Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uber vẫn chưa chịu nộp 67 tỷ đồng truy thu thuế tại TP.HCM

Sau gần 2 tháng có quyết định truy thu gần 67 tỷ đồng tiền thuế đối với Uber B.V Hà Lan, doanh nghiệp này vẫn chưa nộp cho Cục thuế TP.HCM.

Thông tin từ Cục thuế TP.HCM, sau gần 2 tháng có quyết định, đến nay Công ty TNHH Uber B.V (Uber B.V) của Hà Lan vẫn chưa nộp 66,68 tỷ đồng tiền truy thu thuế. Lý do phía Uber B.V đưa ra là đang chờ kết quả làm việc giữa đơn vị này với Tổng cục thế và Bộ Tài chính.

Trong khi đó, đại diện Cục thuế TP.HCM cho rằng nếu kết quả làm việc giữa 3 bên liên quan không có gì thay đổi thì Cục thuế TP.HCM vẫn tiến hành truy thu. Trường hợp Uber B.V vẫn cố tình chây ì thì cơ quan thuế thành phố sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Uber nop thue anh 1
Uber vẫn chưa nộp 67 tỷ đồng bị truy thu thuế.

Về phương thức cưỡng chế, một lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cho rằng sẽ thông qua tài khoản ngân hàng mà doanh nghiệp này đang sử dụng để chuyển tiền.

“Cục Thuế sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để xem Uber B.V chuyển tiền thu được từ việc chia sẻ doanh thu với tài xế tại Việt Nam ra nước ngoài thế nào, thông qua ngân hàng nào, để tính biện pháp cưỡng chế”, vị này cho biết.

Trước đó, ngày 27/10, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Vụ thanh tra Tổng Cục thuế cho biết cơ quan này đã hoàn thành đợt thanh tra về việc chấp hành nghĩa vụ thuế của Uber B.V và Grab.

Theo ông Khanh, Cục thuế TP.HCM báo cáo doanh thu của Uber B.V từ năm 2014-2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.776 tỷ đồng, đã nộp thuế gần 77 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra, Cục thuế TP.HCM quyết định truy thu Uber B.V 66,68 tỷ đồng.

Nguyên nhân phát sinh số thuế truy thu này là do Uber B.V hiểu sai tinh thần của công văn 1882/TCT-CS 2016 của Bộ Tài chính về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi Uber B.V nghĩ rằng chỉ phải kê khai nộp thuế sau thời điểm ban hành công văn, Bộ Tài chính lại cho rằng công văn này chỉ mang tính chất hướng dẫn chính sách thuế chứ không quy định thời hiệu thi hành.

Cũng trong kết luận thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết cho biết cả Grab và Uber đều lỗ. Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 2/2014 tới nay. Lý do lỗ được Grab đưa ra là do chi phí quảng cáo khuyến mãi rất lớn.

Về chấp hành chính sách thuế, số liệu báo cáo của Grab cho biết tổng doanh thu các năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế đã kê khai nộp là 9,535 tỷ đồng. Qua hoạt động thanh tra, Cục thuế TP.HCM đã xử lý 2,961 tỷ đồng, trong đó có 2.286 tỷ đồng truy thu thuế.

Đến nay, Grab đã thực hiện nộp đầy đủ thuế đã kê khai và số thuế cơ quan thuế thanh kiểm tra truy thu.

Đối với Uber, Cục thuế TP.HCM báo cáo tổng doanh thu các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng, số thuế Uber đã nộp  là 76.877 tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục thuế cho rằng hình thức hoạt động của Uber B.V và Grab tại Việt Nam hiện nay là khác nhau. Trong khi Grab nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp Việt Nam thì Uber B.V vẫn là doanh nghiệp nước ngoài, chỉ nộp 5% thuế trên tổng doanh thu từ 20% đã ăn chia với lái xe.

Trong diễn biến khác, tại cuộc họp sáng nay, TP.HCM thông tin chỉ đề nghị Uber và Grab không kết nối thêm xe mới, chứ không phải cấm kết nối xe mới. Nguyên nhân của đề nghị này xuất phát từ lượng xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng tại thành phố tăng đột biến thời gian qua. 

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã cấp phù hiệu cho khoảng 24.000 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng như hình thức Uber, Grab, chưa kể thành phố đang có hơn 11.000 taxi hoạt động.

Uber đóng thuế tại Việt Nam như thế nào? Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Uber có cách "lách" thuế vô cùng lắt léo, chạy qua nhiều quốc gia để tối thiểu lượng thuế phải nộp.

Binh Nguyên

Bạn có thể quan tâm