Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

UAV tàng hình của Nga thử nghiệm tên lửa mô phỏng

Máy bay không người lái tàng hình Okhotnik của Nga đã thử nghiệm phóng tên lửa mô phỏng, bước tiến mới trong tham vọng đưa nó trực chiến cùng Su-57 vào năm 2024.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình (UCAV) Okhotnik của Nga lần đầu bay thử nghiệm với tên lửa không đối đất. Thông tin về thử nghiệm này vẫn còn hạn chế, nhưng đây có thể là một bước tiến đáng kể cho tham vọng đưa Okhotnik vào trực chiến từ năm 2024, trang tin quân sự The Drive cho biết.

Theo Ria Novosti, Okhotnik đang được thử nghiệm cho vai trò đánh chặn ở trường bắn Ashuluk, tây nam nước Nga.

“Từ đường băng sân bay quân sự của Trung tâm Ứng dụng Chiến đấu và Huấn luyện, thuộc lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ở Ashuluk, Okhotnik thực hiện một số chuyến bay với các mô phỏng chức năng của tên lửa không đối đất”, một nguồn tin quân đội Nga nói với Ria Novosti.

Sân bay này là nơi thử nghiệm các phương tiện chiến đấu trên không mới của Nga. Nguồn tin cho biết Okhotnik được cho là đã mang theo thiết bị mô phỏng tên lửa. Nó được phóng bằng khí trơ với cảm biến hồng ngoại và radar, nhưng không có động cơ và đầu đạn.

Vũ trang vượt trội

Trang tin The Drive nhận định Okhotnik có thể chưa bắn thử một tên lửa thật, nhưng thử nghiệm này là bước tiến quan trọng. Bên cạnh đó, nguồn tin cũng không cho biết cụ thể về quá trình nhắm mục tiêu và phóng tên lửa mô phỏng.

Ria Novosti không nêu rõ loại tên lửa nào đã tham gia vào thử nghiệm, nhưng đề cập rằng chúng là loại tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại và radar. Điều đó đồng nghĩa với việc Okhotnik có thể mang theo cả tên lửa tầm ngắn và tầm xa.

Hien dai hoa quan doi Nga anh 1

Chương trình UCAV Okhotnik đang được đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Tên lửa không đối không cận chiến chủ lực của Nga hiện nay là R-73 và R-74M2. Moscow cũng đang phát triển tên lửa không chiến tầm gần K-74M2 để trang bị cho tiêm kích tàng hình Su-57.

K-74M2 là loại tên lửa có khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng, được xem là ứng viên thích hợp để trang bị cho khoang chứa vũ khí của Okhotnik. K-74M2 được đánh giá là một trong những tên lửa không chiến tầm ngắn tốt nhất thế giới.

Tên lửa không đối không tầm xa chủ lực của Nga là R-77 và R-77-1 cải tiến. Trong khi đó, K-77M loại tên lửa tầm xa tối tân hơn đang được phát triển cho Su-57 và Okhotnik. K-77M có tầm bắn 193 km và được trang bị công nghệ dẫn đường cực kỳ chính xác.

Tạp chí quân sự Military Watch nhận định về tầm bắn và công nghệ dẫn đường của K-77M vượt trội so với tên lửa không đối không tầm xa AIM-120D AMRAAM của Mỹ.

Ria Novosti lưu ý rằng các thử nghiệm gần đây của Okhotnik tập trung vào chất lượng bay và các hệ thống chính của nó. Chương trình phát triển tổ hợp máy bay không người lái trinh sát - tấn công của Nga do Sukhoi phụ trách.

Trước đó, Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết UCAV Okhotnik sẽ được đưa vào trực chiến từ năm 2023 hoặc 2024. Đây là một trong những chương trình được ưu tiên đẩy nhanh tốc độ để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa lực lượng Không gian Vũ trụ Nga.

Song sát trên bầu trời Nga

Okhotnik - thợ săn trong tiếng Nga - được thử nghiệm trên mặt đất lần đầu vào tháng 1/2019 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 8 cùng năm. Ria Novosti cho biết thêm thử nghiệm phóng tên lửa mô phỏng sẽ giúp đánh giá khả năng kết hợp hệ thống điện tử hàng không của nó với hệ thống dẫn đường cho tên lửa của Su-57.

Giới phân tích dự đoán Okhotnik sẽ kết hợp với Su-57 tạo nên cặp song sát trên bầu trời Nga. UCAV Okhotnik sẽ bay phía trước Su-57 để trinh sát, khi gặp mục tiêu đáng giá hoặc đụng độ với hệ thống phòng không đối phương, Su-57 sẽ điều khiển và khai hỏa hệ thống vũ khí trên Okhotnik để tấn công.

Hien dai hoa quan doi Nga anh 2

UCAV Okhotnik (trái) trong chuyến bay thử nghiệm cùng tiêm kích tàng hình Su-57. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Trong một video công bố vào tháng 9, Bộ Quốc phòng Nga đã trình diễn khả năng bay kết hợp giữa Su-57 và Okhotnik. Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố Okhotnik sẽ giúp mở rộng phạm vi bao phủ radar của Su-57, cung cấp khả năng nhận diện mục tiêu để sử dụng vũ khí.

Điều này cho thấy Okhotnik có thể được sử dụng để điều khiển vũ khí tầm xa chống lại các mục tiêu trên không và trên mặt đất thay cho Su-57. Okhotnik cũng có thể tự tấn công mục tiêu bằng vũ khí nó mang theo, nhưng mức độ tự chủ của nó vẫn chưa được biết đến.

Okhotnik sẽ hoạt động với vai trò như một “kho vũ khí bay” cho Su-57, tăng kho vũ khí sẵn có của nó và giữ Su-57 tránh xa các máy bay chiến đấu đối phương và các mối đe dọa khác.

Việc sử dụng kết hợp UAV với tiêm kích có người lái đang là một xu hướng mới của hàng không quân sự thế giới. Mỹ cũng đang phát triển loại UAV để sử dụng kết hợp với tiêm kích tàng hình F-35.

Bài liên quan

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm