U23 Nhật Bản là ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch giải U23 châu Á 2016. |
Trừ thủ môn dự bị Niekawa Ayumi chưa được thi đấu, tất cả 22 cầu thủ còn lại của U23 Nhật Bản đều đã ra sân. HLV Teguramori liên tục thay đổi nhân sự nhưng đội bóng Đông Á vẫn giành chiến thắng. Ở trận ra quân, họ tung ra sân đội hình rất mạnh khi có sự góp mặt của hai cầu thủ đang đá ở châu Âu là Minamino Takumi (Salzburg, Áo), Yuya Kubo (BSC Young Boys, Thụy Sỹ) và thắng CHDCND Triều Tiên 1-0.
Sang trận gặp U23 Thái Lan, HLV Teguramori thay đổi 6 vị trí trong đội hình xuất phát nhưng đội thi đấu tưng bừng, giành chiến thắng 4-0. Đến trận cuối gặp U23 Saudi Arabia, đội bóng Đông Á thay đổi 10/11 vị trí ra sân với trận gặp Thái Lan nhưng vẫn đánh bại đối thủ 2-1 rất thuyết phục. Họ là đội duy nhất tại VCK toàn thắng tại vòng bảng và với cách dùng người của Teguramori, U23 Nhật Bản vẫn chưa phô diễn hết sức mạnh.
Đội hình đồng đều, trình độ các cầu thủ không có sự chênh lệch nhiều và tinh thần đoàn kết, hết mình vì màu cờ sắc áo là những yếu tố tạo nên thành công cho U23 Nhật Bản. “HLV Teguramori xây dựng đội bóng mà mọi người đều có thể chơi bóng cùng nhau. Chúng tôi bước vào các trận đấu với sự chuẩn bị tốt nhất, dù có được ra sân hay không. Ngay cả khi không ra sân, chúng tôi vẫn luôn suy nghĩ về những gì có thể làm cho đội bóng”, hậu vệ Masashi Kamekawa (Avispa Fukuoka) cho biết.
Đội hình ra sân của U23 Nhật Bản liên tục có sự thay đổi nhưng họ có 3 trận thắng thuyết phục trước những đối thủ không dễ chơi. |
Một đặc điểm khác giúp U23 Nhật Bản duy trì sự ổn định là họ rất tôn trọng đối thủ, bất kể trình độ như thế nào. Đội bóng Đông Á luôn có mục tiêu cụ thể trong từng trận để phấn đấu. “Trước khi bước vào trận đấu cuối vòng bảng, chúng tôi đã đủ điều kiện đi tiếp. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tiếp tục giành chiến thắng và giữ sạch lưới, nhưng đáng tiếc đội đã để thua một bàn. Đội bóng đang có tâm trạng tốt để đi đến giai đoạn cuối cùng”, HLV Teguramori cho biết sau trận thắng 2-1 trước Saudi Arabia.
Trong số 23 cầu thủ của U23 Nhật Bản, có 21 người đang thi đấu ở trong nước. 6 người trong số đó đang chơi ở giải J.League 2 – hạng đấu mà Công Phượng, Tuấn Anh sẽ thử sức ở mùa bóng 2016. Trình độ của những người chơi bóng trong nước và nước ngoài không quá chênh lệch. Yuya Kubo hay Takumi phải cạnh tranh quyết liệt với các chân sút khác mới mong có suất đá chính.
HLV U23 Nhật Bản trao chiếc băng đội trưởng cho Wataru Endo – cầu thủ khoác áo Shonan Bellmare ở J.League 1 mùa bóng năm ngoái. Tài năng của Endo được biết đến rộng rãi khi có đến 7 CLB ở J.League 1 muốn chiêu mộ anh về. Cuối cùng, tiền vệ có 4 lần khoác áo ĐTQG này quyết định thi đấu cho Urawa Reds. Tính cạnh tranh cao của J.League 1, 2 khiến chất lượng cầu thủ xứ phù tang nâng lên đáng kể.
Nhật Bản có tầm nhìn xa chứ không gói gọn trong một giải đấu cụ thể. Trước khi dẫn quân sang Qatar dự VCK, Liên đoàn bóng đá nước này đã xây dựng hoạt động kế hoạch chi tiết trong năm 2016, với đích nhắm là dự Olympic ở Brazil. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, họ sẽ có 2 trận giao hữu quốc tế vào giữa tháng 5 và cuối tháng 6, tham dự Toulon Cup ở Pháp trước khi lên đường sang Rio de Janeiro.
Chất lượng cầu thủ Nhật Bản được các đội bóng châu Âu thừa nhận. Theo thống kê của tờ The National vào cuối năm 2014, Nhật Bản có đến 40 cầu thủ thi đấu tại châu Âu từ Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Áo, Bỉ cho đến các nước Đông Âu như Latvia, Ba Lan hay thậm chí Montenegro... Số lượng này chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Đây là con số lớn nếu biết rằng các đội bóng châu Âu có quy định hạn chế cầu thủ ngoài EU.