Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uber Đông Nam Á bán mình cho Grab: Thắng hay bại?

Sau khoảng 4 năm bước vào cuộc đua đốt vốn vô cùng tốn kém để chiếm lĩnh thị phần, Uber đã bị chính Grab thâu tóm, đổi lại một lượng cổ phần của liên doanh mới.

Không ít người cho rằng việc Uber rời bỏ thị trường Đông Nam Á sau khi bị Grab thâu tóm toàn bộ mảng hoạt động tại khu vực là một thất bại nặng nề. Tuy nhiên nếu nhìn vào chi tiết, thương vụ này là chiến thắng của cả hai hãng sau một cuộc đua đốt vốn tốn kém.

Không làm gì cũng ra tiền

Hãy làm một phép toán nhỏ, Uber rời khỏi Đông Nam Á nhưng không hề trắng tay. Hãng sẽ bỏ túi 27,5% cổ phần của công ty ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, nếu không muốn nói là áp đảo phần còn lại của thị trường được định giá 6 tỷ USD.

Như vậy, sau khi đầu tư 700 triệu USD trong 5 năm, Uber mang về lượng cổ phần dự kiến trị giá 1,6 tỷ USD.

grab mua lai uber anh 1
Dù đánh mất hiện diện thương hiệu tại thị trường Đông Nam Á, Uber vẫn tìm cho mình một kênh sinh lời mới từ khu vực này, đó là cổ phần Grab. Ảnh: Hiếu Công.

Còn với Grab, đây được cho là chiến thắng thuyết phục. Từ một ứng dụng hỗ trợ các tài xế taxi, hãng đã thâu tóm gần như toàn bộ thị trường ứng dụng gọi xe Đông Nam Á, đánh bại gã khổng lồ Uber, đơn vị đã khai sinh ra mô hình kinh doanh này.

Hai hãng đã có nhiều năm không sinh ra một đồng nào lợi nhuận. Chiến lược duy nhất của hai bên là đốt vốn đầu tư để dùng giá cước chiếm thị phần, hạ gục đối phương.

Chiến lược này rất có lợi cho người tiêu dùng, nhưng không có lợi cho cả Uber và Grab. Hai hãng đã nhận ra điều này và thương vụ diễn ra hợp lý, đôi bên cùng có lợi.

Với Grab, kế hoạch tương lai gần sẽ là tiếp quản lượng tài xế và khách hàng mới từ Uber cũng như đưa ra chiến lược giá mới phù hợp để bù đắp khoản lỗ trong thời gian đốt vốn.

Bên cạnh đó, Grab cũng sẽ bước vào cuộc cạnh tranh mới với những đối thủ nhỏ hơn tại mỗi quốc gia Đông Nam Á cũng như những tên tuổi lớn của thế giới muốn gia nhập thị trường mà Uber đã bỏ lại.

grab mua lai uber anh 2
Không còn phải đau đầu vì tài xế đối tác, khách hàng hay cơ quan quản lý, việc duy nhất Uber phải làm hiện tại là ngồi chờ Grab sinh lời. Ảnh: Duy Anh.

Phần việc của Uber đơn giản hơn rất nhiều. Theo Techcrunch, Uber hiện là cổ đông chiến lược của Grab, hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển của Grab mà không phải bỏ công sức vận hành hệ thống, chăm sóc khách hàng và đối tác, giải quyết các vấn đề về luật pháp hay quy định thuế. Đó là những vấn đề mà Grab sẽ phải lo, Uber gần như không cần làm gì cũng sản sinh lợi nhuận từ thị trường Đông Nam Á. 

Đôi bên cùng có lợi

Uber từng có những thương vụ tương đối hợp lý để rút khỏi thị trường Trung Quốc và Nga. Công thức đó lại một lần nữa được áp dụng tại Đông Nam Á.

Là một công ty chưa niêm yết, không thể biết được cổ đông của Grab hiện là những ai, tuy nhiên có thể khẳng định với 27,5% cổ phần, Uber sẽ là một trong những nhà đầu tư quyết định. Đây là vị trí vô cùng thuận lợi cho Uber khi Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nóng về ứng dụng gọi xe và Uber đang có ghế hạng nhất trên chuyến tàu tốc hành Grab.

