Ông Bom Suk Kim vẫn chưa được coi là "người hùng kinh doanh" như Jack Ma, doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc. Tuy nhiên, đợt niêm yết của Coupang tại Phố Wall là IPO lớn nhất của một công ty nước ngoài trên sàn chứng khoán New York kể từ khi Alibaba của Jack Ma ra mắt hồi năm 2014.
Theo CNN Money, giá cổ phiếu của Coupang kết thúc phiên đầu tiên ngày 11/3 ở mức 49,25 USD, cao hơn 41% so với giá IPO (35 USD). Đợt IPO giúp công ty có biệt danh “Amazon của Hàn Quốc” huy động được 4,6 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của Coupang vọt lên tới 84,5 tỷ USD. Nhờ đó, Bom Kim - nhà sáng lập kiêm CEO Coupang - trở thành người giàu thứ tư tại Hàn Quốc với khối tài sản 8,6 tỷ USD.
Tương tự Alibaba, Coupang được Tập đoàn SoftBank của tỷ phú đầu tư Nhật Bản Masayoshi Son chống lưng. Tuy nhiên, Coupang không có thị trường nội địa khổng lồ giống Alibaba. Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới với quy mô 1.800 tỷ USD.
Trong khi đó, Coupang hoạt động chủ yếu ở Hàn Quốc, thị trường đứng thứ sáu thế giới với doanh thu vào khoảng 74 tỷ USD.
Ông Bom Suk Kim thành lập Coupang cách đây 11 năm. Ảnh: Bloomberg. |
Bỏ học Harvard
Đó không phải vấn đề duy nhất Coupang phải đối mặt. Công ty chưa từng báo lãi dù doanh thu tăng nhanh. Coupang cũng có thể chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Hàn Quốc về điều kiện lao động sau cái chết của một nhân viên giao hàng hồi đầu tuần này.
Nhà sáng lập Kim từng bỏ học từ Trường Kinh doanh Harvard và thành lập công ty cách đây 11 năm. "Chúng tôi ở đây ngày hôm nay vì tập trung vào một chiến lược, một tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi có một đội ngũ và các cổ đông phù hợp với tầm nhìn đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với DNA này", vị tỷ phú trả lời Bloomberg cùng ngày diễn ra đợt IPO.
Coupang thậm chí còn thành công vượt mong đợi. Công ty dự định bán cổ phiếu ở mức chỉ 27-30 USD. Tuy nhiên, sự tham gia của các ngân hàng như Goldman Sachs, Citigroup và UBS đã giúp cổ phiếu của "Amazon Hàn Quốc" trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.
Đợt IPO cũng là thành công của SoftBank. Quỹ Vision Fund của tập đoàn đã đầu tư 3 tỷ USD vào Coupang và nắm giữ 33,1% cổ phần. Sau ngày giao dịch đầu tiên, cổ phần của quỹ tăng giá trị lên tới 28 tỷ USD, gấp hơn 9 lần mức đầu tư ban đầu. Các cổ đông lớn khác là Greenoaks Capital Partners với 16,6% cổ phần và ông Kim (10,2%).
Coupang Hàn Quốc được đánh giá là chú ý đến từng chi tiết nhỏ để thu hút khách hàng. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Trước khi IPO, Coupang được đánh giá là chú ý từng chi tiết nhỏ để đánh chiếm thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc. Chẳng hạn, nhân viên giao hàng sẽ gõ cửa nhẹ nhàng thay vì bấm chuông khi giao bỉm trẻ em. Hãng cũng đưa ra các chương trình bảo vệ môi trường.
"Tôi rất hài lòng vì (Coupang) giao hàng rất nhanh. Các chiếc túi có thể tái sử dụng nên tôi không cần lo lắng về việc hủy hoại môi trường", người dùng Kang Yu-rok chia sẻ.
Cùng với đó, dịch vụ giao hàng 24h Rocket Delivery cũng giúp Coupang trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc, thu hút gần 15 triệu khách hàng tại đất nước 52 triệu dân.
Công ty cho biết đang tận dụng sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc. Theo dữ liệu chính thức, tổng giao dịch bán lẻ trực tuyến tại nước này đã tăng từ 135.000 tỷ won hồi năm 2019 lên 161.000 tỷ won (142 tỷ USD) năm 2020.
Chưa từng có lãi
Mức tăng trưởng của Coupang thậm chí còn lớn hơn nhiều. Doanh thu bán lẻ ròng của công ty tăng từ 5,8 tỷ USD năm 2019 lên 11 tỷ USD năm 2020. Doanh thu trên mỗi khách hàng cũng leo dốc từ 161 USD lên 256 USD. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có lãi. Công ty ghi nhận khoản lỗ hoạt động 527,7 triệu USD vào năm 2020, giảm từ 643,8 triệu USD năm 2019 và 1,1 tỷ USD năm 2018.
Theo các nhà phân tích, các khoản lỗ triền miên có thể không phải vấn đề lớn với Coupang, miễn là lỗ đang giảm dần. "Giá trị của các nhà bán lẻ trực tuyến không được xác định bởi lợi nhuận ngắn hạn, mà là thị phần. Nói cách khác, đó là doanh thu và lượng khách hàng", nhà phân tích Park Jong-dae tại hãng Hana Financial Investment bình luận.
Thêm vào đó, vị thế thống trị trên thị trường thương mại trong nước cũng giúp công ty cắt giảm chi phí mua hàng.
Theo GS Shin Jang-sup tại Đại học Quốc gia Singapore, quỹ Vision Fund của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son đã giúp Coupang có danh tiếng tốt tại New York. "Các nhà đầu tư New York đánh giá Coupang rất cao. Bởi họ tin tưởng thành công của quỹ Vision Fund", ông nói thêm.
Coupang vẫn chưa có lãi dù doanh thu tăng mạnh. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tuy nhiên, sau khởi đầu tốt trên sàn New York, Coupang vẫn phải đối mặt với một vấn đề lớn. Điểm mạnh lớn nhất của hãng - hệ thống Rocket Delivery - quá tốn kém. Công ty cần duy trì 100 trung tâm hậu cần tại 30 thành phố.
Để thành lập các trung tâm này, Coupang đã chi 485 triệu USD mua đất và cơ sở vật chất vào năm 2020. Dù vậy, công ty tin rằng mô hình đắt đỏ này sẽ mang lại lợi nhuận trong dài hạn.
"Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đầu tư đáng kể vào công nghệ và mạng lưới cơ sở hạ tầng để thu hút khách hàng và người bán mới", Coupang khẳng định trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
"Những khoản đầu tư này sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn và khả năng cạnh tranh của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng có thể tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận hoạt động trong ngắn hạn", công ty nói thêm.
Công ty cho biết đang có kế hoạch đầu tư 870 triệu USD để xây dựng thêm 7 trung tâm trong vài năm tới.
Tổng giao dịch bán lẻ trực tuyến tại nước này đã tăng từ 135.000 tỷ won hồi năm 2019 lên 161.000 tỷ won (142 tỷ USD) năm 2020. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Theo Nikkei Asian Review, Coupang chi tiền mạnh tay cho giao hàng siêu tốc nhằm giữ vững vị thế trong cuộc đua tranh ngày càng khốc liệt. Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, hiện có 13 công ty thương mại điện tử trong nước, bao gồm các công ty nước ngoài và mối quan hệ đối tác giữa nhà bán lẻ trực tuyến 11Street và Amazon.
Điều kiện làm việc của người lao động là một vấn đề khác của Coupang. Công ty sở hữu đội ngũ nhân viên giao hàng được tuyển dụng trực tiếp lớn nhất Hàn Quốc với hơn 15.000 tài xế.
Tuy nhiên, ít nhất hai trường hợp nhân viên Coupang tử vong trong thời gian qua đã đặt câu hỏi về điều kiện làm việc. Hôm 8/3, các tổ chức lao động đã báo cáo cái chết của một nhân viên giao hàng Coupang do làm việc quá sức. Tuy nhiên, công ty phủ nhận cáo buộc này.
Coupang không phải công ty duy nhất phải đối mặt với những tranh cãi này. Hồi tháng 12/2020, một nhân viên giao đồ ăn theo hợp đồng của Ele.me - công ty con của Alibaba - đã qua đời khi đang giao đơn hàng thứ 34 trong ngày.
"Đối với ông Kim, đây chỉ là một trong số những thách thức mà ông phải giải quyết nếu muốn trở thành Jack Ma tiếp theo", Nikkei Asian Review bình luận.