Đã lâu rồi đội tuyển Việt Nam mới tạo nên một chiến thắng mãn nhãn đến thế trong trận đấu tại SVĐ Bishan trước đối thủ trực tiếp tại bảng B là Malaysia. Một trận đấu mà nhà đương kim vô địch AFF Cup đã khẳng định được vị thế của mình bằng một lối chơi giàu tốc độ và đầy quyết liệt trên phạm vi sân đối thủ.
Gây áp lực ngay trên sân đối phương
Cùng với những sự trở lại của Quế Ngọc Hải và Nguyễn Quang Hải trong đội hình xuất phát, ĐT Việt Nam cũng có sự thay đổi đáng chú ý trên hàng tấn công khi tiền đạo Nguyễn Tiến Linh không được sử dụng từ đầu. Công Phượng chơi cao nhất trên hàng công bên cạnh Phan Văn Đức – hai cầu thủ có sự quyết liệt ở các tình huống gây áp lực.
Tuyển Việt Nam thể hiện bản lĩnh vượt trội trước Malaysia. Ảnh: Getty. |
Bên cạnh đó, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh – một mẫu cầu thủ mạnh trong các tình huống bao quát ở khu vực trung lộ, có trận đấu đầu tiên trong sự nghiệp tại AFF Cup.
Trạng thái thi đấu của Malaysia có lẽ là một phần nguyên nhân cho những phương án chiến thuật của ban huấn luyện ĐT Việt Nam. Đội bóng của HLV Tan Cheng-Hoe giữ nguyên đội hình xuất phát so với trận đấu chỉ 3 ngày trước. Một đội hình có phần chắp vá, khi xuất hiện tới 3 cầu thủ sinh sau năm 2000 là tiền vệ trung tâm Mukkhairi Ajmal, tiền vệ cánh Arif Aiman và tiền đạo Luqman Hakim.
Trong bối cảnh có những ưu thế nhất định trước đối thủ về cả bản lĩnh thi đấu và trạng thái thi đấu của các cầu thủ, HLV Park Hang-seo yêu cầu các học trò đẩy cao gây áp lực ngay ở khu vực sân đối thủ.
Việt Nam dâng cao đội hình gây áp lực trên phần sân Malaysia ngay từ những phút đầu. |
Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với những gì vẫn diễn ra trong các cuộc đối đầu trước đó giữa hai đội. Gần nhất, trong trận đấu hồi tháng 6 giữa ĐT Việt Nam và Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, đội bóng áo đỏ khi ấy nhập trận với một định hướng phòng ngự quen thuộc, duy trì khối đội hình ở khu vực 1/3 giữa sân.
Trong trận đấu tại UAE, Việt Nam chủ động phòng ngự ở khu vực 1/3 giữa sân, và nhường quyền kiểm soát bóng cho Malaysia. |
Bên phía Malaysia, việc sử dụng tiền đạo chỉ có chiều cao 1,7 m như Luqman dường như là một phần nguyên nhân khiến họ tỏ ra kiên định với những tình huống triển khai bóng từ phần sân nhà. Tuy nhiên, những yếu tố giúp các cầu thủ Malaysia có thể thoát khỏi áp lực của đối phương như sức rướn, khả năng tranh chấp, tốc độ đoạn ngắn đều tỏ ra thua thiệt.
Các tiền vệ Malaysia cố gắng kiểm soát bóng, nhưng thường thua về khả năng tranh chấp khi Việt Nam đẩy cao áp lực. |
Việt Nam đẩy các tiền vệ Malaysia vào tư thế chuyền bóng bất lợi. |
ĐT Việt Nam, với sự sẵn sàng hơn trong trạng thái thi đấu, dễ dàng tạo ra các tình huống đoạt bóng ngay trên phần sân đối phương. Một hình ảnh mới lạ dưới thời HLV Park Hang-seo, nhưng đó dường như là một lựa chọn hợp lý của ban huấn luyện ĐT Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta hoàn toàn có lợi thế về nhân sự cũng như thể lực.