Dù hiện không mang lại lợi nhuận cho cả Uber và Grab, doanh thu từ lĩnh vực "taxi công nghệ" tại Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua và vượt ngưỡng 5 tỷ USD trong năm 2017 theo số liệu từ Google. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng gấp 4 lần.

grab mua lai uber anh 3
Không chỉ thâu tóm được thị trường, Grab sẽ nhận được sự trợ giúp từ Uber để khai thác tốt thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Today.

Uber có thể tiếp tục đốt vốn để cạnh tranh với Grab, có thể sẽ thành công, tuy nhiên thương vụ bán mình cho Grab sẽ giúp Uber vừa giữ được một chân sinh lời tại thị trường Đông Nam Á, vừa bảo toàn nguồn lực để Uber có thể tập trung khai thác các thị trường khác ít cạnh tranh hơn.

Lượng cổ phần hiện trị giá 1,6 tỷ USD tính theo giá trị đợt gọi vốn gần nhất của Grab nhiều khả năng sẽ phình to nếu Grab khai thác tốt thị trường đã chiếm được và mảng tài chính công nghệ của Grab cho ra trái ngọt.

Với Grab, chỉ cần 100 triệu USD tiền mặt, một lượng cổ phần mà chắc chắn sẽ được bù đắp bằng thị trường mới thâu tóm, hãng đã có trong tay điều mà mình mong muốn là trở thành thế lực lớn nhất về ứng dụng gọi xe tại Đông Nam Á, cùng với 500 nhân viên trải khắp khu vực được đào tạo bài bản từ Uber và lượng tài xế đối tác dồi dào.

Bên cạnh đó, Grab đã "biến thù thành bạn". Những cái đầu lớn tại Uber như CEO Khosrowshahi giờ sẽ sát cánh cùng Grab, chia sẻ những ảnh hưởng, kinh nghiệm quý giá mà tiền cũng không thể mua được để hướng tới lợi ích chung.

Thời điểm mà Grab thâu tóm thành công Uber cũng rất thích hợp khi đối thủ Go-Jek từ Indonesia đang lớn mạnh từng ngày với 5 tỷ USD vốn đầu tư từ Google và gã khổng lồ internet Trung Quốc Tencent. Go-Jek đã khiến Grab không thể thống trị thị trường Indonesia và không có gì chắc chắn rằng Go-Jek không thể làm được điều này tại các thị trường khác.

Theo nguồn tin của Techcrunch, Go-Jek đang có ý định gia nhập thị trường Philippines vào cuối tháng 3/2018. Tháng 10/2017, đã có nhiều tin đồn bắt nguồn từ thông tin của Bloomberg về việc Go-Jek sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, tuy nhiên không có thời điểm cụ thể nào được đưa ra.

Việc ngừng đốt vốn để cạnh tranh sẽ giúp Grab có sự chuẩn bị không thể tốt hơn để nghênh đón Go-Jek. Grab đánh bại Go-Jek cũng là điều mà Uber mong muốn, bởi nếu điều này xảy ra, 27,5% cổ phần Grab mà Uber đang nắm giữ sẽ mang về cho Uber khoản lợi nhuận khổng lồ, dù công sức bỏ ra không đáng kể.

Hành trình 5 năm vào thị trường và 'bán mình' của Uber ở Đông Nam Á Từng bùng nổ tại Đông Nam Á từ năm 2013, nhưng chỉ 5 năm sau Uber đã bán lại toàn bộ mảng kinh doanh cho Grab. Nhiều người đánh giá ứng dụng gọi xe này đã không đủ sức cạnh tranh.

Tài xế Uber ở Sài Gòn: 'Thu nhập giảm, chẳng ai nói gì với chúng tôi'

Các tài xế phàn nàn tuần trước Uber còn thông báo trấn an họ yên tâm lái xe, doanh thu còn tốt, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, thế mà nay mọi sự đã lật ngược.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm