Phân tích
Sự khác biệt giữa chất lượng thi đấu của các cầu thủ Việt Nam so với các cầu thủ Indonesia là rất rõ ràng. Trong quá trình trẻ hóa, HLV Shin Tae-yong không sử dụng bất kỳ một cầu thủ trên 28 tuổi nào. Nếu xét lại các giải đấu trẻ cấp U16, U19, U23 trong khu vực, có thể thấy rõ rằng trình độ của cầu thủ Việt Nam là hơn so với các lứa tương đồng của nước bạn, đặc biệt là với thế hệ 1995-1998.
Thế nên, trận đấu với Indonesia là một cơ hội tốt để ban huấn luyện ĐT Việt Nam trở nên “khó tính”, đòi hỏi cao ở các cầu thủ. Để làm một thế lực thực sự vượt trội trong khu vực – trước khi vươn lên tầm cỡ nhóm dẫn đầu châu Á, Những Chiến binh Sao vàng phải thể hiện được khả năng áp đặt cục diện.
Thế nhưng, vẫn còn những điều mà chúng ta chưa làm tốt, và hẳn ông Park Hang Seo cùng các đồng sự sẽ rèn giũa các cầu thủ nhiều hơn nữa.
Quang Hải cùng đồng đội thắng thuyết phục Indonesia. Ảnh: Y Kiện. |
Hệ thống của ĐT Việt Nam
ĐT Việt Nam tiếp tục ra sân với hệ thống 3 hậu vệ quen thuộc. Trước mặt thủ môn Bùi Tấn Trường là bộ ba trung vệ quen thuộc: Quế Ngọc Hải chính giữa, Bùi Tiến Dũng lệch trái và Đỗ Duy Mạnh lệch phải. Tuy nhiên, khác với một số phân tích đầu trận, đây là trận đấu mà Việt Nam chơi với sơ đồ 3-5-2 chứ không phải 3-4-3.
Cái tên dễ tạo ra sự nhầm lẫn này là Phan Văn Đức. Cầu thủ chủ chốt của CLB Sông Lam Nghệ An chơi trong vai trò tiền vệ lệch trái đối diện với Nguyễn Quang Hải, thay vì tiền đạo lệch trái như một số phân tích trước trận.
Đức và Hải chơi phía trước tiền vệ trụ Nguyễn Tuấn Anh, phục vụ cho bộ đôi Nguyễn Tiến Linh – Nguyễn Văn Toàn trên cùng.
Sơ đồ 3-5-2 của ĐT Việt Nam |
Phan Văn Đức trong vai trò tiền vệ lệch trái |
Dĩ nhiên, xu hướng hoạt động của Văn Đức và Quang Hải là rất khác nhau, có lẽ do phong cách và thói quen cá nhân. Trong khi Quang Hải thường xuyên lùi về để hỗ trợ Tuấn Anh và bộ ba trung vệ luân chuyển bóng, Văn Đức thường chủ động giữ vị trí trên cao và thực hiện các tình huống xâm nhập, di chuyển tấn công khoảng trống nhiều hơn.
Điều này khiến cho Văn Đức trở nên khá nhạt nhòa trong nửa đầu hiệp một, khi Indonesia thể hiện một khối phòng ngự tốt và Việt Nam gặp vấn đề trong hệ thống vị trí.
Vấn đề trong hệ thống của ĐT Việt Nam
Trong hiệp một, khi mà các cầu thủ Indonesia vẫn còn sung sức và tập trung cao độ, họ đã vận hành một hệ thống phòng ngự căn bản và chặt chẽ. Đây có thể xem là dấu ấn của huấn luyện viên.
Hệ thống của Indonesia không quá phức tạp: dựa trên sơ đồ 4-4-2, họ dàn ra 3 hàng ngang trên sân. Hàng ngang thứ nhất là tiền đạo và tiền vệ công. Hàng ngang thứ hai là bốn tiền vệ. Hàng ngang thứ ba là bốn hậu vệ.
Hệ thống phòng ngự 4-4-2 của Indonesia. |
Điểm đáng khen cho Indonesia là từng tuyến đã thể hiện vai trò và chức năng rất rõ ràng.
Trước hết, hai tiền đạo có nhiệm vụ che chắn hướng bóng tới vị trí của Tuấn Anh. Tiền vệ trung tâm của ĐT Việt Nam dù thường xuyên nhận được bóng nhưng thường ở vị trí quá gần với hàng hậu vệ, khi khoảng cách giữa anh với các đồng đội phía trên là rất xa. Điều đó khiến Tuấn Anh bị “giãn cách” với các đồng đội phía trên.
Tuấn Anh thường lùi sâu để thoát khỏi phong tỏa, nhưng lại rơi vào cảnh “giãn cách” |
Tùy theo hướng bóng, các cầu thủ Indonesia sẽ bố trí người kèm cặp tiền vệ lệch bên cùng hướng của Việt Nam bằng một tiền vệ trung tâm. Tiền vệ trung tâm còn lại không theo người mà sẽ thu vào trung lộ để khỏa lấp khoảng trống.
Khi Văn Thanh có bóng, Quang Hải sẽ bị kèm sát. |
Đến đây, vấn đề của ĐT Việt Nam lộ ra: hệ thống vị trí của chúng ta là quá thiếu sức ép, khi các cầu thủ chạy cánh là Vũ Văn Thanh và Nguyễn Phong Hồng Duy thường đứng quá thấp. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề của cá nhân hai cầu thủ này, bởi cả các trung vệ lệch bên như Duy Mạnh và Tiến Dũng cũng ít chủ động mở rộng và liên lạc yêu cầu đồng đội dâng cao.
Hồng Duy và Văn Thanh đã thi đấu giống như hai hậu vệ biên cổ điển, xét về mặt chọn vị trí khi luân chuyển bóng.
Hệ quả là Việt Nam có tới 6 cầu thủ liên tục đứng ở khu vực “an toàn” đối với Indonesia. Việc các cầu thủ của chúng ta luân chuyển bóng qua lại ở vị trí này rất khó để tạo ra nguy hiểm thực sự.
Đây rõ ràng là một vấn đề mà ĐT Việt Nam cần cải thiện trên sân tập. Các hệ thống phòng ngự 4-4-2 là rất phổ biến và chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp lại. Dần tiến lên tâm thế của một đội bóng mạnh, giờ đây thật khó để Việt Nam mãi trông chờ vào những tình huống phản công, nếu gặp các đối thủ cố tình “nhường bóng” một cách ngày càng nhiều hơn.
Các tuyển thủ “giải toán đố”
Đáng khen cho các cầu thủ Việt Nam, họ đã thể hiện được đẳng cấp hơn đối thủ trong việc giải quyết tình huống khó bằng tư duy và kỹ năng của mình. Đây có thể sẽ là gợi ý cho ông Park Hang Seo để rèn giũa các bài tấn công.
Thứ nhất, các trung vệ như Duy Mạnh và thậm chí là Quế Ngọc Hải đã chủ động hơn trong việc hỗ trợ cho Tuấn Anh, bằng cách tự mình dâng lên thực hiện việc đưa bóng về phía trước.
Duy Mạnh nhận bóng từ Tuấn Anh, chia sẻ phần nhiệm vụ điều phối |
Ở vị trí của Duy Mạnh và Tiến Dũng, Indonesia sẽ gặp khó, bởi hệ thống 4-4-2 cổ điển sẽ luôn bối rối trong việc ai sẽ là người phụ trách các trung vệ lệch bên này. Nếu bị áp sát, Mạnh và Dũng sẽ luôn dễ dàng để luân chuyển quả bóng trở lại cho Ngọc Hải – người tự do nhất, do đứng thấp nhất.
Bộ ba trung vệ cùng với Tuấn Anh sẽ luôn tạo ra thế “4 đấu 2” với 2 tiền đạo Indonesia. Hai cầu thủ chạy cánh không cần nhận bóng mà chỉ nên giữ vị trí để kéo giãn đối thủ. Họ sẽ tạo ra được nhiều khoảng trống hơn nữa cho các trung vệ lệch bên nếu họ đứng cao hơn.
Điểm thứ hai ít được nhắc tới bởi các bình luận viên, đó là cách di chuyển rất thông minh của Quang Hải. Tư duy chiến thuật tuyệt hảo của cầu thủ sinh năm 1997 đã được thể hiện khi một số thời điểm anh di chuyển lên rất cao, đứng như một tiền vệ cánh.
Quang Hải di chuyển lên rất cao. |
Hàng tiền vệ của Indonesia bị kéo giãn mạnh do cách vận hành của họ. |
Như đã phân tích, khi bóng lăn sang một hướng, tiền vệ trung tâm ở hướng đó của Indonesia sẽ theo kèm tiền vệ lệch bên của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa rằng, Syahrian Abimanyu thường xuyên bị kéo theo Quang Hải đến một vị trí lạ lẫm, bỏ lại khoảng trống rất lớn ở giữa sân.
Khi đó, một trong hai tiền đạo của Việt Nam có thể dễ dàng giật về và “làm cầu” cho pha phát triển bóng xâm nhập thẳng vào trung lộ.
Đây cũng là điểm mạnh của việc sử dụng Duy Mạnh/Tiến Dũng cho những tình huống này: họ cầm bóng nghĩa là bóng không ở quá xa ngoài biên, mà vẫn có thể được đưa trực tiếp vào trung lộ.
Pha bật nhả đẹp mắt của Tiến Linh - Tuấn Anh đưa bóng tới Văn Đức ở vị trí lợi thế. |
Khi hàng tiền vệ đối thủ đã xộc xệch, khoảng trống trung lộ đã rõ ràng, lúc ấy sẽ dễ dàng để vượt qua đối thủ.
Một ví dụ khác ở phút thứ 24, pha bóng hoàn toàn y hệt thể hiện sự thông minh của Quang Hải giúp Tiến Linh và Văn Đức có khoảng trống:
Quang Hải tiếp tục dâng lên cao, Tiến Linh lùi về khoảng trống Quang Hải để lại, kéo theo tiền vệ Evan Dimas. |
Một lần nữa, Văn Đức được nhận bóng trong khoảng trống đầy lợi thế. |
Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng đây là các pha bóng “giải toán đố” mang tính tình huống, thể hiện sự quái kiệt của Quang Hải, sự nhạy bén cá nhân của Tiến Linh, Duy Mạnh, Tuấn Anh… hơn là bài miếng. Bởi, các pha bóng này không diễn ra một cách ổn định và có ý đồ thường xuyên.
Giữ đôi chân trên mặt đất
Hiệp hai của trận đấu đã chứng kiến sự sụp đổ của Evan Dimas và các đồng đội khi họ xuống sức rõ rệt và không còn duy trì được hệ thống phòng ngự tốt ở hiệp một. Khi ấy, không quá khó hiểu khi họ không thể giữ được mành lưới, khi phải bung sức vào những cuộc đấu không cân sức về trình độ so với cầu thủ Việt Nam, đặc biệt khi họ không còn giữ được sự tập trung sau các bàn thua.
Dù chiến thắng 4-0, rõ ràng HLV Park Hang Seo vẫn có lý do để yêu cầu các cầu thủ giữ đôi chân trên mặt đất.