Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyến xe buýt nhanh 1.000 tỷ chậm tiến độ gần 2 năm

Lãnh đạo Sở Giao thông Vân tải Hà Nội cho biết, tuyến xe buýt nhanh ở Hà Nội sẽ hoạt động chính thức vào cuối 2016, chậm tiến độ gần 2 năm.

Chiều 31/5, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội thông tin, cuối năm nay, tuyến xe buýt nhanh BRT dự kiến đi vào hoạt động.

Đây là dự án trị giá hơn 1.000 tỷ và đến nay đã chậm tiến độ khoảng một năm rưỡi.

Tuyen xe buyt nhanh o Ha Noi anh 1
Ông Hà Huy Quang - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội (đứng). Ảnh: T.Quang.

Theo vị lãnh đạo Sở này, thiết kế ban đầu, trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh. Nhưng với thực tế của giao thông Hà Nội, khi không có xe buýt chạy trên phần đường dành riêng, các phương tiện khác sẽ lấn làn. Do đó, Sở GTVT đang cùng đối tác tài trợ vốn nghiên cứu phương án tổ chức giao thông khả thi hơn.

Hiện có hai quan điểm, một là làm theo đúng dự án ban đầu, hai là không ưu tiên làn đường hoàn toàn cho xe buýt. Sở GTVT đang tính theo phương án khả thi hơn, nghĩa là không phải ưu tiên hoàn toàn 100% mà chỉ theo từng đoạn tuyến.

"Ví dụ như ưu tiên đi qua các nút giao thông, nhất là các tuyến ở nút giao với đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3", ông Quang nói và cho biết, trong tháng 6-7, Sở sẽ cho xe buýt đi thử trên tuyến này để đưa ra phương án khả thi, hiệu quả. Sau đó, quý III/2016, Sở GTVT Hà Nội sẽ báo cáo cụ thể với UBND TP để đưa tuyến xe vào hoạt động trong quý IV.

"Đây là loại hình vận tải mới nên có những cái khó phát sinh, chúng ta phải tổ chức quản lý vận hành theo phương án mới”, ông Quang nói.

Trước câu hỏi của Zing.vn về con số đội giá của dự án khi chậm tiến dộ, , ông Quang cho hay, do chưa có thống kê, báo cáo của cơ quan liên quan nên chưa thể trả lời.

Tuyến xe buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội chạy theo lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã.

Chiều dài tuyến là 14,7 km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho xe buýt khoảng 3,75 m. Trên tuyến có 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách.

Dự án được khởi công năm 2013, tổng mức đầu tư hơn 55 triệu USD tương đương hơn 1.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, tuyến buýt nhanh sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 2/2015. Thế nhưng, hàng loạt nhà chờ tuyến xe buýt này đã xong, nhưng chưa có xe buýt nhanh để sử dụng.

Tuyen xe buyt nhanh o Ha Noi anh 2
Tuyến xe buýt nhanh BRT Hà Nội sẽ hoạt động vào tháng 6/2016.

Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, hiện mạng lưới xe buýt của Thủ đô gồm 92 tuyến. Trong đó có 72 tuyến buýt có trợ giá, 12 tuyến không trợ giá và 8 tuyến buýt kế cận. Xe buýt vận hành trên 11.272 lượt/ngày, vận chuyển 1,17 triệu lượt khách/ngày.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, các tuyến xe buýt của thủ đô đã vận chuyển 177,5 triệu lượt hành khách.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2016, công an đã bắt giữ 11 vụ với 11 đối tượng trộm cắp, móc túi trên xe buýt và tại các điểm dừng xe buýt. Ngoài ra, các tổ công tác phối hợp đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ với 2 đối tượng có hành vi quấy rối, sàm sỡ hành khách đi xe, bước đầu tạo sự an tâm và môi trường an toàn cho hành khách đi xe buýt.

Trong thời gian này, công ty tiếp nhận qua đường dây nóng 31.730 cuộc gọi của người dân. Người dân gọi đến phản ánh về dịch vụ chiếm 92%, thông tin phản án, góp ý chiếm 1,7%, thông tin khác 6%.

Mái nhà chờ xe buýt '5 sao' tàn tạ khi chưa sử dụng

Hàng loạt nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) ở Hà Nội đã sớm bị hoen rỉ, bong tróc viền mái trong khi vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

 

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm