Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ukraina lệnh rút quân khỏi Crimea

Trước sức ép ngày càng lớn từ phía Nga, ngày 19/3, chính phủ lâm thời Ukraina cho biết, họ đã lên kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Crimea.

Theo kế hoạch mới nhất của giới chức lâm thời Ukraina, khoảng 25.000 binh lính cùng gia đình sẽ được tái bố trí tại các khu vực khác.

Theo New York Times, tuyên bố rút quân của người đứng đầu cơ quan An ninh Quốc gia và Hội đồng Quốc phòng Ukraina, Andriy Parubiy trên thực tế là sự “đầu hàng” của Ukraina trong vấn đề Crimea, ít nhất về mặt quân sự.

Cùng lúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không hành động quân sự tại Ukraina. Tôi nghĩ ngay cả người Ukraina cũng sẽ thừa nhận rằng, việc can dự quân sự với Nga sẽ không thích hợp và cũng không có lợi cho Ukraina”.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Washington sẽ thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để gây sức ép buộc Nga nới lỏng sự kiểm soát đối với Crimea.  

Tuyên bố của Mỹ và Ukraina được đưa ra chỉ ít giờ sau khi lực lượng tự vệ Crimea chiếm giữ trụ sở Hải quân Ukraina ở Sevastopol và bắt giữ tư lệnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, cho biết ông đã đề nghị các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Crimea trả tự do cho tư lệnh Hải quân Ukraina và không ngăn cản ông này rời Crimea.

Các thành viên của lực lượng tự vệ tham gia một buổi huấn luyện tại một cơ sở của Bộ Nội vụ Ukraina ở ngoại ô thủ đô Kiev hôm 17/3. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan An ninh Quốc gia và Hội đồng Quốc phòng chính phủ lâm thời Ukraina, ông Andrey Parubiy, thông báo Ukraina sẽ phản ứng mạnh với động thái sáp nhập Crimea của Nga thông qua quyết định rời Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) và buộc người Nga phải nộp đơn xin thị thực nhập cảnh nếu muốn vào biên giới Ukraina. 

“Chúng tôi không chỉ từ bỏ vai trò chủ tịch (CIS) mà còn triển khai những bước cần thiết để rút khỏi khối này”, Parubiy tuyên bố.

Năm nay, Ukraina đảm nhiệm vai trò chủ tịch CIS, một khối thịnh vượng chung nhằm liên kết các nền kinh tế và an ninh giữa những nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ. Ban đầu, CIS bao gồm 12 quốc gia không tiếp giáp với biển Baltic nhưng Gruzia rời khối sau cuộc xung đột Ossetia năm 2008.

Người đứng đầu cơ quan An ninh Quốc gia và Hội đồng quốc phòng chính phủ lâm thời Ukraina còn cho biết, Kiev sẽ đệ đơn yêu cầu Liên Hiệp Quốc tuyên bố Crimea, nơi Nga đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen, trở thành khu vực phi quân sự. Liên Hiệp Quốc từng lập các khu phi quân sự giữa Kosovo và Serbia, Hàn Quốc và Triều Tiên và khu vực bao quanh Israel.

Ngoài ra, Ukraina cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ những người muốn rời bán đảo Crimea, nơi 96% dân số ủng hộ sáp nhập với Liên bang Nga. 

“Nội các đã vạch kế hoạch sơ tán những người không muốn ở lại Crimea”, ông Parubiy nói.

Ukraina cũng sẽ đưa ra chế độ thị thực dành cho người Nga, những người từng được phép di chuyển tự do giữa biên giới Nga – Ukraina, bằng những giấy tờ tùy thân đơn giản. 

“Trong những giờ tới, chúng tôi sẽ đưa ra cơ chế cung cấp thị thực mới đối với người Nga. Trong quá trình chờ đợi mẫu visa chính thức, họ có thể vào Ukraina bằng hộ chiếu du lịch”, Parubiy nói.

Trong khi đó, RIA Novsti dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow không có kế hoạch thay đổi hình thức cấp thị thực cho những người Ukraina muốn vào Nga. Tuy nhiên, nếu Kiev thay đổi, Moscow cũng sẽ đáp trả bằng chính sách tương tự.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm