"Đó là một ngày buồn của các vị và cả chúng tôi nữa. Tôi có thể hiểu sự cay đắng, tức giận và bàng hoàng của mọi người, những ai đang cảm thấy thất vọng, choáng váng và bị thiệt hại vì vụ việc", CNBC dẫn lời ông Lehmann chia sẻ tại cuộc họp thường niên của ngân hàng.
Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo của Credit Suisse lên tiếng sau khi ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ bị UBS mua lại.
"Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn việc niềm tin bị xói mòn trong nhiều năm, và vì đã làm các vị thất vọng", ông nói thêm.
Đám đông phẫn nộ
Sáng 4/4, những người biểu tình và các cổ đông của Credit Suisse đã có mặt tại nơi diễn ra cuộc họp, buộc cảnh sát phải can thiệp. Đám đông phẫn nộ muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng sau sự sụp đổ của nhà băng 167 tuổi.
UBS đã mua lại Credit Suissevới giá 3,23 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này (tính đến phiên giao dịch 17/3).
Thương vụ được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.
Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn việc niềm tin bị xói mòn trong nhiều năm, và vì đã làm các vị thất vọng
Ông Axel Lehmann - Chủ tịch Credit Suisse
Trước đó, Credit Suisse đã chao đảo vì làn sóng rút tiền gửi và giá cổ phiếu tụt dốc không phanh. Nhưng thỏa thuận vẫn sa lầy trong những thách thức về pháp lý và hậu cần.
Cả cổ đông của UBS lẫn Credit Suisse đều không được phép bỏ phiếu cho thương vụ này.
"Cho đến cuối cùng, chúng tôi đã đấu tranh hết mình để tìm ra giải pháp. Nhưng cuối cùng, chỉ còn lại 2 lựa chọn, hoặc đi tới thỏa thuận, hoặc phá sản", ông Lehmann thừa nhận với các cổ đông.
Các trái chủ, cổ đông thiệt hại nặng nề
Trong một tuyên bố hôm 3/4, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ đã xác nhận rằng Cơ quan Công tố liên bang nước này đã mở cuộc điều tra về các hành vi vi phạm luật liên bang trong thương vụ giữa UBS và Credit Suisse. Cuộc điều tra nhắm tới một số quan chức chính phủ, cơ quan quản lý và ban giám đốc của 2 ngân hàng.
Thương vụ giải cứu tỷ USD đã làm dấy lên làn sóng bất bình giữa các cổ đông, trái chủ và người dân Thụy Sĩ. Theo tính toán của Bloomberg, với vai trò trung gian của thỏa thuận, chính phủ Thụy Sĩ đã phải cam kết một khoản tiền khổng lồ, tương đương 13.500 USD trên mỗi người dân.
Ông Vincent Kaufmann - Giám đốc điều hành của Ethos Foundation, đại diện cho các quỹ hưu trí nắm giữ 3-5% cổ phần tại Credit Suisse - cho biết họ đã "mất rất nhiều tiền" và "cần phải biết ban quản lý đang làm gì".
Ông cho biết nhóm này đang tìm cách giành lại một phần tiền đã được trả cho ban quản lý cũ. Bởi họ không thể bảo vệ lợi ích của các cổ đông.
Trong khi đó, sau thương vụ, toàn bộ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu. Điều này đồng nghĩa với việc các trái chủ sẽ mất trắng.
Thương vụ giải cứu tỷ USD đã làm dấy lên làn sóng bất bình giữa các cổ đông, trái chủ và người dân Thụy Sĩ. Ảnh: Bloomberg. |
Các trái chủ đã tìm đến những hành động pháp lý để đòi lại quyền lợi. Ông David Benamou - Giám đốc đầu tư của Axiom Alternative Investments, một trong các trái chủ AT1 của Credit Suisse - tiết lộ ông và "hầu hết trái chủ" sẽ tham gia vụ kiện.
Tuần trước, UBS cho biết cựu CEO Sergio Ermotti sẽ trở lại lãnh đạo ngân hàng. Nhà băng này giờ phải gánh vác một trọng trách to lớn hơn sau khi mua lại đối thủ.
UBS sẽ tổ chức một đại hội cổ đông riêng vào ngày mai. Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cũng có cuộc họp báo hôm 5/4.
Theo nguồn tin của tờ Tages-Anzeiger (Thụy Sĩ), sau khi Credit Suisse được sáp nhập vào UBS, ngân hàng mới sẽ lên kế hoạch cắt giảm 20-30% lực lượng lao động trên toàn cầu.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.