UAE dĩ nhiên là lá thăm dễ chịu hơn hẳn Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Australia, Qatar, Saudi Arabia hay Trung Quốc trong nhóm hạt giống đầu tiên. Song sự dễ chịu ấy chỉ nên được xem ở chừng mực nào đó, bởi không phải ngẫu nhiên UAE được đánh giá cao đến vậy tại châu Á.
ĐT Việt Nam từng thắng UAE 2-0 tại Asian Cup 2007, nhưng đó là quá khứ rất xa. Ảnh: Getty. |
UAE không đơn giản
UAE và ĐT Việt Nam đã chạm trán nhau tổng cộng 6 lần trong suốt lịch sử. Đa phần ký ức của giới mộ điệu đều chỉ chọn hướng về chiến thắng 2-0 của ĐT Việt Nam cách đây 12 năm. 2 bàn thắng của Huỳnh Quang Thanh và Lê Công Vinh tới giờ vẫn là kỷ niệm đẹp cho kỳ Asian Cup lịch sử.
Song từ đó đến nay, ĐT Việt Nam hoàn toàn thất thế trước đội bóng Tây Á. Chỉ 3 tháng sau khi thất trận tại Mỹ Đình, UAE trả cả vốn lẫn lãi khi đè bẹp thầy trò Alfred Riedl 5-0 ở vòng loại World Cup. Tới tháng 11/2013, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup, UAE nã thêm 5 bàn nữa vào lưới Việt Nam trên đất Tây Á để hoàn toàn đóng lại ký ức buồn ở Mỹ Đình năm nào.
Với người UAE, đó đơn thuần chỉ là tai nạn.
Cho tới trước khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam và tạo ra điều kỳ diệu, bóng đá UAE tiến rất xa so với bóng đá Việt Nam và hoàn toàn có thể tạo ra những ấn tượng choáng ngợp nếu khoảng cách về địa lý và ngôn ngữ giữa hai quốc gia không quá khác biệt. Tiềm lực tài chính khủng giúp UAE có giải vô địch quốc gia mạnh mẽ về mặt con người và cơ hội để tạo ra đội tuyển quốc gia (ĐTQG) có thực lực.
Tại Asian Cup 2015, UAE về đích thứ 3. Ở Asian Cup 2019, đội bóng này sắm vai chủ nhà và cũng lọt vào tới bán kết trước khi thua đội sau đó vô địch là Qatar. Thành tích đối đầu với những đội tuyển cùng khu vực Đông Nam Á của UAE cũng rất áp đảo.
Đội tuyển này từng đè bẹp Malaysia tới 10-0 ở vòng loại World Cup 2018. Với đại diện mạnh nhất của Đông Nam Á trong khuôn khổ vòng loại World Cup là Thái Lan của Kiatisuk, UAE cũng đã thắng 3-1.
UAE từng thắng Thái Lan của HLV Kiatisak với tỷ số 3-1. Ảnh: Getty. |
Song UAE có thể không quá mạnh mẽ như tất cả từng nghĩ nếu biết rằng tại Asian Cup 2019, với lợi thế sân nhà, UAE chỉ hòa Thái Lan 1-1.
Sau thời gian dài làm bóng đá dựa vào việc vung tiền đưa các ngôi sao tới dưỡng già ở giải VĐQG của mình, UAE đang cho thấy sự chững lại. CLB Al-Ain hùng mạnh của họ không giành thêm chức vô địch AFC Champions League nào kể từ năm 2003. Thành tích tốt nhất chỉ là về nhì vào năm 2016.
Trên bảng xếp hạng (BXH) FIFA, UAE đứng thứ 67. Song ở BXH Elo được coi trọng hơn nhiều bởi độ chính xác dựa trên các thuật toán tinh xảo, UAE đứng thứ 86, tụt 62 bậc so với năm 2015, thời điểm họ giành HCĐ Asian Cup. Để so sánh, Việt Nam với những thành tích tốt trong thời gian đã tăng 24 bậc trên BXH Elo.
Nói cách khác, bóng đá UAE đang tụt lùi thay vì tiến lên như Việt Nam.
Những ngôi sao và địch thủ lớn của thầy Park
Những người có trí nhớ tốt có thể vẫn chưa quên Ismail Matar. Đây là số 10 của UAE khi đội bóng Tây Á thua Việt Nam 0-2 tại Mỹ Đình ở Asian Cup 2007. Matar nổi như cồn lúc ấy khi giành danh hiệu “Cầu thủ hay nhất” World Cup U20 vào năm 2003, vượt cả Dani Alves, Fernandinho hay Fernando Cavenaghi.
