Ngày 21/11, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết UBND tỉnh này đã kháng cáo bản án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai.
Bản án tuyên ngày 15/10, chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Tiết Hồng (82 tuổi, quốc tịch Pháp, tạm trú quận Cái Răng, TP Cần Thơ), hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 000748 của UBND tỉnh Sóc Trăng cấp cho tịnh xá Ngọc Khánh ngày 27/3/2002, diện tích 8.792,8 m2, tại khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng.
Theo đơn kháng cáo, UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng cấp sơ thẩm là TAND tỉnh Sóc Trăng không áp dụng quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ cải tạo để giải quyết vụ án, đặc biệt là sau 20/4/1975.
"Căn cứ vào quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở đô thị các tỉnh phía Nam; Điều 20 Hiến pháp năm 1980... cho thấy rằng phần đất tịnh xá Ngọc Khánh đang sử dụng không còn thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Nguyễn Văn Quan", UBND tỉnh Sóc Trăng nêu lý do để yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm.
Tịnh xá Ngọc Khánh. Ảnh: Việt Tường. |
Theo hồ sơ tố tụng, ông Hồng có cha ruột là Nguyễn Văn Quan - người đứng tên sử dụng 22.000 m2 đất tại số 128 đường Trần Hưng Đạo, thuộc xã Khánh Hưng, tỉnh Ba Xuyên cũ. Hiện, thửa đất này có địa chỉ số 112 đường Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng và là tịnh xá Ngọc Khánh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cha ông Hồng qua đời và được chôn cất tại đây. Khi ông Hồng tiếp quản khu đất thì có một sư cô đến hỏi xin một phần nhỏ để xây cất am. Nghĩ việc tu hành là tốt nên gia đình ông đồng ý.
Khiếu kiện xảy ra khi năm 2016, gia đình ông Hồng phát hiện tịnh xá đăng ký quyền sử dụng đất toàn bộ khu đất của gia đình ông.
Khi em ruột ông Hồng qua đời (tức Nguyễn Tiết Hiệp), đến chôn cất trên nghĩa địa của gia đình họ thì bị một số người ngăn cản. Bức xúc việc này, ông Hồng làm đơn kiện UBND tỉnh Sóc Trăng.
Trong các căn cứ để tòa án cấp sơ thẩm xử nguyên đơn thắng kiện, ngoài việc xác định nguồn gốc đất là của gia đình ông Hồng thì HĐXX còn nêu nội dung kết luận thanh tra xác định tịnh xá cất nhà lấn đất khu mồ mã, lấn qua phần đất mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm khi chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều xác định trên phần đất này có nhiều ngôi mộ của thân nhân người khởi kiện. Trong đó, mộ xây lâu nhất là năm 1932, gần nhất là đầu năm 2019.