Các trận đấu ở lượt cuối vòng loại U23 châu Á sẽ diễn ra vào ngày 26/3. Do lệch múi giờ trên khắp châu Á, có trận đấu diễn ra trước, trận diễn ra sau.
Các trận đấu tại bảng K diễn ra ở Việt Nam, nơi có múi giờ GMT+7, trong khi 6 bảng khác từ A đến F có múi giờ từ GMT+3 đến GMT+5. Các đội ở bảng này đều nằm trong khu vực Tây - Trung Á.
U23 Việt Nam sẽ phải chơi trận đấu cuối sớm hơn 3-4 tiếng so với những đội bóng Tây Á. Ảnh: Minh Chiến. |
Bảng A và bảng B có múi giờ muộn hơn Việt Nam 4 tiếng. Trận đấu quyết định bảng A giữa Qatar và Oman diễn ra lúc 19h theo giờ địa phương, nhưng là 23h theo (giờ Hà Nội). Trong khi, trận cầu đinh bảng B giữa Palestine và Bahrain cũng có tình trạng tương tự. Nên nhớ trận đấu của U23 Việt Nam diễn ra lúc 20h.
Một loạt trận đấu khác diễn ra ở khu vực Tây Á sẽ được đá sau 20h như Iraq gặp Iran (21h15), UAE gặp Saudi Arabia (0h25 ngày 27/3) hay Jordan gặp Syria (21h15). Đáng nói là những đội bóng kể trên đều đang cạnh tranh 5 vị trí thứ nhì tốt nhất để lọt vào vòng chung kết.
Từ đó, có thể thấy việc trận đấu của U23 Việt Nam kết thúc trước tạo điều kiện cho những đối thủ Tây -Trung Á nhìn kết quả của chúng ta mà đá, trong trường hợp U23 Việt Nam không thể thắng Thái Lan. Khi đó, chúng ta chỉ còn cách thấp thỏm chờ đợi kết quả những bảng đá muộn giờ hơn.
Đồng cảnh ngộ với U23 Việt Nam còn có những đội bóng ở 4 bảng từ G, H, I và J. Thậm chí bảng J hay G có múi giờ GMT+8, phải đá trước 1 tiếng đồng hồ so với bảng của U23 Việt Nam.
Do đó, nếu không thắng Thái Lan ở lượt trận cuối, U23 Việt Nam không những mất quyền tự quyết, mà còn trao quyền này cho các đối thủ cạnh tranh ngôi nhì bảng ở những bảng đấu diễn ra muộn hơi tới 3-4 tiếng đồng hồ.
Chiến thắng sẽ là điều mà HLV Park Hang-seo cùng các cầu thủ nhắm đến để chắc suất đi tiếp, cũng như không phải chờ đợi vài tiếng đồng hồ sau để biết được số phận của mình.
U23 Việt Nam hiện xếp thứ 9 trong tổng số 11 đội nhì bảng. Đồ họa: Minh Phúc. |