Jack Ma là một tỷ phú đi lên từ cuộc sống nghèo khó. Ảnh: VNIndex. |
[...]
Bill Gates, nhà tỷ phú nhiều năm liền giữ vị trí người giàu nhất thế giới, là người bỏ học giữa chừng, khi đang học năm thứ hai Đại học Harvard. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông không có bằng đại học. Nếu căn cứ vào đó, ai ngây thơ mà nghĩ rằng, thấy chưa cần gì phải học, thì đó là một sai lầm rất tai hại.
Nói đúng ra là ông ta chỉ bỏ học tại trường đại học, chứ không bỏ chuyện học hành, mày mò nghiên cứu trong suốt cả đời mình. Khi ông bỏ ngang giữa chừng, việc học hành tại một trong những trường đại học lừng danh nhất thế giới, cả gia đình ông rất buồn bã, nhưng hơn ai hết ông hiểu mình phải làm gì.
Là một người cực kỳ thông minh, có quá trình học phổ thông xuất sắc, ông rất hiểu tầm quan trọng của chuyện học hành, nhưng nếu theo một chương trình đại học chính thống, dù đó là trường Harvard, thì sẽ mất rất nhiều thời gian, vì phải học hết tất cả tín chỉ, trong đó không phải học phần nào cũng có tính thiết thực cao. Chính vì vậy, để tiết kiệm thời gian, tiếp cận vấn đề mình quan tâm một cách nhanh nhất, trong điều kiện mình hoàn toàn có thể tự mày mò, tìm hiểu, thì chỉ có cách bỏ học.
Cũng bỏ học giữa chừng như Bill Gates còn có Steve Jobs, một nhân vật huyền thoại trong giới công nghệ, người đã đóng góp to lớn trong sự tiến bộ vượt bậc của các sản phẩm công nghệ như iPhone, iPad. Nhưng lý do bỏ học của Jobs lại hoàn toàn khác, chỉ vì mới học năm đầu tiên, chi phí học hành đã ngốn hết toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của bố mẹ.
Cuốn tản văn Chuyện người chuyện ta của tác giả Trần Đình Chất. Ảnh: T.H. |
Khác với Gates, xuất thân trong một gia đình khá giả, chẳng phải lo tiền học phí cũng như sinh hoạt, Jobs sau khi dừng học đại học, phải kiếm ăn từng bữa, nhưng lòng đam mê, sự ham học hỏi khám phá, đã giúp ông tạo ra một cơ nghiệp đồ sộ, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập và là ông chủ của Facebook, với tài sản được đánh giá cuối năm 2019 là gần 67 tỷ đôla, cũng là người bỏ học giữa chừng, khi đang theo học Đại học Harvard. Anh đã tạo ra một đế chế khổng lồ với 2,3 tỷ người dùng tính đến cuối năm 2018.
Cũng như các bậc tiền bối, anh bỏ học đại học, để tập trung và tự học và nghiên cứu. Đặc điểm chung của họ, những người bỏ học giữa chừng, đều là những người cực kỳ thông minh, hoàn toàn có khả năng tự học, họ bỏ học nơi này nhằm tiết kiệm thời gian, để học nơi khác đffợc nhiều hơn, những vấn đề hữu dụng và thiết thực hơn.
Khác với những người thành công, giàu có, bỏ học giữa chừng kể trên, Jeff Bezos, là người đã có thành tích xuất sắc từ phổ thông đến đại học. Từ năm 2017, ông chủ của Amazon trở thành người giàu nhất thế giới và từ năm 2018 ông được mệnh danh là “người giàu nhất lịch sử hiện đại” khi khối tài sản ròng lên tới 150 tỷ đôla. Khối tài sản này đã sinh sôi, nảy nở nhanh chóng và đạt tới 180 tỷ đôla vào 30 tháng 7 năm 2020.
Người sáng lập tập đoàn Alibaba, Jack Ma ông có tài sản là 39,1 tỷ USD vào đầu năm 2019, lại có tiểu sử hoàn toàn khác. Ông không thuộc thành phần ưu tú, chuyện học hành không có gì đáng tự hào, phải thi tới 4 lần trong bốn năm liên tiếp ông mới đỗ đại học.
Nhưng bù lại, ông là người cực kỳ chịu khó và thức thời, khi ông thường xuyên làm thông dịch miễn phí cho khách du lịch, có lần ông đã phải đạp xe 70 km để dịch cho khách tại một khách sạn. Ông ra trường với tấm bằng cử nhân tiếng Anh.
Vì chẳng có gì xuất sắc về học thuật và có lẽ cả khả năng ăn nói, ứng biến, ngoại hình lại khiêm tốn, nên cả 30 lần xin việc của ông đều không thành công.
Thậm chí, ông còn kể, khi nộp đơn để xin vào làm việc tại KFC có 24 người thì 23 người được nhận, ông là người duy nhất bị từ chối! Có thể nói “may mắn” đã không mỉm cười với ông trong học hành thi cử, cũng như khi đi tìm việc làm, nhưng cuối cùng số phận đã mỉm cười với ông.
Khi Jack Ma đi du lịch tại Mỹ, đến phút chót trong túi chỉ còn vài đồng bạc lẻ, không đủ tiền để trở về Trung Quốc, ông nảy ra ý định đi nhờ xe tới thung lũng Silicon, tại đây gặp người đồng hương làm việc trong ngành máy tính. Tại Mỹ thời điểm đó, Internet đang bắt đầu phát triển, người ta đã sử dụng nó trong thương mại điện tử, trong khi ở Trung Quốc thì hoàn toàn chưa xuất hiện hình thức kinh doanh này.
Ngay lập tức, trong đầu Jack Ma manh nha ý định hình thành trang web thương mại điện tử tại Trung Quốc. Dù không có vốn, nhưng với biệt tài thuyết phục các nhà đầu tư, lôi kéo bạn bè, cũng như chiến lược kinh doanh đúng đắn, chẳng hạn nhận quảng cáo miễn phí cho các doanh nghiệp lúc mới khởi nghiệp, chỉ bắt đầu thu tiền khi khách hàng đã thấy được lợi ích của việc quảng bá qua mạng Internet. Với cơ duyên trời cho, cộng với sự khôn ngoan, lòng đam mê, ông đã tạo ra gã Alibaba khổng lồ như ngày nay.
Trong trường hợp này, ta cũng không thể lý giải sự thành công chẳng qua chỉ do may mắn, cũng không thể nói một người không có gì xuất sắc cũng có thể làm nên nghiệp lớn. Ông tuyệt nhiên không phải thuộc loại kiệt xuất, nhưng ông đã biết sử dụng những nhân tài để tạo nên nghiệp lớn.
Theo Dale Carnegie, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm, muốn thành công trong đại sự, phải có thành phần tinh hoa, nếu anh không thuộc thành phần đó, phải biết sử dụng những người khác thuộc đẳng cấp này.
Điều này, cũng hoàn toàn đúng với "người anh em họ hàng" là Andrew Carnegie, “Vua thép” của nước Mỹ, người giàu thứ hai trong lịch sử thế giới, khi bản thân ông chỉ tốt nghiệp tiểu học. Người mà khi chết trên bia mộ của mình đã cho ghi dòng chữ: “Ở đây yên nghỉ một người biết sử dụng những người tài hơn mình”.
Trường hợp của Jack Ma, còn có thể lý giải sự thành công của ông trong kinh doanh là nhờ ông đã đi tiên phong. Giống như “Vua thép” của nước Mỹ, đã từng nói: “Người đến trước có viên ngọc trai, kẻ tới sau được cái vỏ trai”. Đối với Jack Ma, yếu tố này đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thành công của ông.