12 năm sống tại Việt Nam, hoạt động nghệ thuật tích cực, diễn viên Charlie Win không hướng đến sự nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền. Ưu tiên hàng đầu của anh là cống hiến trí tuệ để lan tỏa những điều ý nghĩa tới cộng đồng, nhất là văn hóa đọc. Nam diễn viên chia sẻ với VietNamNet về hành trình này, bắt đầu từ cô con gái nhỏ.
- Anh thích đọc sách từ khi nào?
- Từ lâu tôi rất quan tâm đến sách, luôn muốn lan tỏa thông điệp đẹp để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Ngày bé, nhà không có máy tính, Internet, cuối tuần, mẹ thường cho tôi sang thư viện đọc sách. Thói quen đó hình thành từ thơ ấu và cho tới tận bây giờ, khi sang Việt Nam, cứ chỗ nào có hiệu sách tôi lại sà vào.
Ở đây một thời gian, tôi nhận thấy nhà sách rất nhiều nhưng trẻ em chưa có đam mê đọc. Cho nên tôi rất muốn tạo cơ hội để bọn trẻ yêu thích sách, giống như mình ngày bé.
- Anh tạo thói quen đọc sách cho con như thế nào?
- Tôi đọc cho con nghe từ lúc 6 tháng tuổi. Lớn lên, bên cạnh những cuốn dày, nhiều chữ, tôi sẽ cho làm quen với truyện tranh và cùng chọn lựa thể loại phù hợp, hướng tới nội dung bé thích. Tôi thường đọc cùng con quyển đầu tiên, sau đó cháu chủ động khám phá những tập tiếp theo.
- Phụ huynh ở Việt Nam khá e dè khi để con đọc nhiều truyện tranh, anh thì khác?
- Đúng, nhiều phụ huynh ở Việt Nam than phiền con hay xem truyện tranh mà ít đọc sách về lịch sử, văn học, khoa học… Tôi không quan trọng đọc sách gì, vấn đề là mình khuyến khích các bé có đam mê đọc đã.
Cho nên khi con đã đọc truyện tranh, tôi dần khuyến khích tìm hiểu thêm những tác phẩm dài 200, 300 trang; series truyện khai thác nhân vật mà trẻ em thích như Harry Potter hoặc Warrior Cats - sách về chiến binh mèo.
Truyện dài thường các bé không thích ngay, tôi sẽ đọc cho nghe vài trang đầu, trang sau cháu tự đọc. Cứ thế dẫn dụ để con thích thú, cuốn theo câu chuyện. Và không quên nói với con rằng đọc sách giống như tìm hiểu khu vui chơi, là không gian giao lưu, khám phá, thiên đường giải trí riêng của mình.
Tôi đã thành công khi cho con gái thấy đọc sách là một loại hình giải trí thực sự, có ý nghĩa với bản thân, chứ không phải do bố yêu cầu làm theo.
- Anh có đưa mục tiêu con phải đọc bao nhiêu cuốn/tháng?
- Tôi không giới hạn, đó là nhu cầu cá nhân của con. Đợt dịch Covid-19, tôi áp dụng chương trình khuyến khích con đọc sách ở Mỹ rất phổ biến có tên BOOK IT! của Pizza Hut. Cụ thể là đọc sách có phần thưởng, ví dụ đọc 10 cuốn sách, cô giáo sẽ đánh dấu và Pizza Hut gửi phần thưởng cho học sinh đó như pizza, vé chơi bóng rổ, bóng chày, xem phim…
Lúc dịch, để tránh nhàm chán, tôi đưa ra thử thách với con xem trong vòng 1 tháng đọc được bao nhiêu cuốn sách. Đặc biệt, nếu đọc sách ngắn tính ít điểm, sách dài nhiều điểm, số điểm tổng cộng cuối tháng quy ra tiền cho con chủ động chi tiêu, mua món đồ yêu thích. Vậy mà trong 1 tháng, con gái đọc được 25 cuốn sách dài - ngắn khác nhau, quy đổi thành hơn 1 triệu đồng, nửa số tiền cháu mua đồ chơi, nửa còn lại mua sách.
Chúng tôi lặp đi lặp lại thử thách này trong vòng 6 tháng, rất hiệu quả. Lúc đầu có phần thưởng, sau không cần mà con vẫn thích đọc sách.
Chính vì thế, tôi rất mong muốn có chương trình khuyến đọc cho trẻ em. Hy vọng sau này có cơ hội, nếu không phải là người đứng đầu, cũng là người phối hợp để kết nối, truyền cảm hứng cho một số KOLs, doanh nghiệp tạo ra các mô hình khuyến đọc đa dạng.
- Mô hình khuyến đọc đó sẽ như thế nào?
- Không phải là chuyên gia về giáo dục nhưng tôi nghĩ cần có sự phối hợp giữa Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, doanh nghiệp và trường học. Phải lập quỹ khuyến đọc, nhưng nhất thiết cần có sự hợp tác của 4 bên chứ không chỉ có đơn vị phát hành, nhà sách vì họ không đủ mạnh để làm.
Bên Mỹ, không phải chỉ Pizza Hut có chương trình khuyến đọc như thế mà rất nhiều mô hình khác tương tự. Vấn đề là phải được duy trì, chứ không chỉ là phong trào nhất thời.
- Bận rộn với công việc của MC truyền hình, diễn viên, anh có thời gian đọc sách?
- Có, tôi nói thật là hay đọc sách bằng Tiếng Anh, những cuốn sách liên quan tới chủ đề về xã hội, đời sống như Sapiens - Lược sử loài người. Tôi đọc cả thơ Xuân Quỳnh.
Khi không có thời gian đọc cũng không có nghĩa là rời xa thế giới của sách. Có rất nhiều cách nhận được tri thức như sách nói, hoặc nghe giới thiệu của đơn vị phát hành dạng podcast để tìm những cuốn phù hợp.
Thật tiếc vì các đơn vị phát hành ở Việt Nam chưa mở rộng giới thiệu sách tóm tắt dạng podcast, giúp người đọc có nhiều lựa chọn. Hình thức này trên Amazon phát triển rất mạnh.
Tôi chỉ chia sẻ tư duy của người dùng chứ không phải chuyên gia nên rất hy vọng Việt Nam sẽ có một nền tảng sách điện tử đầy đủ. Hiện tại, các nhà sách không bán nhiều sách điện tử, vẫn tập trung vào sách giấy, nhưng nếu không chuyển hướng sẽ “chết”. Đây là quan điểm cá nhân của tôi.
Diễn viên Charlie Win
Charlie Win (Chad Winston) là một diễn viên, MC quốc tịch Mỹ, có hơn 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam. Anh từng tham gia nhiều bộ phim truyền hình như Giọt nước của dòng sông, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Tổ quốc nơi cuối con đường... Gần đây nhất, anh để lại dấu ấn đẹp với vai diễn David - một đầu bếp 5 sao khó tính trong phim Đừng nói khi yêu.
Ngoài ra, Charlie Win cũng bén duyên với sân khấu kịch khi được NSND Lê Hùng mời đóng vai người lính Mỹ trong vở Duyên định.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Xu hướng công nghệ hỗ trợ trẻ đọc sách
Thị trường sách thiếu nhi ngày một thêm sôi động với nhiều sản phẩm tích hợp công nghệ, hỗ trợ các độc giả nhí trong trải nghiệm đọc như bút chấm đọc, sách âm thanh.
Lâm Thanh Hà: 'Đọc sách là liều thuốc tốt nhất chống lại thời gian'
Ở tuổi xế chiều, minh tinh màn ảnh Hong Kong một thời Lâm Thanh Hà chia sẻ, đọc sách là liều thuốc tốt nhất giúp bà chống lại thời gian và có một tâm hồn đẹp.
Thuốc tránh thai và những câu chuyện vượt ra ngoài biên giới Mỹ
Khi thuốc tránh thai được đưa vào sử dụng ở Anh, giới chuyên môn nước này cũng e ngại về tính an toàn của nó. Giống ở Mỹ, họ phải vượt qua nhiều rào cản để chứng minh điều này.