấn mạnh đến yêu cầu đối thoại với Moscow.
“Nếu tất cả đều cắt đứt liên hệ với Nga, ai sẽ đối thoại với họ đây?”, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin tuyên bố tại Qatar ngày 27/3.