3 tiền đạo, 2 tiền vệ trung tâm cùng các tiền vệ biên sẵn sàng tạo áp lực ở biên một cách đồng bộ. |
Lựa chọn ấy khiến sự bùng nổ trên hàng công của những cá nhân như Safawi Rasid bị hạn chế gần như tối đa. Malaysia không thể thực hiện bất cứ pha dứt điểm nào trong 30 phút đầu tiên của trận đấu. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, khả năng gây áp lực tầm cao lại phát huy giá trị lớn của mình khi đóng vai trò là một “chân kiến tạo” đầy bất ngờ với ĐT Việt Nam.
Đoạt bóng ở phạm vi gần với khung thành đối phương hơn, cũng có nghĩa rằng ĐT Việt Nam có cơ hội tấn công rõ rệt hơn.
“Chân kiến tạo” áp lực tầm cao
Những tình huống phản công của ĐT Việt Nam vẫn là thứ khiến đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe gặp vất vả trong những lần đối đầu trước đây. Trận đấu tại Bishan tiếp tục cho thấy hình ảnh ấy, nhưng theo một cách rất khác.
Cả 3 bàn thắng mà Quang Hải, Công Phượng và Hoàng Đức tạo nên đều đến chỉ chưa đầy 10 giây sau khi các học trò của HLV Park Hang-seo đoạt lại bóng từ chân đối thủ. Đặc biệt ở hai pha làm bàn trong hiệp thi đấu thứ nhất, ĐT Việt Nam đều đoạt lại bóng ngay trên phần sân của đối phương, rồi ngay lập tức hướng bóng lên phía trước ở một nhịp độ cao.
Minh họa các bàn thắng của Việt Nam trước Malaysia: bóng được đưa vào lưới chỉ trong chưa đầy 10 giây kể từ thời điểm Việt Nam đoạt lại bóng. |
Sự vượt trội về trạng thái thi đấu là điều có thể thấy rõ ở cả 3 bàn thắng. Tiền vệ Tuấn Anh có một tình huống lao lên ấn tượng và thể hiện sức rướn tốt trong tình huống kiến tạo cho Quang Hải, trong khi Công Phượng có những nhịp xử lý bóng loại bỏ hoàn toàn trung vệ Sharul Saad để dứt điểm trong tư thế thoải mái, còn Hoàng Đức tạo ra một tổ hợp xử lý bóng đặc trưng của mình với khả năng dẫn bóng trước khi thực hiện cú dứt điểm.
Hồng Duy cắt đường chuyền của đối thủ, Tuấn Anh hỗ trợ. |
Tuấn Anh lao lên phía trước trong định hướng tấn công nhanh của Việt Nam. |
Những bàn thắng cho thấy tính liên kết hợp lý từ những cá nhân được sử dụng của HLV Park Hang-seo. Khả năng xử lý bóng nhanh và dứt khoát của Quang Hải, những tình huống đi bóng có sức mạnh của Công Phượng, hay điểm nhấn đến từ việc Tuấn Anh chơi bao quát và đoạt bóng một cách hiệu quả.
Tuấn Anh thu hồi lại bóng, ngay lập tức hướng lên phía trước. Pha phối hợp ít chạm giữa Tuấn Anh – Quang Hải – Công Phượng. |
Pha cắt bóng của Tuấn Anh mở ra tình huống ghi bàn của Hoàng Đức. |
Trong lần đầu tiên ra sân tại đấu trường AFF Cup, tiền vệ trung tâm sinh năm 1995 đã có một trong những màn thể hiện ấn tượng nhất tại ĐTQG. Thế trận trên phần sân đối phương giúp Tuấn Anh không chỉ phát huy khả năng hoạt động rộng của cầu thủ này, mà còn khiến những pha băng lên phía trước được sử dụng hiệu quả hơn.
Tuấn Anh thường xuyên có mặt ở các khu vực gây áp lực và là người thu hồi lại bóng cho Việt Nam. |
Trên tất cả, những sự tỏa sáng mang tính đột biến từ các cá nhân ấy được thực hiện trên nền tảng một phương án tiếp cận trận đấu đúng và hợp lý đến từ HLV Park Hang-seo.
