Tuyển Việt Nam đã tung ra sân đội hình với nhiều trụ cột, dấu hiệu cho thấy mục tiêu kết thúc vòng bảng với ngôi vị dẫn đầu của HLV Park. Chiến lược gia người Hàn Quốc thậm chí xếp Hoàng Đức đá tiền vệ trụ và đưa vào sân 4 cầu thủ tấn công quen thuộc gồm Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng và Tiến Linh. Ở hành lang phải, hậu vệ có xu hướng tấn công Hồ Tấn Tài cũng được sử dụng ngay từ đầu.
Những bàn thua điển hình của tuyển Campuchia
Bên phía Campuchia, đội bóng của HLV Keisuke Honda vẫn tung những cầu thủ có thể xem là tốt nhất vào sân. Đúng với những gì đã tuyên bố trước trận, Campuchia tiếp tục duy trì lối chơi của mình ở cả 3 trận trước đó. Họ muốn kiểm soát bóng bằng việc gây áp lực tầm cao và tự tin triển khai bóng ở mọi khu vực sân.
Tuyển Việt Nam thắng nhưng không đủ hiệu số để đứng đầu bảng. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, kịch bản tương tự trong những cuộc đối đầu với Malaysia và Indonesia tiếp tục xuất hiện với đội bóng này. Tâm thế tiếp cận các trận đấu với tư tưởng hoàn thiện phong cách chơi bóng chứ không phải hướng đến kết quả khiến Campuchia nhận những bàn thua không khác là bao so với chính họ.
Đội bóng của ông Honda thua thiệt đối thủ trong những tình huống tranh chấp và để lộ ra khoảng trống sau lưng khi dâng cao đội hình. Họ thiếu sự chính xác và kỹ thuật cá nhân ở các đường chuyền từ sân nhà. Trong khi đó, các cầu thủ cũng không có nền tảng sức mạnh ngang bằng đối thủ trong các tình huống phòng ngự cá nhân.
Không chỉ 4 bàn thắng mà không ít những cơ hội nguy hiểm của ĐT Việt Nam đến từ những tình huống tự tin có phần ngây thơ của đối phương.
Ở bàn thua thứ nhất, ĐT Việt Nam dễ dàng loại bỏ áp lực tầm cao của Campuchia trước khi Quang Hải nhận bóng ở khoảng trống và kiến tạo cho Tiến Linh.
Các tiền vệ Việt Nam dễ dàng tìm được các phương án chuyền bóng ra sau lưng hàng tiền vệ của Campuchia. |
Tình huống tấn công nhanh đặc trưng của các cầu thủ Việt Nam. |
Còn pha lập công thứ hai của tiền đạo đang chơi cho CLB Bình Dương đến sau tình huống ĐT Việt Nam đẩy cao áp lực và khiến Campuchia mắc những sai sót trong khả năng triển khai bóng ở phần sân nhà.
ĐT Việt Nam gây áp lực với 3 tiền vệ và 2 tiền đạo. Hoàng Đức dễ dàng đoạt bóng trên phần sân đối phương. |
Khoảng trống mở ra cho Tiến Linh khi Campuchia để mất bóng trên sân nhà. |
Hai bàn thắng ở hiệp hai cũng có những nét tương đồng, Bùi Tiến Dũng thắng hậu vệ đối thủ trong pha tranh chấp bóng bổng xuất phát từ tình huống phạt góc trong khi Quang Hải ghi bàn sau một sai lầm cá nhân khác từ khâu triển khai bóng ở sân nhà của Campuchia.
Vượt trội ở khả năng tranh chấp của Tiến Dũng. |
Hoàng Đức có thêm một lần đoạt bóng trên phần sân đối phương. |
Bàn của Quang Hải cũng là lần thứ hai Hoàng Đức kiến tạo cho đồng đội sau khi đoạt lại quyền kiểm soát bóng. |
Với tâm lý thi đấu của Campuchia, việc họ nhập cuộc mà không quá quan tâm đến kết quả trận đấu đã tạo ra một thế trận dễ chịu cho ĐT Việt Nam xét trên cục diện bảng B.
