Bình luận
Sau thương vụ Kai Havertz với giá có thể lên tới 71 triệu bảng, Chelsea trở thành đội bóng tiêu nhiều tiền nhất bóng đá châu Âu hè này.
“The Blues” đã chi khoảng 210 triệu bảng (235 triệu euro) để mua thêm cầu thủ. Nếu tiếp tục nổ bom tấn, Chelsea có thể san bằng kỷ lục mua sắm của Man City.
Mùa hè 2017, Pep Guardiola chi 223,8 triệu bảng (250 triệu euro) để mua cầu thủ, trở thành đội giữ kỷ lục tiêu nhiều tiền nhất trong một kỳ chuyển nhượng của bóng đá Anh.
Vì sao Chelsea mạnh tay?
Đứng dưới góc độ tài chính, người ta không khó để giải thích việc Chelsea vung tiền mua sắm ở hè 2020.
CLB thành London bị cấm chuyển nhượng trong một năm qua. Họ chưa tiêu tiền kể từ sau khi bán Eden Hazard cho Real với giá cả trăm triệu euro.
Sau vụ tranh chấp tiền chuyển nhượng do CLB Tubize (nơi từng đào tạo Hazard) khởi xướng, người ta biết rằng số tiền Chelsea nhận được từ Real có thể lên tới 160 triệu euro.
Chelsea nhận phí chuyển nhượng ban đầu 130 triệu euro, 30 triệu euro còn lại đến từ các điều khoản phụ.
Vào tháng 7, Chelsea hoàn tất việc bán Alvaro Morata cho Atletico với giá 65 triệu euro. Số tiền khủng thu về từ việc bán hai cầu thủ nói trên giúp “The Blues” có thêm ngân sách chuyển nhượng.
Chuyên gia tài chính Sam Blitz phân tích rằng Chelsea nằm trong số những CLB luôn chi tiêu mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng, nhưng khác với MU hay Man City, họ thường bán nhiều cầu thủ được giá.
Không chỉ Hazard hay Morata, Chelsea đã thanh lý Courtois, Diego Costa, Nemanja Matic và Oscar với giá hời.
Chelsea chi tiêu cực mạnh trong mùa hè 2020. Ảnh: Bleacher Report. |
Tuy nhiên, gánh nặng tài chính của một CLB bóng đá không chỉ đến từ số tiền phải trả cho các đội khác để mua cầu thủ. 5 tân binh cỡ bự của Chelsea đều ngốn của đội chủ sân Stamford Bridge số tiền lương không hề nhỏ.
Quỹ lương của Chelsea trong hè 2020 đã được giảm xuống khi các cầu thủ hưởng lương cao như Willian hay Pedro ra đi (một năm trước đó là David Luiz và Gary Cahill).
Chelsea đang lên kế hoạch thanh lý Michy Batshuayi, Danny Drinkwater, Ross Barkley, Emerson Palmieri và Tiemoune Bakayoko. Đây đều là những cầu thủ có giá trên thị trường.
Cách quản trị thông minh của Marina Granovskaia, CEO Chelsea đã giúp CLB này dư dả về mặt tài chính.
Trong nhiều năm qua, Chelsea thường mua những cầu thủ trẻ, có tiềm năng. Nếu các bản hợp đồng này thất bại, “The Blues” vẫn có thể bán để thu về số tiền lớn.
Việc Chelsea giành quyền dự Champions League mùa thứ 2 liên tiếp giúp tình hình tài chính của CLB tốt lên. Mùa 2018/19, Chelsea nhận tổng cộng 41 triệu bảng tiền thưởng và bản quyền truyền hình từ chiến dịch Europa League.
Đến mùa 2019/20, Chelsea nhận tới 72 triệu bảng nhờ việc vào đến vòng 16 đội Champions League. Sự chênh lệch quyền lợi giữa Europa League và Champions League luôn rất lớn.
Chelsea cũng có lợi thế trong thời buổi bóng đá thế giới khủng hoảng vì dịch bệnh. Các CLB lớn như MU, Real hay Barca đều e dè vì đã chi tiêu nhiều một năm trước. Chelsea không vấp phải cạnh tranh lớn trên thị trường. Giá cầu thủ vì thế cũng giảm so với mặt bằng chung.
Vụ Havertz là điển hình. Truyền thông Đức ban đầu đồn thổi Chelsea có thể phải mất tối đa 100 triệu euro cho cầu thủ. Tuy nhiên, đến cuối cùng, số tiền mà “The Blues” phải trả cho Leverkusen chỉ là 80 triệu euro (nếu hoàn tất các điều khoản phụ).
Dịch bệnh xảy ra cũng khiến UEFA nới lỏng nhiều quy định của Luật Công bằng Tài chính (FFP), để giúp các CLB dễ thở hơn. Chelsea vì thế có thể thoải mái mua sắm mà không lo FFP.
Theo dự đoán của chuyên gia tài chính Sam Blitz, sau những vụ mua sắm mạnh mẽ vừa qua, Chelsea chỉ lỗ tối đa 5 triệu bảng cho đến cuối năm tài khóa 2022.
Quy định của FFP là một CLB không được phép lỗ quá 27 triệu bảng trong 3 năm tài khóa.
Abramovich vẫn rất yêu Chelsea. Ảnh: Getty. |
Thông điệp của Abramovich
Đằng sau sự chi tiêu mạnh và thành công của Chelsea trên thị trường có bóng dáng tỷ phú Roman Abramovich.
Giám đốc Điều hành của Chelsea, Granovskaia được coi là cánh tay phải của Abramovich tại Chelsea.
Granovskaia có gần 2 thập niên làm việc cùng Abramovich trong vai trò trợ lý cao cấp. Bà đã chuyển đến London sống sau khi Abramovich mua lại Chelsea năm 2003.
Kể từ năm 2004, số tiền đầu tư của Abramovich cho Chelsea luôn tăng dần theo năm tháng. Nhà tài phiệt người Nga đã chi tổng cộng 1,3 tỷ bảng cho “The Blues”.
Số tiền đó không chỉ nằm ở ngân sách chuyển nhượng. Abramovich còn chi tiền cho Chelsea nâng cấp cơ sở vật chất, xây học viện đào tạo trẻ.
Năm 2018, Chelsea trình lên chính quyền thành phố London bản kế hoạch cải tạo sân vận động Stamford Bridge với chi phí lên tới 1 tỷ bảng.
Sân Stamford Bridge hiện chỉ có sức chứa hơn 41.000 chỗ ngồi, kém xa so với Old Trafford (76.000 chỗ), Emirates (60.000 chỗ) hay sân mới của Tottenham (62.000 chỗ).
Tuy nhiên, việc tỷ phú Abramovich gặp sự cố với chính quyền Anh khiến nhiều CĐV Chelsea lo lắng. Khi mối quan hệ Anh - Nga căng thẳng, ông Abramovich bị trì hoãn gia hạn thị thực Anh. Kể từ tháng 5/2018, vị tỷ phú này không thể đến nước Anh.
Năm 2017, Abramovich trở thành công dân Israel. Tuy nhiên, phần lớn thời gian vị tỷ phú này xuất hiện ở Nga và Anh, cho cả công việc lẫn giải trí.
Kể từ khi sự cố với chính quyền Anh xảy ra, Abramovich không thể trực tiếp đến Stamford Bridge xem Chelsea thi đấu.
Cựu thủ tướng Anh Theresa May từng có một nhận xét mỉa mai khi mô tả Abramovich như một công dân không thuộc về nơi nào.
Các tin đồn bắt đầu rộ lên. Liệu có ai muốn tiếp tục đầu tư cho một đội bóng, tại một quốc gia mà mình không thể đặt chân đến?
Kế hoạch nâng cấp sân của Chelsea bị gác lại. Đó cũng là lúc Chelsea bị FIFA cấm chuyển nhượng và phải bán đi ngôi sao sáng giá nhất Hazard.
Truyền thông nói về khả năng Abramovich bán lại Chelsea. Nhưng như Telegraph từng phân tích, vị tỷ phú người Nga thật sự thích bóng đá, cũng như yêu quí đội bóng thành London.
Abramovich khước từ đề nghị của doanh nhân Sir Jim Ratcliffe, khi ông này bày tỏ nguyện vọng mua lại Chelsea với giá 1 tỷ bảng. Tháng 6/2020, chính quyền Anh đồng ý gia hạn thời gian nâng cấp Stamford Bridge cho Chelsea.
"Abramovich không bao giờ muốn bán Chelsea", một nguồn tin từ đội bóng nói trên Telegraph. "Ông ấy hài lòng với những gì đang diễn ra. Chelsea có nhiều cầu thủ trưởng thành tự học viện, chơi một thứ bóng đá cuốn hút. Đó là thứ Abramovich rất muốn trong quá khứ".
Truyền thông Đức tiết lộ chính Abramovich đã tác động trực tiếp để thương vụ Havertz diễn ra nhanh hơn. Đó là điều vị tỷ phú người Nga không thường làm, kể từ thương vụ mua Fernando Torres vào năm 2015.
Guardian bình luận rằng lối chơi hứa hẹn mà HLV Frank Lampard mang đến Chelsea dường như đã gây ấn tượng với Abramovich.
Ông chủ Chelsea luôn bị ám ảnh bởi thứ bóng đá đẹp và sexy. Lampard còn làm được hơn thế, khi trọng dụng các cầu thủ trẻ do Chelsea đào tạo như Tammy Abraham hay Mason Mount.
Những tân binh khác của Chelsea như Timo Werner, Hakim Ziyech, Ben Chilwell hay Thiago Silva đều là mảnh ghép có thể mang lại lối chơi đẹp mắt cho Chelsea mùa tới.
Chelsea vẫn muốn chiêu mộ thêm một thủ môn đẳng cấp thế giới để thay Kepa Arrizabalaga, thương vụ giá 80 triệu euro đến lúc này bị coi là thất bại.
Những chuyển động đầy mạnh mẽ của Chelsea trên thị trường chuyển nhượng cho thấy Abramovich vẫn chưa chán bóng đá.
Ngoại hạng Anh chắc chắn được hưởng lợi từ điều đó. Kể từ chức vô địch Premier League mùa 2016/17, Chelsea có dấu hiệu lép vế trước Man City hay Liverpool trong cuộc đua vô địch.
Ở đấu trường Champions League, sau chức vô địch mùa 2011/12, Chelsea liên tục bị loại sớm trong nửa thập niên trở lại đây.
Abramovich không coi Chelsea như một thú vui thời thượng hay chỉ để gây dựng tầm ảnh hưởng. Chelsea như một đứa con do chính ông nuôi nấng. Và ông sẽ không bao giờ bỏ rơi nó.