Mặc dù trong ngày 2/12, tỷ giá bán ra giảm 10 đồng nhưng dường như không hoàn toàn là biểu hiện của một xu hướng ổn định dài hơi như từng diễn ra sau ngày 12/8, khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành “cú đúp”, tạo ra mức trần khống chế ở mức 22.547 đồng ăn một USD.
Trong 6 ngày liên tục thị trường có giao dịch (25/11 - 2/12), tỷ giá bán ra đang ở mức phổ biến 22.520 -22.530 đồng đổi một USD, thì ngày 1/12 bất ngờ vọt lên 22.540 đồng, chỉ cách trần 7 đồng.
Một chuyên gia nhận xét, Ngân hàng Nhà nước thừa sức kiềm chế sự hưng phấn của thị trường cho trọn “lời hứa 22.547 đồng”, ít nhất đến hết năm. |
Bắt đầu căng dây cương
Khoảng một tháng trở lại nay, tỷ giá như con ngựa bắt đầu làm căng dây cương điều hành. Thay vào đó, một mặt bằng tỷ giá mới, ổn định ở mức cao hơn trước.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng đưa ra mấy yếu tố. Đầu tiên, kể từ 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn ấn định hạn mức điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm cho từng năm. Thời điểm này của các năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã rục rịch có quota nhưng năm nay thì chưa. Vì thế, biểu hiện tăng giá của đồng USD thể hiện phản ứng của thị trường.
Thứ hai, yếu tố thứ nhất được cộng hưởng với một yếu tố cực kỳ quan trọng là đồng USD đang mạnh lên và biến động ngược chiều với các ngoại tệ chủ chốt khác. Điều này gia tăng thêm một lực đẩy nữa vào “bức tường” 22.547 đồng mà Ngân hàng Nhà nước đã khống chế từ 12/8.
Hiện tại, cả thế giới đang hướng về phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 16/12 tới, với nhiều đồn đoán rằng FED sẽ nâng lãi suất và nâng ở mức độ nào.
Một báo cáo của nhóm nghiên cứu BIDV công bố ngày 25/11 đã đưa ra nhận định của các định chế tài chính thế giới như Credit Suisse, Well Fargo, Standard Charter, HSBC, ABN AMRO và Danskebank... rằng tháng 12 là thời điểm thích hợp để FED nâng lãi suất.
Thứ ba, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ thanh quyết toán trong nền kinh tế gia tăng theo tính chất mùa vụ, cũng được cho là một áp lực.
Một chuyên gia nhận xét, không phải Ngân hàng Nhà nước không nhận biết những áp lực nói trên. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2015, nếu không có những cú sốc đột biến tương tự như sự kiện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ như cách đây mấy tháng, thì chắc chắn trần tỷ giá 22.547 đồng tiếp tục được cố duy trì.
Trong trường hợp thị trường quá căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước cũng không hẳn vội vàng phá trần; bởi nhà điều hành đang có trong tay một túi dự trữ ngoại tệ được cho là dồi dào, sau một thời gian dài “bốc từ túi nọ, chuyển sang túi kia”.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước thừa sức kiềm chế sự hưng phấn của thị trường cho trọn “lời hứa 22.547 đồng”, ít nhất đến hết năm, trước khi mở ra một cơ chế điều hành mới cho năm tới làấn định quota hoặc linh hoạt hơn.
Tiến dần đến “hoàn toàn thị trường”
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright, Việt Nam vẫn đang thực hiện chính sách điều hành tỷ giá neo nội tệ vào USD ở một biên độ nhất định. Trong khi, xu hướng điều hành tỷ giá trên thế giới đang mỗi ngày một linh hoạt hơn, kể cả những nước bảo thủ về vấn đề này.
“Sự kiện đồng Nhân dân tệ được nằm trong 5 đồng tiền chủ chốt của IMF cho thấy, dù chưa thả nổi hoàn toàn nhưng Trung Quốc không còn cứng nhắc và giảm bớt mức độ can thiệp vào tỷ giá, theo kiểu gắn chặt một cam kết nào đó”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, năm 2016, kể cả kinh tế toàn cầu không diễn ra những biến động lớn (chẳng hạn sự kiện Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ đầu tháng 8) thì Việt Nam cũng không nên duy trì cơ chế điều hành tỷ giá như mô hình hiện nay (cam kết với biên độ nhất định).
Năm 2016 có thể có một số biến động lớn trên thế giới, mà yếu tố dễ thấy nhất là FED điều chỉnh tăng lãi suất, dù chưa rõ mốc thời gian cụ thể. Và nếu điều đó xảy ra, đồng Việt Nam sẽ khó tránh sức ép bị giảm giá.
Ông Thanh cho rằng, dù như vậy hãy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự xây dựng cơ chế quản trị rủi ro tỷ giá; thay vì Ngân hàng Nhà nước cứ cam kết một cơ chế cố định, vô tình tạo ra sự ỷ lại trong nền kinh tế. Đó là chưa nói, nếu cam kết nhưng không giữ được, sẽ thành thất hứa với thị trường. Làm được điều này, cũng có nghĩa Việt Nam đang tự mình tiến dần đến một nền kinh tế thị trường hoàn toàn như mục tiêu đã đặt ra.