Việt Nam thắng nhưng chưa đủ hay?
Xét về tỷ số, nhà đương kim vô địch đã có một chiến thắng đậm. Nhưng thật trớ trêu khi chiến thắng ấy không thể giúp các cầu thủ và ban huấn luyện có những biểu cảm hài lòng khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Thắng lợi 4-1 của Indonesia trước Malaysia khiến Việt Nam không thể giành ngôi nhất bảng B. Đó là trận đấu mà đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Shin Tae-yong đã thể hiện cực kỳ quyết tâm.
Thực tế những gì diễn ra trên sân Bishan đã không cho thấy một màn trình diễn trọn vẹn của các cầu thủ áo đỏ.
Không khó để nhận thấy Campuchia dễ mắc sai lầm thế nào khi phải đối mặt với những áp lực từ đối thủ. Những bàn thua liên tiếp của họ trong quãng thời gian đầu mỗi hiệp đấu là minh chứng rõ rệt nhất. Tuy nhiên sau khi có được bàn thắng ở các thời điểm đó, ĐT Việt Nam dường như hài lòng với một thế trận phòng ngự ở phần sân nhà và không còn quá mặn mà với việc dâng cao gây áp lực, buộc đối thủ mắc lỗi và tiếp tục tạo ra cơ hội tấn công rõ rệt.
Xu hướng thiết lập khối đội hình phòng ngự ở khu vực giữa sân của ĐT Việt Nam sau bàn thắng thứ hai. |
Ngay sau bàn thắng thứ 4, ĐT Việt Nam cũng tỏ ra không mặn mà gây áp lực trên phần sân đối phương. |
Đáng chú ý hơn, HLV Park Hang-seo cũng có những điều chỉnh dường như hướng đến một thế trận chủ động lùi đội hình về phần sân nhà trước Campuchia. Ông thay đổi cấu trúc phòng ngự từ 3-5-2 ở những phút đầu, sang 5-4-1 ở thời điểm nửa sau của hiệp thi đấu thứ nhất. Hệ thống 5-4-1 có cặp tiền vệ trung tâm là Hoàng Đức và Quang Hải.
Sự điều chỉnh của HLV Park Hang-seo ngay từ hiệp 1 khi ĐT Việt Nam chuyển sang phòng ngự với sơ đồ 5-4-1 quen thuộc. |
Để Campuchia có được sự thoải mái khi kiểm soát bóng ở khu vực 1/3 cuối sân, ĐT Việt Nam thậm chí còn phải nhận những tình huống tấn công đáng khen ngợi của đối phương. Nhiều tình huống triển khai bóng của họ đã khai thác vào khoảng trống ở hàng thủ của chúng ta.
Khi không gặp phải áp lực trên phần sân nhà, Campuchia tự tin có những tình huống phối hợp nhóm và di chuyển người thứ ba. |
Không ít lần Campuchia đưa được bóng đến 1/3 cuối sân bằng các pha phối hợp cự ly ngắn. |
Campuchia tự tin kiểm soát bóng ở phạm vi 1/3 cuối sân và tạo cơ hội xâm nhập vùng cấm. |
Trận đấu với Campuchia cũng chính là trận duy nhất trong khuôn khổ vòng bảng, ĐT Việt Nam kiểm soát bóng dưới 50% và cũng là trận đầu tiên ĐT Việt Nam đối mặt với một đối thủ có triết lý kiểm soát bóng, triển khai bóng ở tốc độ trung bình dựa trên khả năng liên kết và áp đảo quân số ở các khu vực sân nhất định.
Đã có những thời điểm, sức ép ngay sau khi để mất bóng của ĐT Campuchia khiến cầu thủ Việt Nam lúng túng trong các quyết định xử lý.
