Theo đó, hai trận đấu còn lại của giải U19 Đông Nam Á sẽ không có hiệp phụ. Điều đó có nghĩa nếu U19 Việt Nam hòa U19 Nhật Bản thì cả hai đội sẽ bước đến loạt đá luân lưu để phân thắng bại. Trận đấu trước đó giữa U19 Myanmar và U19 Thái Lan tranh hạng 3 cũng sẽ tương tự như vậy.
Các trụ cột của U19 Việt Nam đều gặp vấn đề về thể lực nên nếu đá thêm 30 phút hiệp phụ sẽ gặp nhiều bất lợi. |
Thông tin từ ban tổ chức giải U19 Đông Nam Á cho biết điều lệ này được AFF quy định từ trước, nhiều khả năng để tối ưu hóa thời gian cho lễ bế mạc và trao thưởng, vốn có liên quan đến truyền hình.
Điểm này rất khác biệt với vòng bán kết, nơi các đội trong trường hợp hòa nhau sau 90 phút chính thức sẽ có thêm 2 hiệp phụ nữa để so tài, trước khi phân thắng bại ở loạt đá luân lưu.
Rõ ràng, đây là một quy định có lợi cho U19 Việt Nam, bởi với việc phải căng sức ra đá với mật độ 2 ngày/trận rõ ràng thể lực của các em không thể đảm bảo. Nếu phải căng sức đá thêm hiệp phụ nữa thì rõ ràng đó là một bất lợi, nhất là khi đối thủ của chúng ta là một Nhật Bản có sức khỏe rất tốt.
Ở thời điểm hiện tại, sau khi phải dốc sức cho U22 Đông Nam Á và tới bây giờ là U19, nhiều cầu thủ của U19 Việt Nam đang có dấu hiệu xuống sức, nền thể lực không đủ đảm bảo.
Trong số này có hậu vệ trái Hồng Duy khi anh vẫn chưa hết sốt, tiền đạo Công Phượng bị cảm ho sau trận thắng U19 Myanmar, trong khi đó Đông Triều chưa khỏi hẳn chấn thương gân kheo. Tương tự như vậy là trường hợp của Tuấn Anh và Văn Sơn.