Tuấn Anh, Quang Hải, Công Phượng hay Hoàng Đức đều chơi ấn tượng, nhưng có thể khẳng định, yếu tố kiến tạo nên những cơ hội cho ĐT Việt Nam đến từ chính quyết định yêu cầu các học trò gây áp lực ngay trên phần sân đối thủ của chiến lược gia người Hàn Quốc.
Có thể thấy rõ ý đồ muốn đẩy cao cường độ trận đấu của ĐT Việt Nam, không chỉ ở các tình huống chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công, mà ở cả những pha bóng chủ động triển khai bóng.
Trong bối cảnh Malaysia duy trì hệ thống phòng ngự ở khu vực 1/3 giữa sân, ĐT Việt Nam liên tiếp thực hiện các tình huống tấn công nhanh bằng các đường chuyền dài ra sau lưng hàng thủ đối phương, với mục đích tiếp cận khung thành nhanh nhất có thể. Sự cơ động trong cách di chuyển của cả Công Phượng và Văn Đức, cùng sự tự do trong cách hoạt động của Quang Hải khiến Malaysia gặp nhiều vất vả để chống đỡ.
Với Văn Đức và Công Phượng, Việt Nam chủ động thực hiện các đường bóng ra sau lưng hàng hậu vệ đối phương ở trạng thái kiểm soát bóng. |
Tình huống di chuyển của Công Phượng khiến đội trưởng Aidil Zufuan của Malaysia gặp chấn thương. |
Chấn thương của cặp đôi trung vệ trụ cột của Malaysia là đội trưởng Aidil Zafuan và Sharul Saad không chỉ đến từ sự tích lũy mệt mỏi của cặp đôi này, mà còn trong bối cảnh Công Phượng, Văn Đức hay Văn Toàn liên tiếp tạo ra những pha bóng tăng tốc, buộc các trung vệ đối thủ phải kiểm soát khu vực sau lưng.
Tuyển Việt Nam có thêm phương án chiến thuật
Ở một giải đấu mà vị thế của ĐT Việt Nam đã hoàn toàn khác so với hai năm về trước, những tính toán về các phương án tiếp cận trận đấu mới mẻ của HLV Park Hang-seo là hợp lý. Chiến thắng đầy thuyết phục trước Malaysia là một trận đấu đáng khen ngợi dành cho ban huấn luyện ĐT Việt Nam, với một định hướng chơi chủ động và hiếm thấy từ vị chiến lược gia người Hàn Quốc.
Trong tay ông Park vẫn có những cá nhân thích hợp cho những chiến thuật đa dạng khác nhau, điều ít nhiều đã được thể hiện qua hai trận đấu đầu tiên. Xuân Trường hay Tấn Tài đã chơi tốt trong trận đấu cần khả năng kiểm soát bóng và xuyên phá trước ĐT Lào, trong khi tốc độ của Văn Toàn là điều giá trị khi ĐT Việt Nam cần duy trì một hàng phòng ngự chặt chẽ ở phần sân nhà và chờ đợi các tình huống phản công.
Văn Toàn có mặt trên sân và ngay lập tức cho thấy điểm mạnh ở khả năng tăng tốc với bóng. |
Thói quen thay đổi nhân sự qua từng trận đấu của ĐT Việt Nam là điều đã được thể hiện, và mang lại hiệu quả lớn trong chiến dịch lên ngôi tại AFF Cup 2018. Thói quen ấy đang manh nha tiếp tục trong hành trình tại Singapore, nơi giá trị của trạng thái thi đấu, sự sẵn sàng về thể chất ít nhiều đang chứng minh được giá trị với nhà đương kim vô địch.
Hy vọng, chiến thắng trước Malaysia sẽ là tín hiệu tích cực cho những tính toán nhân sự và chiến thuật tiếp theo của HLV Park Hang-seo, để hướng đến việc tạo ra những màn thể hiện thuyết phục như những gì đã làm được trên sân Bishan tối qua.