Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tỷ phú Trần Đình Long dự báo đúng về ngành thép

Chi phí sản xuất đầu vào cao và nhu cầu thị trường yếu đang khiến bức tranh ngành thép ảm đạm, nhiều công ty báo lỗ kỷ lục hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngành thép Việt Nam vừa trải qua một quý kinh doanh tiêu cực, sản lượng bán hàng xuống thấp và chi phí đầu vào cao khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành ghi nhận những con số lỗ kỷ lục.

Số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy sản lượng bán hàng sụt giảm gần 10% trong quý III và lũy kế từ đầu năm giảm hơn 2,4% về mức 21,3 triệu tấn thành phẩm.

6 công ty lỗ trên trăm tỷ

Gam màu ảm đạm của ngành thép đã sớm được các lãnh đạo dự báo. Trong kỳ họp cổ đông cuối tháng 5, Chủ tịch Hòa Phát ông Trần Đình Long chia sẻ ngành thép trong năm nay sẽ khó khăn, cổ đông sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm về cuối năm.

Và ngay trong quý III, dự báo của tỷ phú Trần Đình Long đã hiệu nghiệm, Hòa Phát mới thông báo mức lỗ lớn nhất trong lịch sử 1.786 tỷ đồng. Đây là lần thứ 2 tập đoàn thép đầu ngành báo lỗ kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay.

Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải kết quả trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Lũy kế từ đầu năm, Hòa Phát sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô và sản lượng bán hàng đạt 5,7 triệu tấn. Chỉ tiêu doanh thu vẫn tăng trưởng 11% lên mức 116.559 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm rất mạnh 61% còn 10.443 tỷ đồng.

LỢI NHUẬN SAU THUẾ MỘT SỐ CÔNG TY THÉP LỚN

Nhãn Hòa Phát Hoa Sen Pomina Vnsteel (TVN) Nam Kim SMC
Quý III/2021 Tỷ đồng 10350 940 4 40 607 127
Quý III/2022
-1786 -887 -716 -535 -419 -188

Đứng ngay phía sau là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực tôn mạ Hoa Sen Group với mức lỗ khoảng 887 tỷ đồng trong quý vừa qua, trong khi doanh thu cũng sụt giảm phân nửa. Đây là lần thua lỗ trở lại kể từ giai đoạn khó khăn cuối niên độ 2017-2018.

Thép Pomina cũng trải qua quý kinh doanh đầy thách thức khi phải kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính cao. Công ty lỗ kỷ lục gần 716 tỷ đồng, chỉ xếp sau hai tập đoàn hàng đầu phía trên.

Nhóm doanh nghiệp thuộc Tổng công ty thép Việt Nam (Vnsteel) cũng nằm trong bức tranh tiêu cực. Riêng Vnsteel lỗ kỷ lục 535 tỷ đồng. Trong khi các thành viên như Thép Thủ Đức và Vicasa đều có mức lỗ kỷ lục 22 tỷ đồng, Thép Mê Lin và Thép Cao Bằng vẫn có lợi nhuận nhưng cũng giảm hơn 95% so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Thép Nam Kim cũng báo lỗ hơn 400 tỷ đồng với doanh thu hao hụt 41% so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận âm kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công khai tài chính đến nay.

Doanh nghiệp thương mại của SMC không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn với mức lỗ ròng 188 tỷ đồng. Đây là quý lỗ trở lại sau hơn 2,5 năm kinh doanh do áp lực giá vốn và chi phí tài chính tăng cao.

Công ty Gang Thép Thái Nguyên (Tisco), Kim khí TP HCM (HMC) chuyển từ lãi trong cùng kỳ thành lỗ lần lượt 25 tỷ đồng12 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác chỉ có lãi tượng trưng như Thép Thái Trung (TTS), Thiên Nam (TNA)...

Đẩy mạnh xử lý tồn kho

Chu kỳ thoái trào của ngành thép có thể nhìn nhận từ trước khi diễn biến đồng pha với giá thép trên thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp đạt đỉnh lợi nhuận vào cuối năm ngoái khi giá thép lập đỉnh.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, giá thép đã có chiều hướng đi xuống khá nhanh. Giá bán trong nước đổ đèo rất nhanh với 15 lần giảm giá liên tiếp trong giai đoạn tháng 5-8, tức từ quanh 19 triệu đồng xuống dưới 15 triệu đồng/tấn và hiện đi ngang.

Giá thép thanh thế giới có thời điểm đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng vào giữa tháng 7, mặt hàng này đã giảm hơn 12% trong quý III. Trong khi giá thép cuộn cán nóng thậm chí liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 4, chỉ riêng quý III đã giảm hơn 16%.

thep,  Hoa Phat,  lo lon anh 1

Doanh nghiệp thép đối diện với nhiều thách thức từ chi phí sản xuất cao và nhu cầu yếu. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước áp lực từ nhu cầu yếu, các doanh nghiệp thép cũng nhanh chóng xử lý hàng tồn kho. Số dư hàng tồn kho của các công ty thép niêm yết chỉ còn khoảng 85.000 tỷ đồng, tức giảm 25.000 tỷ so với con số kỷ lục của quý liền trước.

Đáng kể nhất là Hòa Phát xả kho mạnh nhất với việc giảm gần 13.700 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Với giá trị còn gần 44.000 tỷ đồng, Hòa Phát đang chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của doanh nghiệp thép niêm yết.

Nhiều doanh nghiệp thép hàng đầu cũng đẩy mạnh xử lý tồn kho như Hoa Sen Group, VNSteel, Pomina, SMC đã giảm giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Một số ít còn lại tăng tích trữ như Thép Nam Kim, Thép Tiến Lên, Tisco.

Dù áp lực từ tồn kho giá cao vơi đi một phần, triển vọng kinh doanh ngành thép vẫn ảm đạm trước nhu cầu yếu. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã dùng cụm từ "mây mù che phủ" để phân tích về triển vọng ngành ngành thép nửa cuối năm.

VCBS dự đoán giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng thấp do nhu cầu chưa hồi phục, trong khi các doanh nghiệp sản xuất cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Yếu tố tích cực là giá nguyên nhiên vật liệu suy giảm về cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Trong khi đó, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng tại châu Âu khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép. Điều này tạo ra những cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Những kết quả tiêu cực và triển vọng kém lạc quan đang phản ánh vào giá cổ phiếu. Ở các phiên gần đây, cổ phiếu ngành thép bị bán tháo dữ dội. Trong đó, HPG của Hòa Phát vừa có phiên thanh khoản kỷ lục để đẩy giá về vùng đáy 2 năm tại 15.000 đồng. Các cổ phiếu khác như HSG, SMC, NKG, TVN, TLH... cũng đang giao dịch quanh vùng đáy 2 năm.

Cổ phiếu ngành thép bị bán tháo

Thị trường chung vẫn khá giằng co về cuối ngày khi nhóm ngân hàng bứt phá để cân bằng lại áp lực bán tháo tại nhóm cổ phiếu thép.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm