Các phương án tấn công biên là hạn chế dễ thấy của U22 Việt Nam.
Tư tưởng của HLV Hữu Thắng ở trận đấu này là tấn công và hoàn toàn hợp lý khi ông bố trí Văn Hậu – Hồng Duy ở góc trái, Văn Thanh – Văn Toàn ở cánh đối diện. Cả 4 cầu thủ này đều là những người giỏi bám biên, có tốc độ, có cú đột phá và đủ tự tin nhập cuộc. Hơn nữa, với việc sử dụng cặp Xuân Trường – Tuấn Anh đá trung tâm, U22 Việt Nam không giấu ý định “xé” hàng thủ Đông Timor thành nhiều mảnh.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là trong tổng số khoảng hơn 20 lần đưa bóng xuống cánh, chúng ta chỉ thành công 1 lần với cú tạt thần sầu của Văn Hậu. Cầu thủ này nhận bóng từ Xuân Trường, khống chế một nhịp trước khi tạt đường bóng vòng cung để Hà Đức Chinh đánh đầu tầm thấp tung lưới thủ môn Đông Timor.
Nếu để nói về sự hiệu quả, đây là pha tấn công “điểm 10”, các cầu thủ U22 Việt Nam chỉ cần 3 chạm bóng đá nằm trong lưới đối phương!
Vấn đề là: tại sao những cú tạt như của Văn Hậu không được triển khai liên tục đồng đều ở cả hai cánh? Thay vào đó là sự chần chừ, cầu toàn thường trực của bộ đôi Văn Thanh – Văn Toàn ở cánh đối diện.
Văn Hậu không tạt bóng quá nhiều trong trận đấu với Đông Timor. Ảnh: Tiến Tuấn |
Không ít lần đưa bóng xuống lưng chừng, Văn Thanh và Văn Toàn đều có thời gian, không gian đủ để họ thực hiện những đường căng ngang vòng cung vào phía trong, cùng thời điểm cặp tiền đạo Đức Chinh – Công Phượng băng vào tốc độ. Tuy vậy, họ đã dừng lại, tiếp tục phối hợp, nhả về, chuyển vào giữa rồi lại xoay sang tình huống khác. Điều này gián tiếp giúp hàng thủ Đông Timor giải toả áp lực khi họ có thời gian vào vị trí, tổ chức kèm phá. Còn Đức Chinh và Công Phượng thì mất đi cơ hội săn bàn thần tốc.
Khán giả xem bóng đá không dễ nhận ra điểm yếu này khi U22 Việt Nam vẫn kiểm soát bóng, vẫn khiến đối thủ phải đuổi theo mình khi thế chủ động được duy trì. Tuy vậy, xét về hiệu quả chuyên môn, chúng ta đã tự triệt tiêu một trong những cú đấm có độ sát thương cao nhất là khi hàng thủ Đông Timor đá giăng ngang và không rõ ràng cầu thủ nào là người chỉ huy.
Hiệu ứng của sự chần chừ bên góc phải của bộ đôi Văn Toàn – Văn Thanh khiến tiền đạo Hà Đức Chinh giảm đi năng lực trước cầu môn đối phương. Bởi, khi bị “bắt” phải phối hợp ngắn, túc tắc di chuyển, tận dụng độ khéo léo, xoay xở trong không gian hẹp thì tiền đạo của U20 tăng cường không là gì cả.
Hà Đức Chinh thuộc mẫu tiền đạo “một chạm”, tức là càn lướt, lì đòn, sẵn sàng lao vào điểm nóng trong vòng cấm địa dứt điểm. Bàn thắng bằng đầu của anh chính là minh chứng rõ nét. Còn lại, những lần phải bật nhả phối hợp, Đức Chinh dễ dàng trở thành mắt xích “lỗi” trong hệ thống gồm nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo JMG.
Xuống biên, chưa tạt ngay mà tìm cách phối hợp tiếp không phải là cách chơi bóng mới của Văn Toàn, Văn Thanh hay các cầu thủ có thiên hướng đá cánh ở HAGL nói chung khi lên Tuyển. Mà ở V.League, họ cũng rất vất vả với phương án tiếp cận khung thành đối phương kiểu như thế, bất chấp một thực tế là trước mọi đối thủ HAGL đều kiểm soát bóng vượt trội.
Chúng ta có thể hài lòng về tỷ số trận đấu, về 3 điểm đầu tiên U22 Việt Nam có được trong chiến dịch săn vàng. Nhưng làm thế nào để tạo ra sự cân bằng ở hai cánh và khai thác tối đa sức càn lướt của Hà Đức Chinh (nếu sử dụng cầu thủ này) thì BHL U22 Việt Nam cần phải tìm cách khắc phục. Chúng ta không nên vứt đi một phương án tốt, nhất là khi phương án ấy đã chứng minh hiệu quả tức thì.