Sau hai trận thua ở vòng bảng tại vòng chung kết (VCK) U19 châu Á 2018, U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn chính thức bị loại. Qua đó, bóng đá Việt Nam không thể tái lập thành tích dự U20 World Cup như từng diễn ra vào năm 2017 với lứa cầu thủ khẳng định được tài năng như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng.
U19 Việt Nam có trận mở màn thua ngược 1-2 trước Jordan. Sau đó, họ tiếp tục thất bại 1-2 trước Australia. Không có điểm nào sau hai trận, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn còn trận đấu cuối với U19 Hàn Quốc.
U19 Việt Nam có những chuyến tập huấn bổ ích nhưng vẫn không thành công như lứa đàn anh. Ảnh: Kiệt Trần. |
Chuẩn bị chu đáo không đồng nghĩa với thành công
Không thể phủ nhận việc được chuẩn bị tốt sẽ góp phần quan trọng mang đến thành công. Tuy nhiên, không có nghĩa là hai khái niệm này tương đồng. Đó chính xác là trường hợp của hai lứa U19 Việt Nam.
Sau thành công giành quyền dự VCK U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc của U19 Việt Nam 2016, lứa mới của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng được đầu tư bài bản không kém để tái hiện kỳ tích vào VCK U20 World Cup.
Họ được tập huấn tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Qatar. Những chuyến đi bổ ích của HLV Hoàng Anh Tuấn. Tổng cộng, U19 Việt Nam đá 12 trận giao hữu chất lượng trước các đối thủ đồng trang lứa. Tuy nhiên, họ vẫn không vượt qua được vòng bảng ở VCK U19 châu Á.
Sự chuẩn bị lần này thậm chí còn chất lượng hơn chuyến tập huấn tại Đức của Quang Hải và đồng đội. Có thể kể ra những đối thủ của U19 Việt Nam như U19 Uruguay, Bờ Biển Ngà, Trung tâm Aspire ở Qatar. Hay trước đó là U19 Nhật Bản, và những đội bóng ở giải Suwon JS Cup 2018 tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, số lượng không đồng nghĩa với chất lượng. Việc bị loại ở VCK U19 Đông Nam Á đã báo hiệu điều đó. Họ có 2 trận hòa trước Thái Lan, Singapore; thắng Lào và Philippines và thua đội chủ nhà U19 Indonesia.
Vậy nên, không có nhiều kỳ vọng với U19 Việt Nam lần này. Từ nhân sự cho đến lối chơi, HLV Hoàng Anh Tuấn nhận nhiều lời chê trách khi vào các giải đấu chính thức. Và khi họ bị loại, thì đó là điều tất yếu.
HLV Hoàng Anh Tuấn không thể có lần thứ 2 thành công với dàn cầu thủ U19. Ảnh: Kiệt Trần. |
Cầu thủ trẻ không phải lứa nào cũng hay
HLV Đinh Hồng Vinh, người từng là phụ tá đắc lực của HLV Hoàng Anh Tuấn trong kỳ tích giành vé dự U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc cho rằng: “Không phải lứa cầu thủ trẻ nào cũng giống nhau. Những cầu thủ xuất sắc như Quang Hải, Đức Chinh hay Bùi Tiến Dũng không còn nữa”.
“Lứa cầu thủ đó được xây dựng thành công về tinh thần chiến đấu, khát khao cống hiến và độ máu ăn thua. Điều đó không phải lứa cầu thủ nào chúng ta cũng xây dựng được như vậy”, tân HLV của CLB Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ với Zing.vn sau khi U19 Việt Nam bị loại ở VCK U19 châu Á.
Rõ ràng, khâu chuẩn bị có thể giống nhau, nhưng yếu tố con người thì không. Lứa U20 tạo nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam luôn có những nhân tố đặc biệt ở các tuyến. Họ hội tụ lại ở lứa sinh năm 1997.
U20 Việt Nam có nhiều cầu thủ xuất sắc sau này trở thành trụ cột ở ĐTQG Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trong khung thành có thủ môn Bùi Tiến Dũng, người cản phá nhiều quả phạt đền quan trọng trên đường cùng U19 Việt Nam tiến ra thế giới. Có trung vệ Đình Trọng, nay anh là lựa chọn không thể thiếu của HLV Park Hang-seo ở các đội trẻ như U23 Việt Nam hay Olympic Việt Nam.
Đó là tiền vệ Nguyễn Quang Hải, chàng trai nhỏ bé là hạt nhân trong lối chơi của HLV Hoàng Anh Tuấn xây dựng. Và những cầu thủ khác mà người hâm mộ có thể thấy sự khát khao, tinh thần chiến đấu không có điểm dừng.
Đó là những điểm mà HLV Đinh Hồng Vinh cho rằng khác biệt giữa hai lứa U19 Việt Nam trên con đường mơ về giấc mơ U20 World Cup. HLV Hoàng Anh Tuấn tốt, nhưng có lẽ lứa cầu thủ này rất tiếc lại không có những cá nhân xuất sắc, đồng đều như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng hay Hà Đức Chinh.