TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trước đây, một ngày, phòng khám chuyên ngành tâm thần tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân.
Tuy nhiên, hiện tại, sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám tăng tới hàng trăm người/ngày. Bệnh nhân chủ yếu phàn nàn rối loạn giấc ngủ sau Covid-19, chiếm tỷ lệ 70-80%.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Bích Ngọc, Viện Sức khỏe Tâm thần, trường hợp điển hình gần đây nhập viện là bệnh nhân nữ, 46 tuổi, quê ở Thanh Hóa, vào viện vì mất ngủ, lo lắng sau khi mắc Covid-19.
Trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân chỉ có các triệu chứng ho, đau họng, vẫn sinh hoạt được bình thường và khỏi bệnh sau 10 ngày. Tuy nhiên, sau thời điểm mắc Covid-19 khoảng 1,5 tháng (cách vào viện 2 tuần), người này có biểu hiện mất ngủ, xuất hiện tự nhiên.
Bác sĩ Ngọc cho biết bệnh nhân chỉ ngủ được 3 tiếng mỗi đêm nên rất mệt mỏi vào ngày hôm sau, làm việc không đạt hiệu quả như bình thường. Đặc biệt, các biểu hiện mất ngủ càng tăng dần, người bệnh ngủ chập chờn, phải thức dậy giữa đêm 3-4 lần, sau đó mỗi lần 20-30 phút mới ngủ lại được. Thậm chí, có nhiều đêm, bệnh nhân phải thức trắng.
Ngoài ra, thỉnh thoảng người này có cơn hồi hộp đánh trống ngực, run tay chân, vã mồ hồi, mệt mỏi, cảm giác choáng váng, ù tai, buồn nôn, ăn uống kém ngon miệng. Sau khi triệu chứng kéo dài 2 tuần, người bệnh mới đi khám và điều trị tại viện tỉnh Thanh Hóa, nhưng không thuyên giảm.
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, ngoài được điều trị bằng hóa dược, bệnh nhân được mở rộng kiến thức về cách vệ sinh giấc ngủ, nâng cao thể trạng, đề phòng biến chứng biểu hiện rối loạn giấc ngủ và đã hồi phục giấc ngủ sau 3 ngày điều trị.
Theo bác sĩ Dũng, khi có rối loạn giấc ngủ, người dân nên có sự tư vấn của chuyên khoa để bảo đảm được điều trị tốt nhất. Nếu chưa đến được cơ sở chuyên khoa, người bệnh cần tự chăm sóc bản thân như bảo đảm đủ lượng vitamin, calo hàng ngày, luyện tập thể dục, bù đủ nước, điện giải và cần phải quan tâm đến vệ sinh giấc ngủ.
Đặc biệt, người dân không tự ý sử dụng các loại thuốc bổ, tự mua thuốc điều trị hay dùng thuốc nam. "Người bị mệt cả cơ thể và trí não nhưng việc cứ dùng thuốc tuần hoàn để nâng cao sức khỏe sẽ càng làm cho người bệnh luôn tỉnh táo, càng mất ngủ", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.