Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà chờ xe buýt hiện đại thành nơi ngủ nghỉ, phủ bụi

Được đầu tư xây dựng công phu, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng hàng loạt nhà chờ xe buýt BRT ở Hà Nội đã sớm hoen gỉ, bụi bẩn trong khi còn rất lâu mới đưa vào sử dụng.

Nhà chờ xe buýt nhanh đoạn Bến xe Yên Nghĩa là một trong nhiều nhà chờ xe buýt hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế ở Hà Nội (tuyến BRT) được khởi công xây dựng từ tháng 3/2014, đã hoàn thành gần một năm nay, đang bị bụi bẩn bao phủ hàng ngày. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội thực hiện, tổng đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng (49 triệu USD).
Nhà chờ xe buýt nhanh trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông). Dự án được xây dựng theo tuyến Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - bến xe Yên Nghĩa, gồm 3 loại với quy mô diện tích 129 m2, 113 m2 và 99 m2.

Nhà chờ xe buýt nhanh trên đường Tố Hữu. Tất cả đều nằm ở giữa giải phân cách trên các tuyến đường, dành cho tuyến BRT.
Hầu hết các nhà chờ đều bị phủ bụi, nhếch nhác. Trong quá trình thi công và hoàn thành, các công trình này sau đó đều không được rào chắn, bảo vệ công trình, người trông coi cũng không có.
Một số nhà chờ nằm trên đường Lê Văn Lương, Láng Hạ treo biển cấm vào để phòng ngừa những người nghiện hút, tiêm chích sử dụng.

Biển cảnh báo chỉ để làm cảnh, hầu hết các cửa đều mở.
Với mật độ bụi dày đặc hàng ngày ở nội đô, nhiều người đi qua nhìn thấy phải băn khoăn liệu đến khi đưa vào sử dụng nó có quá cũ hay không.
Nhà chờ trên đường Tố Hữu, một số người "nhảy dù" vào ngủ nghỉ, tập kết máy móc, vật liệu xây dựng.
Cảnh phơi quần, vắt khăn trông như một nhà trọ tại nhà chờ đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông).
Góc nhà chờ, nơi sẽ trang bị máy bán vé, máy quét thẻ, soát vé tự động trông rất nhếch nhác.
Phía bên ngoài một số nhà chờ cùng trong cảnh gạch lát bị bong tróc, xơi tung lên.
Những dấu hiếu khung sắt bị hoen rỉ như thế này xuất hiện ở nhiều vị trí.
Một số điểm nối giữa đường bê tông và nhà chờ xây dựng dang dở trở thành "bẫy" cho người đi đường.

Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, nhà chờ xe buýt nhanh đã hoàn thiện từ lâu. Tuy nhiên vẫn còn một số nhà chờ đang thực hiện thi công. Dự kiến quý I năm 2016 sẽ đưa vào khai thác sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

"Vấn đề nhà chờ chưa đưa vào sử dụng đã bị han gỉ, xuống cấp và có một số người dân sinh sống bên trong làm ảnh hưởng công trình, chúng tôi sẽ cho người đi kiểm tra và xử lý trong thời gian ngắn nhất”, ông Tuấn khẳng định.

Hà Nội BRT là dự án do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội thực hiện. Nhà chờ được thiết kế với đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế, bề rộng 5 m và tổng diện tích gồm 3 loại là 129 m2, 113 m2 và 99 m2. Khung mái được xây dựng bằng kết cấu thép, ốp vách kính cường lực, rộng rãi sạch sẽ, đáp ứng được lưu lượng khách lớn, đường vào có độ dốc hợp lý cho người khuyết tật và đi xe lăn có thể tham gia.

Nhà chờ được trang bị máy bán vé, máy quẹt thẻ/soát vé tự động, cũng như quầy hỗ trợ khách hàng có nhân viên trực tại chỗ. Cửa từ nhà chờ bước lên xe buýt là hệ thống kính trượt đóng mở tự động. Chỉ khi xe buýt cập bến cửa trượt mới tự động mở để giữ an toàn và tạo thói quen xếp hàng trật tự khi vào xe.

Hanoi BRT có mức đầu tư khoảng 55 triệu USD, dự kiến đưa vào sử dụng quý 2 năm 2015 nhưng không thành. Đây là mô hình hiện đại, thay thế phần nào tuyến xe buýt trước đây về mặt an toàn khi xe vào bến, tốc độ cao và phù hợp với sự phát triển của giao thông đô thị.

Lê Hiếu

Bạn có thể quan tâm