Giữa lúc tương lai chính trị Thái Lan vẫn bất định, giới quân sự cầm quyền ở đây lại dồn lực để bảo vệ nhân vật chủ chốt là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan. Wongsuwan nằm trong số những quan chức đang gây nên phẫn nộ trong dân chúng vì công khai thách thức luật pháp.
Thủ tướng chính quyền quân sự, tướng Prayuth Chan-ocha trước sau vẫn kiên trì ủng hộ cấp phó của ông. Dù vậy, vụ bê bối của Phó thủ tướng Wongsuwan đang đặt ông Chan-ocha vào thế khó khi ông cần tranh thủ sự ủng hộ của người dân trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cuộc bầu cử tại Thái Lan dự định diễn ra vào tháng 11, dù chưa có ngày chính thức và có thể sẽ tiếp tục bị trì hoãn.
Nikkei Asian Review nhận định vị tướng phốp pháp đã đặt mình vào "nước sôi" khi các bằng chứng cho thấy ông không khai báo số tài sản gồm một bộ sưu tập 25 chiếc đồng hồ sang trọng với tổng trị giá khoảng 1 triệu USD. Sở thích xa xỉ của phó thủ tướng bị một người dùng Facebook ở Thái Lan để ý hồi cuối năm 2017.
Bức ảnh Phó thủ tướng Wongsuwan với chiếc đồng hồ đắt tiền thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: AFP. |
Từ 'Tướng Rolex' đến buổi tiệc đi săn
Ông Wongsuwan nói rằng những chiếc đồng hồ trên là "của đi mượn" từ một người bạn đã khuất. Dù vậy, màn phô diễn những chiếc nhẫn và đồng hồ đắt tiền đã gây nên sự giận dữ trên mạng xã hội và là chỉ dấu cho thấy sự kiên nhẫn của người dân Thái với chính quyền quân sự, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, đang dần cạn.
Vào ngày 16/2, một thỉnh nguyện thư kêu gọi việc cách chức phó thủ tướng đã thu thập được 80.000 chữ ký. Các họa sĩ vẽ hoạt hình công khai đả kích ông trong khi một nhà bình luận gọi ông là "Tướng Rolex". Hàng loạt sự kiện lố bịch đã quét sạch những lời tuyên bố của chính quyền quân sự về một "chính quyền đạo đức", lý lẽ được giới quân sự đưa ra để biện minh cho cuộc đảo chính và việc cầm quyền của họ.
Ngoài Phó thủ tướng Wongsuwan, 2 nhân vật giàu có và nổi tiếng khác cũng đang đối mặt với sự giận dữ của dư luận. Một người là Somyot Poompanmpoung, cựu cảnh sát trưởng quốc gia, người thú nhận đã vay 300 triệu baht (9,5 triệu USD) từ một chủ nhà thổ ở Bangkok trong thời gian tại chức.
"Chúng tôi là bạn và bạn bè dĩ nhiên giúp đỡ nhau", ông phân trần. Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng không tin lời giải thích này.
Một cuộc biểu tình hồi tháng 2 ở Bangkok phản đối lệnh cấm biểu tình của chính quyền quân sự và kêu gọi khôi phục chế độ dân chủ tại Thái Lan. Ảnh: AFP. |
Người cuối cùng là nhà tài phiệt Premchai Karnasuta, Chủ tịch Italian-Thai Development, công ty xây dựng lớn nhất nước và được xếp là một trong những người giàu nhất Thái Lan. Premchai vừa bị bắt hồi tháng này với cáo buộc tổ chức một buổi đi săn trong công viên quốc gia.
Điểm chung của 3 trường hợp trên là nó củng cố quan điểm rằng những người giàu và nổi tiếng ở Thái Lan là "bất khả xâm phạm", là những người hưởng đặc quyền trong hệ thống tư pháp. Con cái các nhà tài phiệt, những người giàu có hoặc các quan chức có quyền được cho là "đứng trên pháp luật", ngay cả trong những trường hợp gây chết người.
Kingsley Abbott, nhà tư vấn pháp lý quốc tế tại Ủy ban Luật gia Quốc tế, một nhóm giám sát quốc tế, nói rằng nền văn hóa đặc quyền đã có từ nhiều năm nay ở Thái Lan.
"Một số cuộc điều tra có vẻ mãi mãi ở trong tình trạng "đang điều tra", đôi khi là nhiều năm mà không ai phải chịu trách nhiệm", Abbott nói với Nikkei Asian Review.
Chính quyền "đạo đức" không có chính danh
Cho đến gần đây, tầng lớp trung lưu có ảnh hưởng chính trị tại Bangkok, những người ủng hộ cuộc đảo chính năm 2014, vẫn thỏa hiệp với hệ thống đặc quyền này. Sự giận giữ chỉ nổi lên sau khi một quan chức quân sự cấp cao có liên quan đến vụ tham nhũng trong việc xây dựng một công viên mà chính quyền quân sự Thái Lan ra lệnh thực hiện để vinh danh hoàng gia.
Chính quyền Thái Lan đang đứng trước búa rìu dư luận. Trong một sự kiện hồi tháng 1, Thủ tướng Chan-ocha né tránh phóng viên bằng cách để lại một tấm bìa carton có hình của chính ông với kích cỡ thật và nói hình nhân này sẽ thay ông ghi nhận các câu hỏi. Ảnh: AFP. |
Chỉ số của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy tham nhũng tiếp tục là vấn đề của Thái Lan. Năm 2017, tổ chức này xếp mức độ minh bạch tại Thái Lan ở mức 101/175 quốc gia được khảo sát, tụt hạng đáng kể so với vị trí 76 vào năm 2015.
Một khảo sát mới đây cũng "tạt gáo nước lạnh" vào quan điểm rằng chính quyền quân sự thì chống tham nhũng tốt hơn là một chính phủ dân cử. Khảo sát của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan hồi tháng 12/2017 cho thấy các khoản hối lộ và "chi trả dưới bàn" trong các dự án chính phủ đã lấy mấy 25-30% ngân sách đầu tư chính phủ, tức hơn 676 tỷ baht (khoảng 21 triệu USD). Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận rằng họ đã chi đến 30% giá trị của dự án để lấy được sự phê duyệt của các quan chức.
Quan điểm của báo chí Thái Lan cũng thể hiện sự thay đổi trong công chúng khi báo giới công khai chất vấn "thẩm quyền đạo đức" của chính phủ quân sự, điều mà giới quân sự đưa ra để khỏa lấp cho sự thiếu tính chính danh thông qua phiếu bầu. Một bài bình luận trên Bangkok Post của Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, gọi chính phủ của Thủ tướng Chan-ocha là "sụp đổ về mặt đạo đức" và cho rằng những bê bối liên tiếp đã xóa sạch chút chính danh còn lại của chính quyền này.
Vụ bê bối của phó thủ tướng "là cọng rơm cuối cùng trong chuỗi dài những vụ bê bối tham nhũng kể từ cuộc đảo chính", ông Pongsudhirak viết.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha (phải), khi còn là tổng tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng, trong một bức ảnh chụp năm 2011, 3 năm trước cuộc đảo chính. Ảnh: AFP. |
Nhiều người trong giới quân sự dự đoán rằng, theo đúng truyền thống quân đội, Thủ tướng Chan-ocha sẽ tiếp tục bênh vực người đồng đội, Phó thủ tướng Wongsuwan.
"Tâm lý của giới quân sự là hành động cùng nhau và không tách khỏi đồng đội của mình", một người trong giới nói với Nikkei Asian Review.
"Nhưng khi một người ra đi, những người còn lại sẽ đổ như những quân cờ domino".