Theo Báo cáo, nếu như tại thời điểm tháng 9, Fed chịu sự chỉ trích khá lớn khi đặt nặng ảnh hưởng của môi trường bên ngoài đến quyết định thì sang đến tháng 10, Fed đã có sự cân nhắc và điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh vai trò của các yếu tố nội tại bên trong.
Do đó có thể thấy, thị trường việc làm và lạm phát là 2 vấn đề quyết định. Nếu xét trên tổng thể thì tỷ lệ lạm phát hiện tại của Mỹ vẫn còn một khoảng cách rất xa so với mức mục tiêu 2%.
Mặc dù vậy, lạm phát cơ bản hiện đang xoay quanh khoảng 1,5-2% cho thấy lạm phát đang chịu tác động mạnh từ giá nhiên liệu và giá lương thực. Theo đó, triển vọng 2% trong trung dài hạn là có thể thực hiện được khi kinh tế thế giới phục hồi rõ nét hơn. Kết hợp với diễn biến tích cực của thị trường việc làm thì rõ ràng Fed có những lý do phù hợp để đưa ra quyết định nâng lãi suất.
Cụ thể, BIDV đưa ra các kịch bản như sau:
Kịch bản cơ sở (xác suất 50%): Fed thực hiện nâng lãi suất 0,25% trong kỳ họp tháng 12/2015; đồng thời giữ nguyên/giảm nhẹ dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9/2015 (khoảng 0,25%); Có thể tăng thêm 0,75% năm 2016;
Kịch bản 2 (xác suất 35%): Fed thực hiện nâng lãi suất 0,25% trong kỳ họp tháng 12/2015; đồng thời giảm mạnh dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9/2015 (khoảng 0,5%); Có thể tăng thêm 0,5% năm 2016;
Kịch bản 3 (xác suất 15%): Fed tiếp tục trì hoãn quyết định nâng lãi suất sang đầu năm 2016; đồng thời giảm mạnh dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9/2015 (khoảng 0,5%); Có thể tăng 0,5% năm 2016.
Dự báo tác động đối với các thị trường
BIDV cũng đồng thời đã phân tích, dự báo tác động của quyết định điều chỉnh lãi suất đối với thị trường quốc tế cũng như trong nước với 2 điểm đáng chú ý:
Quy luật cơ bản là thị trường tài chính thường biến động mạnh hơn trong khoảng thời gian NHTW phát đi các tín hiệu, chưa đưa ra quyết định cuối cùng & sau đó biến động lại trở nên yếu đi, thậm chí là điều chỉnh theo hướng ngược lại (do kỳ vọng đối với quyết định đã được phản ánh vào giá trước đó).
Bước dịch chuyển của chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang bớt nới lỏng/thắt chặt tại Mỹ đã xuất hiện từ đầu năm 2014 và trên thực tế kinh tế thế giới đã chịu tác động mạnh từ những thông tin liên quan đến vấn đề này trong suốt gần 2 năm như USD tăng giá mạnh, giá cả hàng hóa đi xuống, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế đi lên…
Đặc biệt, đối với thị trường trong nước và với kịch bản cơ sở, Báo cáo của BIDV nhận định:
Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam dự báo sẽ duy trì lạc quan trong năm 2016 với mức giải ngân ước tính có thể đạt 15-16 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015 và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo FII vào Việt Nam trong năm tới có thể tăng cao hơn so với năm 2015 và tập trung chủ yếu vào thị trường cổ phiếu có thể đạt mức dương ròng khoảng 1 tỷ USD.
Và như dự báo ở trên, giải ngân FDI sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới và theo đó mức đóng góp của khối nước ngoài vào xuất nhập khẩu sẽ chưa có thay đổi với chiều hướng tiếp tục đi lên.
Còn thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục cho thấy biến động khá phức tạp và đặc biệt là sự liên thông tương đối chặt chẽ với thị trường ngoại hối quốc tế.
Kể từ cuối tháng 10 đến nay, mặc dù cán cân thanh toán tổng thể chuyển biến khá tích cực, nhập siêu giảm mạnh và thậm chí cán cân thương mại thặng dư 500 triệu USD trong tháng 10/2015, tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng mạnh 170-180 điểm lên 22.470-22.480 (quanh tỷ giá bán ra của NHNN).
Diễn biến này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại liên quan đến đà tăng của USD trên thị trường quốc tế, kỳ vọng vào khả năng nâng lãi suất cơ bản của Fed trong tháng 12 và những vấn đề bất ổn của kinh tế thế giới.
Do vậy, với dự báo USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế trong tháng 12 cộng với các yếu tố mùa vụ về mặt nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các NĐTNN gia tăng thì thị trường ngoại hối dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khá căng thẳng.
Chủ trương nhất quán và các giải pháp can thiệp từ phía NHNN sẽ giúp tỷ giá tiếp tục duy trì trong biên độ cho phép nhưng nhìn chung giao dịch ở mặt bằng cao, dự kiến chủ yếu quanh khoảng 22.450-22.500 từ nay đến cuối năm.
Năm 2016, thị trường ngoại hối Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục biến động khá phức tạp. Trong đó, yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như CNY trên thị trường quốc tế.
VND có thể giảm giá thêm khoảng 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VND tăng vượt qua mức 23.000.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng VND nhìn chung vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ và chịu tác động tâm lý khá lớn từ diễn biến trên thị trường ngoại hối. Vì vậy, bước sang tháng 12, mặc dù thanh khoản tiếp tục được đảm bảo tốt & không xuất hiện tình trạng căng thẳng nhưng mặt bằng lãi suất giao dịch có thể tăng thêm khoảng 0,5-1% lên 3-4% kỳ hạn 1 tuần…
VND có thể giảm giá thêm khoảng 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VND tăng vượt qua mức 23.000. |
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng USD dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong giai đoạn cuối năm 2015. Mặc dù lãi suất trên thị trường quốc tế trên đà đi lên nhưng nhìn chung mức tăng khá yếu, đồng thời trong nước, nguồn cung dồi dào - nhu cầu hạn chế nên lãi suất thị trường trong nước có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ khoảng 0,1%, giao dịch trong khoảng 0,3-0,4% kỳ hạn 1 tuần. Đây cũng sẽ là đặc điểm cơ bản của thị trường trong năm 2016.
Trung tâm Nghiên cứu của BIDV cho rằng, các phân tích trên cho thấy Fed có khả năng cao sẽ thực hiện tăng lãi suất trong tháng 12, nhưng nhìn chung mức tăng khá yếu, đồng thời cũng chưa có nhiều tác động đáng kể đối với thị trường trong nước trong ngắn hạn.
"Dự báo FII vào Việt Nam trong năm tới có thể tăng cao hơn so với năm 2015 và tập trung chủ yếu vào thị trường cổ phiếu có thể đạt mức dương ròng khoảng 1 tỷ USD"