12 năm sau ngày ấy, Matar vẫn là đội trưởng UAE tại Asian Cup 2019. Rõ ràng, bóng đá UAE đã có ít nhiều những khoảng trống lớn trong việc tìm kiếm thế hệ kế cận. Dẫu vậy, sự xuất hiện của Matar ở tuổi 36 là do ngôi sao sáng nhất của đội tuyển này Omar Abdulrahman dính chấn thương.
Omar Abdulrahman là ngôi sao sáng nhất của UAE, nhưng lại đang dính chấn thương. Ảnh: Getty. |
Trong cuộc phỏng vấn trước thềm Asian Cup với Fox Sport, Xavi đã được yêu cầu chọn lựa và tìm ra cầu thủ châu Á xứng đáng với biệt danh “Messi mới” nhất. Omar Abdulrahman của UAE chính là người chiến thắng, vượt Lee Seung-woo của Hàn Quốc hay Chanathip Songkrasin của Thái Lan.
Song Abdulrahman đã bỏ lỡ kỳ cúp châu Á khi dính chấn thương dây chằng đầu gối và phải nghỉ hơn 7 tháng. Ở tuổi 28, khả năng Abdulrahman có thể hồi phục trọn vẹn phong độ hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Song UAE nếu có Abdulrahman hoàn toàn có thể gây sốc bởi tài năng vốn không thể bị xem thường của cầu thủ này.
Ngoài Abdulrahman, UAE vẫn giữ được những nhân tố từng giúp đội bóng này đè bẹp Việt Nam 5-0 tại vòng loại Asian Cup 2015, mà nổi bật là Ahmed Khalil và Ali Mabkhout. Ali Mabkhout ghi 20 bàn sau 19 trận tại giải VĐQG UAE mùa vừa qua, còn Khalil cũng có 9 bàn.
Nhân tố nổi bật khác là Khalfan Mubarak. Số 10 của UAE ghi 11 bàn, kiến tạo 14 lần ở mùa trước và là chân chuyền chủ chốt của đội tuyển Tây Á.
Cựu HLV ĐT Hà Lan Bert Van Marwijk chính là thuyền trưởng UAE lúc này. Ảnh: Getty. |
Dẫu vậy, dấu ấn lớn nhất của UAE chắc chắn phải nằm trên băng ghế huấn luyện. Sau khi không thể vô địch Asian Cup 2019, LĐBĐ UAE đã quyết định không tiếp tục gia hạn hợp đồng với nhà cầm quân người Italy Alberto Zaccheroni. Người lên thay cựu HLV Milan, Juventus và Inter là Bert Van Marwijk, nhà cầm quân từng đưa ĐT Hà Lan lọt vào chung kết World Cup 2010.
Xét về tài năng và kinh nghiệm trận mạc, Van Marwijk hiển nhiên hơn thầy Park một bậc. Nhà cầm quân này còn giữ được sự bí hiểm nhất định khi mới dẫn dắt UAE đúng 2 trận giao hữu, trong đó có chiến thắng 2-1 trước đối thủ máu mặt Saudia Arabia.
Rõ ràng, UAE là lá thăm dễ chịu nhất ở nhóm hạt giống số một, nhưng họ vẫn là đội tuyển mạnh. Song tôn trọng không có nghĩa là e sợ.
ĐT Việt Nam trong hơn một năm rưỡi qua đã tiến xa hơn kỳ vọng. Ảnh: Minh Chiến. |
Với thầy Park Hang-seo, ĐT Việt Nam đã đi xa hơn rất nhiều cái ngưỡng mà tất cả từng đặt ra cho chúng ta trước mỗi giải đấu lớn. Chúng ta từng thắng U23 Qatar, chơi ngang ngửa U23 Uzbekistan, đá sòng phẳng với ĐT Nhật Bản tại Asian Cup, thì UAE ở một chừng mực nào đó cũng là lá thăm tương đối.
Những mục tiêu và kỳ vọng vẫn đang còn nguyên trước mắt ĐT Việt Nam. Điều cần thiết bây giờ là bắt tay vào làm việc cật lực để chuẩn bị cho giai đoạn vòng loại World Cup 2022 có thể xem là đáng nhớ nhất lịch sử.
ĐT Việt Nam sẽ chạm trán UAE trên sân Mỹ Đình vào ngày 19/11. Đồ họa: Minh Phúc. |