Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều gì đang xảy ra với giá dầu

Thị trường dầu chấn động sau quyết định cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC+. Điều đó cho thấy nhóm này muốn giá dầu dao động quanh vùng 90-100 USD/thùng.

Việc OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng hôm 2/4 đã định hình lại thị trường dầu. Các nhà đầu tư bắt đầu bàn về kịch bản giá dầu trở lại ngưỡng 100 USD/thùng.

Theo Bloomberg, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay. Giờ đây, việc OPEC+ cắt giảm nguồn cung có thể tạo ra một mối đe dọa mới trong cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu.

OPEC+ anh 1

Giá dầu Brent tăng dựng đứng sau khi một số thành viên OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu. Ảnh: Trading Economics.

Thị trường chấn động

Việc một số thành viên OPEC+ cắt giảm sản lượng khiến các thương lái và giới phân tích ngỡ ngàng. Giá dầu thô Brent (chuẩn toàn cầu) tăng vọt 8,4% trong ngày 3/4.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh giá dầu đang phục hồi sau quý I trì trệ. Hơn nữa, trước đó, các quan chức OPEC+ còn công khai đảm bảo về việc sẽ đáp ứng những mục tiêu sản lượng trong năm nay.

Bà Helima Croft, chiến lược gia hàng hóa trưởng tại RBC Capital Markets, gọi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia là "ông hoàng của những cú bẻ lái".

Theo Bloomberg, động thái lần này của OPEC+ một phần được thúc đẩy bởi triển vọng của nền kinh tế toàn cầu xấu đi, cùng với các vụ phá sản liên tiếp trong ngành ngân hàng. Cả 2 đều liên quan tới lạm phát và lãi suất tăng cao.

"Chúng tôi đã nhận thấy rất nhiều bất ổn trong ngày hôm nay, và điều đó được thảo luận tại cuộc họp", Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Rossiya 24 TV sau cuộc hội đàm trực tuyến của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+.

"Chúng tôi nhận thấy rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu và Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường dầu mỏ", ông nói thêm.

OPEC+ ở thế chủ động

Quyết định cắt giảm sản lượng sẽ ngăn chặn khả năng giá dầu giảm mạnh, nếu một cuộc suy thoái toàn diện xảy ra vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc giá dầu có thể tăng đột biến trong ngắn hạn, và châm ngòi cho lạm phát vốn đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

"Các động thái của OPEC+ rõ ràng là nhằm vực dậy một thị trường đang ngày càng yếu đi", các chuyên gia của Citigroup viết trong một phân tích.

Việc cắt giảm này một lần nữa chứng minh OPEC+ đang chủ động trong việc quản lý sự cân bằng cung - cầu, và họ muốn giá dao động quanh vùng 90-100 USD/thùng

Bà Nadia Martin Wiggen tại Pareto Securities

Quyết định của nhóm cũng sẽ ngăn cản giới đầu tư đặt cược ngược vào thị trường dầu trong ngắn hạn. Chỉ cách đây 2 tuần, các quỹ quản lý tài sản đã bán khống dầu Brent và dầu WTI mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.

Các thị trường quyền chọn cũng cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, dấu hiệu lớn nhất cho thấy tác động thực tế của việc cắt giảm sẽ là tồn kho dầu.

Trong những tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy kho dự trữ đang giảm. Tại Mỹ, các kho dự trữ dầu sụt giảm hơn 20 triệu thùng trong vòng 20 tuần qua.

Dữ liệu của Vortexa cho thấy dự trữ dầu toàn cầu đã ghi nhận 7 tuần sụt giảm trong vòng 9 tuần qua.

Trên thực tế, theo Kayrros, dự trữ dầu thô trên đất liền vẫn cao hơn khoảng 140 triệu thùng so với một năm trước đó. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đang tăng đều đặn, và mỗi ngày, nguồn cung sẽ giảm hơn 1 triệu thùng. Bloomberg nhận định mức chênh lệch trong kho dự trữ này sẽ sớm bị bào mòn.

"Động thái này thúc đẩy giá dầu mạnh mẽ, vì hàng tồn kho sẽ giảm ngay lập tức", bà Nadia Martin Wiggen tại Pareto Securities nhận định.

"Việc cắt giảm này một lần nữa chứng minh OPEC+ đang chủ động trong việc quản lý sự cân bằng cung - cầu, và họ muốn giá dao động quanh vùng 90-100 USD/thùng", vị chuyên gia nói thêm.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

6 rủi ro chính với kinh tế toàn cầu năm nay

Những dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn thấp, phản ánh việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn.

Khủng hoảng ngân hàng trong thời đại mạng xã hội

Thời đại của mạng xã hội và các dịch vụ ngân hàng số có thể khiến một ngân hàng sụp đổ nhanh hơn. Tin đồn lan truyền trong vài giây, và khách hàng dễ dàng rút tiền khỏi tài khoản.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm