Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tỷ phú 39 tuổi và 'cơn lốc trẻ' trên chính trường Thái Lan

Một "cơn lốc trẻ" đang quét qua chính trường Thái Lan trước cuộc bầu cử năm sau, dù đó là đảng chính trị hoàn toàn mới hay một đảng lâu năm vừa "thay máu".

Đảng Hướng về Tương lai (Future Foward Party - FFP), do tỷ phú 39 tuổi Thanathorn Juangroongruangkit và một số người Thái Lan trẻ tuổi thành lập, đang thu hút sự chú ý cao độ từ công chúng trước hình ảnh phi truyền thống mà họ mang lại. Họ gồm những học giả, doanh nhân và nhà hoạt động trẻ tuổi từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ nói chuyện thẳng thắn, mang tư tưởng cởi mở và có khả năng tìm kiếm sự đồng cảm với thế hệ người Thái Lan trẻ tuổi. Điều họ thiếu là kinh nghiệm chính trị.

FFP muốn hiện đại hóa nền chính trị Thái Lan, hạn chế quyền lực của quân đội và phá bỏ thế độc quyền kinh tế trong nhiều lĩnh vực. Các chính sách của FFP cho thấy quyết tâm tuyên chiến với các quyền lực cũ kỹ trong nền chính trị Thái Lan, nhưng một số người nghi ngờ rằng FFP quá cấp tiến so với xã hội Thái Lan, trong bối cảnh sự chia rẽ chính trị ở nước này lại quá sâu rộng trong vài thập kỷ qua.

bau cu Thai Lan anh 1
FFP do Thanathorn Juangroongruangkit, tỷ phú 39 tuổi, và Piyabutr Saengkanokkul, một học giả về pháp lý nổi tiếng của Thái Lan và là người ủng hộ dân chủ mạnh mẽ, thành lập hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Cứng rắn hay thỏa hiệp?

Kể từ năm 2006, người Thái gần như chia thành 2 phe. Phe Áo Đỏ ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và em gái ông, cựu thủ tướng Yingluck. Cả hai người đều bị cáo buộc tham nhũng và bị lật đổ bởi chính quyền quân sự. Phe Áo Vàng chống đối gia đình Thaksin. Đảng Pheu Thai chịu ảnh hưởng của gia đình Thaksin trong khi chống đối họ là đảng Dân chủ.

FFP muốn trở thành một lựa chọn thay thế cho người dân trước 2 chính đảng lớn, dù vậy nhiều nhà quan sát tin rằng FFP không biết thỏa hiệp.

"Chính trị là nghệ thuật của thỏa hiệp", Channel NewsAsia dẫn lời giáo sư khoa học chính trị Pitch Pongsawat của Đại học Chulalongkorn.

"Một cách lý tưởng là nếu bạn thắng cử đi nữa, thách thức lớn là 'làm sao có thể điều hành với những người không chia sẻ niềm tin?'. Đó là một thách thức lớn không chỉ với đảng này mà cả những người mộng mơ ủng hộ họ".

Nhiều người cho rằng FFP quá cấp tiến với xã hội Thái Lan vẫn còn bảo thủ. Trong khi đó, những người trẻ, sống nhiều năm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự, tìm thấy sự hấp dẫn nơi những ý tưởng cấp tiến và sự từ chối thẳng thừng việc thỏa hiệp với chính quyền quân sự.

"Sự đón nhận của dư luận với chúng tôi là rất lớn", Thanathorn nói với Channel NewsAsia.

"Chúng tôi muốn thay đổi và hàn gắn xã hội. Chúng tôi tin tưởng từ đáy lòng rằng mâu thuẫn là bình thường đối với mọi nền dân chủ, và nên được giải quyết bằng đối thoại thay vì bạo lực, bằng sự tôn trọng tiếng nói của người dân và cơ chế kiểm soát - cân bằng".

bau cu Thai Lan anh 2
Thanathorn Juangroongruangkit từng là phó chủ tịch điều hành và là giám đốc của tập đoàn Thai Summit, chuyên sản xuất bộ phận ôtô. Cho đến thời gian gần đây, chính trị vẫn là một khái niệm xa vời trong đời ông. Ảnh: AFP.

Khi sự nổi tiếng khó biến thành phiếu bầu

FFP tích cực sử dụng các phương tiện trực tuyến để tranh thủ sự ủng hộ, họ tương tác với cử tri bằng Facebook, Twitter và Instagram.

"Công nghệ là tương lai. Chúng tôi là một đảng mới và chúng tôi không có mạng lưới tại hiện trường. Không thể nào xây dựng được cơ sở đủ lớn để giúp chúng tôi thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Đó không phải cuộc chơi của chúng tôi", ông Thanathorn nói, cuối cùng FFP sử dụng mạng xã hội để vươn đến những vùng họ không thể trực tiếp vận động tranh cử.

Họ thừa nhận rằng mình không giỏi trong việc vận động ở tỉnh, nhưng lại có thể tạo ra những cuộc tranh luận chính trị trực tuyến để hàng triệu người Thái tham gia thảo luận.

Nhưng cuộc chiến không đơn giản vậy.

Thanathorn nói rằng FFP thiếu vắng yếu tố quan trọng nhất cho cuộc bầu cử. Đó là ứng viên. Để giành chiến thắng, họ cần đủ ứng viên để "lấp đầy" 350 khu vực bỏ phiếu trên khắp Thái Lan. Nếu không có đủ ứng viên và xây dựng được một nền tảng vững chắc ở các tỉnh, họ sẽ không đủ ghế để tạo nên sự khác biệt trong quốc hội.

"Họ chỉ thu hút được công chúng trên Internet. Làm sao biến sự nổi tiếng trên mạng thành thực tế", ông nói.

bau cu Thai Lan anh 3
Một số người nghi ngờ rằng FFP quá cấp tiến so với xã hội Thái Lan. Ảnh: AFP.

Dù vậy, giáo sư này cũng thừa nhận thực tế là FFP bị "trói tay" khá nhiều. Các hoạt động chính trị và tụ tập vẫn bị cấm tại Thái Lan (dù chính phủ đã cho phép các đảng đăng ký thành lập lại).

"Chính quyền quân sự vẫn không cho phép các đảng đưa ra chính sách cụ thể. Cuối cùng thì bạn chỉ có những đảng mang đến nhiều hy vọng chính trị", Thanathorn nói.

Những "cơn gió trẻ" khác

Bên cạnh FFP với tỷ phú 39 tuổi Thanathorn, dư luận Thái Lan cũng đang chứng kiến sự "thay máu" trong một số đảng chính trị cũ kỹ. Một trong những niềm hy vọng mới là Varawut Silpa-archa từ đảng Chart Thai Pattana. Cha của ông là Banharn Silpa-archa, thủ tướng Thái Lan trong thập niên 1990.

Không giống các chính trị gia mới khác, Varawut, 44 tuổi, được kế thừa nền tảng vững chắc mà Chart Thai Pattana đã thiết lập được ở các vùng nông thôn Thái Lan, đảng có nhiều thành viên là các chính trị gia kỳ cựu với nhiều thập niên lăn lộn trong quốc hội Thái Lan. Họ cũng muốn thay đổi chính trường Thái Lan, nhưng ở mức ít đột ngột hơn.

"Có rất nhiều kỳ vọng từ công chúng được thấy những gương mặt mới bước ra và thoát khỏi cái bóng của các thế hệ trước. Nhưng, có một chữ 'nhưng' lớn ở đây, đối với cá nhân tôi, tôi tin rằng để tiến về trước, bạn không thể chỉ phụ thuộc vào thế hệ trẻ", Varawut nói với Channel NewsAsia.

Trong 2 năm qua, một cuộc cải tổ lớn đã diễn ra trong nội bộ Chart Thai Pattana. Những thành viên trẻ được đưa lên trước trong khi các đảng viên lâu năm rút xuống hoạt động trong vai trò cố vấn. Mục tiêu của họ trong cuộc bầu cử tới là các đảng viên trẻ.

"Tất nhiên chúng tôi phải điều chỉnh chiến lược. Nhưng để đi về trước, bạn cần cả những thành viên kỳ cựu của sàn đấu chính trị. Họ như một thư viện sống, một kho dữ liệu", Varawut nói. 

bau cu Thai Lan anh 4
Varawut Silpa-archa, làn gió mới từ một đảng chính trị cũ, tin rằng sự thay đổi đối với Thái Lan phải đến từ từ và thông qua rất nhiều thỏa hiệp. Ảnh: The Nation.

Varawut, không như Thanathorn, cho rằng thay đổi chính trị cần sự kiên nhẫn và thỏa hiệp. Ông không nghĩ chính trị Thái có thể thay đổi 180 độ trong phút chốc, mọi thứ phải đến từ từ .

"Điểm khác biệt giữa chúng tôi với FFP là chúng tôi đã từng ở đó, đã làm việc đó và chúng tôi biết nó khó nhường nào", ông nói.

"Chúng tôi là những kẻ thực dụng. Chúng tôi không muốn nói về việc mình không thể làm".

Nữ thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan và sự nghiệp sóng gió Trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan với tham vọng cải cách đất nước, bà Yingluck Shinawatra nhanh chóng vướng vào những bê bối chính trị và đối mặt hàng loạt cáo buộc.

Thái Lan: Đảng của tỷ phú trẻ thách thức chính quyền quân sự

Trong một dịp hiếm hoi dưới thời chính quyền quân sự, tranh luận về chính trị và dân chủ diễn ra sôi nổi trên mặt báo nhờ sự xuất hiện của một doanh nhân trẻ và một đảng mới lập.

Bê bối 'Tướng Rolex': Dân Thái mệt mỏi với chính quyền quân sự

Bê bối phó thủ tướng dùng đồng hồ xa xỉ hé lộ những đặc quyền của giới quan chức, nhà giàu Thái Lan cũng như sự mệt mỏi của người dân với chính quyền quân sự thiếu chính danh.

Phương Thảo

Theo Channel NewsAsia

Bạn có thể quan tâm