Mới đây, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đã công bố danh sách 27 tuyển thủ Việt Nam đi Tây Á chuẩn bị cho trận gặp Trung Quốc và Oman tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á vào tháng 10. Danh sách này có 4 thay đổi so với lực lượng đi Tây Á gặp Saudi Arabia hồi tháng 9.
Điểm thú vị là cả 4 thay đổi ấy đều mang tính tình thế. Trần Nguyên Mạnh, Lý Công Hoàng Anh có tên vì Đặng Văn Lâm, Trần Minh Vương chấn thương dài hạn. Bùi Tiến Dũng bình phục nên cũng xuất trận. Công Phượng là sự có mặt mới duy nhất không liên quan tới chấn thương. Anh vắng mặt hồi tháng 9 do bận việc gia đình.
Hạn chế nguồn cung nhân sự
4 cái tên mới của tuyển Việt Nam không xuất hiện bởi nhu cầu đổi mới của đội tuyển. Người này lên tuyển vì chấn thương của đồng đội, người kia trở lại vị trí mà họ vốn thuộc về. Phần còn lại của đội tuyển vẫn giữ nguyên. Số lượng, nhóm trụ cột gần như không đổi.
Lý do khách quan khiến tuyển Việt Nam có muốn cũng chẳng thể tự làm mới mình là sự thiếu vắng V.League. Tháng 10 là gần nửa năm, hệ thống bóng đá nội dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều đó khiến HLV Park Hang-seo không còn nhiều phương tiện để tìm kiếm của những nhân tố mới. Ông buộc phải dựa vào các buổi tập cùng những trận đấu tập của tuyển Việt Nam và U22 ở VFF để quyết định danh sách đội tuyển.
Các buổi tập ấy có vài chục cầu thủ. Màn trình diễn của từng tuyển thủ, cơ hội tìm kiếm tài năng mới của ban huấn luyện đều bị hạn chế. Nó không thể so sánh được với 7 trận đấu mỗi vòng V.League với sự tham gia của cả trăm cầu thủ mỗi tuần.
Cũng bởi thế, lực lượng tuyển Việt Nam bị bó hẹp trong một số lựa chọn nhất định. HLV trưởng tuyển Việt Nam đã cố gắng thay đổi điều đó khi triệu tập nhiều cầu thủ hơn, cấy một số tân binh vào tập cùng U22. Nhưng việc Trần Đình Kha bị trả về là bằng chứng cho thấy giải pháp này chưa mang lại hiệu quả.
Thiếu thực chiến, không có trận giao hữu quốc tế
Vấn đề thứ hai của tuyển Việt Nam khi không còn V.League là cầu thủ mất cảm giác thực chiến do ít được thi đấu. Giải pháp khả dĩ nhất cho đội tuyển lúc này là tìm kiếm các trận giao hữu.
Đó cũng là phương án mà tuyển futsal Việt Nam lựa chọn. Trước khi dự World Cup, thầy trò HLV Phạm Minh Giang từng ở vào tình cảnh tương tự tuyển bóng đá. Nhưng hàng loạt trận giao hữu tại Tây Ban Nha đã giúp đội tuyển cải thiện trình độ đáng kể. Trưởng đoàn Trần Anh Tú từng chia sẻ dù liên tục thất bại ở giai đoạn giao hữu, chính những trận đấu đó đã giải phóng sức ỳ của đội futsal, mở ra kỳ World Cup thành công nhất lịch sử.
Nhiều người sẽ thắc mắc: Tại sao tuyển futsal Việt Nam tìm được đối thủ giao hữu quốc tế, còn tuyển bóng đá thì không?
Khác biệt nằm ở khâu hậu cần. Đoàn tuyển futsal chỉ có trên 20 người, đoàn tuyển bóng đá có trên 40 người. Tuyển futsal đi theo lộ trình một lượt, tập huấn, thi đấu rồi trở về nước. Tuyển bóng đá thì khác. Từ tháng 6 tới tháng 3/2022, tuyển bóng đá sẽ liên tục di chuyển ra nước ngoài rồi lại trở về Việt Nam.
Nhân sự đông hơn, kinh phí lớn hơn, lịch trình di chuyển phức tạp hơn cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến VFF gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối thủ giao hữu cho tuyển Việt Nam. Trước trận gặp Trung Quốc và Oman, thầy trò ông Park buộc phải hài lòng với những buổi đá tập cùng đội U22.
Muốn biết khó khăn trong việc tìm đối thủ giao hữu lớn thế nào, chúng ta hãy nhìn tuyển Trung Quốc. Đội bóng hàng xóm tới UAE trước ngày thi đấu gần một tháng nhưng cũng chỉ sắp xếp được một trận giao hữu với Syria.
Hai vấn đề trên không chỉ là khó khăn của tuyển Việt Nam trước Trung Quốc. Đó là khó khăn trong cả 10 trận tại vòng loại thứ ba.
Còn với các đối thủ, giải quốc nội Saudi Arabia, Nhật Bản, Trung Quốc đều tổ chức bình thường, A.League của Australia chuẩn bị bắt đầu mùa mới. Việt Nam và Oman đang có hệ thống bóng đá quốc nội bị dừng lại.
VFF và HLV Park hiểu rõ việc V.League dừng lại sẽ ảnh hưởng thế nào tới tuyển quốc gia. Họ đã cố gắng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bằng những đợt tập trung dài. Nhưng đó rõ ràng chỉ là biện pháp tình thế. Không tình cờ khi 2 năm đỉnh cao của tuyển Việt Nam (2018 và 2019) cũng là 2 năm thành công của bóng đá Việt ở cấp CLB.
Mùa 2018, CLB Hà Nội đăng quang với số điểm kỷ lục cùng dấu ấn đậm nét của lứa cầu thủ Thường Châu. Mùa 2019, hai đại diện Việt Nam tiến sâu tại AFC Cup và suýt có mặt ở trận tranh danh hiệu.
Nếu V.League vẫn còn, thiếu những trận giao hữu sẽ phải vấn đề lớn, bởi cầu thủ đã có nhiều trải nghiệm thực chiến. Còn V.League, các tuyển thủ không lo mất phong độ vì luôn được chơi 5-6 trận mỗi tháng. Còn V.League, ông Park không sợ chấn thương vì luôn có nguồn bổ sung từ 14 CLB ở phía sau. Đó là chưa nói tới những yếu tố vô hình như cảm hứng thi đấu, khao khát chiến thắng.
So với các đối thủ ở vòng loại World Cup, mất V.League là hạn chế đáng kể ngăn cản tham vọng của tuyển Việt Nam.
Tuyển Việt Nam đi UAE, chuẩn bị đấu Trung Quốc và Oman
Rạng sáng 1/10, tuyển Việt Nam rời sân bay Nội Bài đi UAE để chuẩn bị cho các trận gặp Trung Quốc và Oman tại vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Tuyển Việt Nam loại 6 cầu thủ trước khi đi UAE
Trọng Đại, Văn Thiết, Minh Vương vắng mặt trong danh sách 27 tuyển thủ Việt Nam đi UAE, chuẩn bị cho trận gặp Trung Quốc và Oman vào tháng 10.
VFF sẽ gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo
Hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với nhà cầm quân người Hàn Quốc nhiều khả năng tự động gia hạn thêm một năm.