Trụ sở của UBS Group AG tại Thuỵ Sỹ. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters. |
Theo Reuters, UBS ước tính các tác động tiêu cực đến từ việc tiếp quản Credit Suisse vào khoảng 13 tỷ USD. Số tiền này đến từ việc điều chỉnh giá trị hợp lý của tài sản và tổng nợ phải trả. Cùng với đó, UBS cho biết nhà băng này còn phải chịu khoảng 4 tỷ USD chi phí pháp lý và kiện tụng tiềm tàng phát sinh từ dòng vốn chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư đa quốc gia này cũng ước tính sẽ nhận được khoản lãi phát sinh từ "lợi thế thương mại tiêu cực" là 34,8 tỷ USD qua việc mua lại Credit Suisse với giá chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường (tính đến phiên giao dịch lúc thu mua hồi giữa tháng 3).
Bộ đệm tài chính này kỳ vọng giúp UBS bù đắp các khoản lỗ tiềm ẩn và thậm chí có thể giúp tăng lợi nhuận quý II cho ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ nếu hoàn tất giao dịch sáp nhập vào tháng tới theo kế hoạch.
UBS cho biết thêm các ước tính kể trên chỉ mang tính chất sơ bộ và con số thực tế có thể thay đổi đáng kể sau giao dịch. Phía nhà băng cũng nhận định có thể ghi nhận thêm các khoản dự phòng tái cơ cấu sau đó, nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ Jefferies ước tính chi phí tái cấu trúc, các điều khoản kiện tụng và kế hoạch đóng cửa bộ phận không cốt lõi mà UBS sẽ phải chịu có thể lên tới 28 tỷ USD.
Theo hồ sơ quy định, Credit Suisse sẽ phải đối mặt với những hạn chế nhất định về khả năng kinh doanh đến khi việc mua lại của UBS hoàn tất. Điều này kỳ vọng giúp UBS hạn chế việc phải nhận thêm các khoản lỗ mới từ thương vụ sáp nhập.
Cụ thể, trong một số trường hợp nhất định, Credit Suisse sẽ không được cấp thêm khoản vay hoặc hạn mức tín dụng mới vượt quá 100 triệu franc Thụy Sĩ (113 triệu USD) cho tổ chức hoặc hơn 50 triệu franc (55,7 triệu USD) cho cá nhân bất kỳ.
Credit Suisse cũng không được thực hiện các giao dịch chi tiêu vốn hơn 10 triệu franc (11,1 triệu USD) hoặc phát sinh ký kết các hợp đồng trị giá hơn 3 triệu franc (3,3 triệu USD) mỗi năm.
Hồ sơ tiếp quản cũng cho thấy Credit Suisse không được yêu cầu bất kỳ "sửa đổi quan trọng" nào đối với các điều khoản và điều kiện của nhân viên, bao gồm cả tiền lương và quyền lợi lương hưu, cho đến khi kết thúc thỏa thuận.
Trước đó, Credit Suisse đã đứng trước bờ vực sụp đổ trong cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng toàn cầu sau nhiều năm vướng vào bê bối và thua lỗ.
Tháng 3 năm nay, UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ franc (3,3 tỷ USD) dưới dạng hoán đổi cổ phiếu và chịu khoản lỗ lên tới 5 tỷ franc (5,58 tỷ USD) phát sinh từ việc đóng cửa một phần hoạt động kinh doanh. Thương vụ sáp nhập được thực hiện dưới sự điều phối của chính quyền Thụy Sĩ.
Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tài trợ thỏa thuận này với số tiền lên tới 250 tỷ franc (279,1 tỷ USD) từ quỹ đầu tư công. Đồng thời, ngân hàng trung ương nước này sẽ cung cấp một khoản bảo lãnh lên tới 9 tỷ franc (10 tỷ USD) cho các khoản lỗ tiềm ẩn tiếp theo đối với danh mục đầu tư của Credit Suisse.
Thỏa thuận này là cuộc giải cứu đầu tiên của một ngân hàng toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giao dịch cũng đã biến UBS trở thành ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất thế giới với quy mô tài sản hơn 5.000 tỷ USD và hơn 120.000 nhân viên.
Phía UBS cho biết trong quý II và cả năm nay, dự kiến cả Credit Suisse và bộ phận đầu tư của UBS sẽ báo cáo khoản lỗ trước thuế đáng kể.
Ngoài ra, sau khi hoàn tất giao dịch sáp nhập, UBS Group AG sẽ có kế hoạch quản lý 2 công ty mẹ riêng biệt là UBS AG và Credit Suisse AG. Quá trình hợp nhất có thể mất tới 3-4 năm. Trong thời gian đó, mỗi tổ chức sẽ tiếp tục hoạt động với các công ty con và chi nhánh riêng, phục vụ khách hàng và giao dịch với các đối tác riêng biệt.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.