Việc gây áp lực ngay khi để mất bóng của Campuchia cũng có thời điểm khiến cầu thủ Việt Nam gặp lúng túng. |
Sự thiếu nhất quán về tâm lý thi đấu là điều đã manh nha xuất hiện khi cả hai trận đấu của bảng B có những diễn biến thay đổi liên tiếp. Khi Indonesia áp đảo Malaysia trên SVĐ quốc gia Singapore và cụ thể hoá bằng tỉ số 4-1 trong hiệp thi đấu thứ hai, ĐT Việt Nam cho thấy dấu hiệu muốn ghi bàn và vượt qua đối thủ về thứ hạng.
Tuy nhiên, những nỗ lực trong khoảng thời gian 15 phút cuối trận của Quang Hải, Văn Toàn hay Tấn Tài đều không được cụ thể hoá bằng bàn thắng ở thời điểm mà không chỉ trạng thái tâm lý bị ảnh hưởng mà trạng thái thể lực cũng không còn cho phép cầu thủ đưa ra quyết định hợp lý nhất.
Những quyết định xử lý cuối cùng khi đẩy cao tấn công của ĐT Việt Nam đều chưa hợp lý. |
Trong một trận đấu mà những cầu thủ quan trọng như Quang Hải, Tiến Linh, Văn Thanh, Duy Mạnh, Ngọc Hải đã chơi gần như trọn vẹn số phút, ĐT Việt Nam sẽ bước vào cuộc đối đầu với đối thủ đáng gờm Thái Lan cùng những bất lợi nhất định trong quá trình hồi phục thể lực. Một ngày trước đó, đội bóng của HLV Mano Polking kết thúc vòng đấu bảng với điểm số tối đa dù đội hình gồm 11 cầu thủ dự bị.
Thử thách trước Thái Lan
Hai trận bán kết trước một Thái Lan đã thể hiện sức mạnh vượt trội tại bảng A sẽ là thử thách không hề dễ dàng cho các cầu thủ của chúng ta. Dù khẳng định ĐT Việt Nam không quá quan trọng về đối thủ tại bán kết, nhưng trận cuối cùng tại Bishan có thể sẽ khiến HLV Park Hang-seo đối mặt với một bài toán chiến thuật không đơn giản.
Ở góc độ phong cách, lối chơi của Campuchia và Thái Lan có những nét tương đồng dù khác biệt về đẳng cấp cá nhân và sự linh hoạt vị trí giữa hai bên là rất lớn..
Thái Lan nhiều khả năng cũng sẽ mang đến một lối chơi kiểm soát bóng, triển khai ở tốc độ trung bình và tiếp cận vùng cấm bằng các tình huống di chuyển phối hợp nhóm nhuần nhuyễn như cái cách đội bóng của HLV Honda đã thực hiện. Với sơ đồ 4-4-2 kim cương cùng phong độ ấn tượng của những Teerasil Dangda hay Theerathon Bunmathan, đội bóng của HLV Polking sẽ không ngần ngại tạo ra sự áp đặt trên phần sân của Việt Nam.
Thái Lan cho thấy khả năng kiểm soát bóng, áp đặt thế trận bằng áp đảo quân số với các tiền vệ chơi cơ động. |
Sự linh hoạt trong phạm vi chơi bóng của Theerathon đang trở thành vũ khí lợi hại của Thái Lan. |
Đương nhiên, HLV Park Hang-seo nhiều khả năng sẽ có những thay đổi về nhân sự. Nhưng những dấu hiệu bị khai thác khoảng trống trong hệ thống phòng ngự trước Campuchia sẽ là một dấu hỏi lớn dành cho chiến lược gia người Hàn Quốc trước cách nhập trận đã được dự báo từ trước của Thái Lan.
ĐT Việt Nam nhiều khả năng sẽ quay lại với “vùng an toàn” của mình bằng phong cách chơi phòng ngự - phản công. Câu hỏi đặt ra là: Liệu các cầu thủ của chúng ta có đủ bản lĩnh để tạo ra một thế trận thương hiệu của mình: chắc chắn trong phòng ngự và hiệu quả trong tấn công trước đối thủ đang đầy quyết tâm đoạt lại ngôi vương?