Bình luận
Lần đầu tiên góp mặt tại vòng loại thứ ba World Cup, cùng với việc là một trong những đội có thứ hạng FIFA thấp nhất, nhưng tuyển Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng trong mắt đối thủ.
Sự tôn trọng từ đối thủ
HLV Herve Renard của Saudi Arabia thực sự ấn tượng với bàn thắng tuyệt đẹp của Nguyễn Quang Hải và thừa nhận đội chủ nhà đã không thể gỡ hòa trong hiệp 1 do cách phòng ngự quyết liệt của tuyển Việt Nam. Dù đội cửa trên vẫn có 3 điểm, đấy không phải trận đấu dễ dàng.
Tương tự như vậy, người Australia thắng tại Mỹ Đình, nhưng thuyền trưởng Graham Arnold cũng đã phải thay đổi khẩu khí của mình. Trước trận, ông tuyên bố Australia sẽ khiến chúng ta “không thể chơi bóng”, nhưng sau khi chật vật rời sân, ông bảo rằng “Việt Nam đã gây ra quá nhiều khó khăn”. Truyền thông xứ Kangaroo còn nhận định Việt Nam mới là đội chơi hay hơn, có nhiều cơ hội hơn và lẽ ra đã phải được hưởng phạt đền.
Australia gặp khó trước các tuyển thủ áo đỏ. Ảnh: Việt Linh. |
Đó là những đánh giá chân thực mà các đối thủ ở nhóm đầu châu lục dành cho đội quân thầy Park. Chúng ta biết mình là đội yếu nhất bảng, và từ tâm thế cầu thị đó, chúng ta chuẩn bị cho từng trận đấu theo những cách khác nhau, nhưng điểm chung là quyết tâm cao nhất.
Nhờ vũ khí tinh thần, ông Park và các học trò đã không để mất thế trận trong những thời khắc bất lợi hoặc sụp đổ mục tiêu. Nhờ kinh nghiệm thu lượm được từ những giải đấu U23 châu Á, Asian Cup, Asiad, và đặc biệt là 2 vòng loại World Cup, chúng ta đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về trình độ với Australia - đang xếp thứ 3 châu Á và Saudi Arabia - thứ 6.
Những bài học nâng tầm
Bây giờ là vòng loại thứ ba giành vé đến Qatar, sân chơi cực đại mà chúng ta lần đầu tiên được dự. Nó là cuộc đua khốc liệt mà Trung Quốc (hạng 71 thế giới, hơn chúng ta 21 bậc) còn bị đánh giá là không có nổi 1% cơ hội, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc đang khó nhọc khởi đầu.
Tuyển Việt Nam hiện diện ở đó đã là thành tích phi thường. Như giới chuyên môn ngầm hiểu với nhau, chúng ta đôi khi phải chấp nhận quên kết quả đi, để “học một sàng khôn”, để thấy mình đã lớn lên thế nào so với chính mình.
Từ khía cạnh đó, có thể tự tin thầy trò ông Park đang tích lũy được những tài sản còn quý hơn điểm số. Chúng ta chỉ qua 2 trận đã được va chạm với 2 trường phái đều ở ngưỡng trên hiếm gặp, đều là những cuộc đấu cam go hết mình, để những bài học rút ra nóng hổi và thực chất.
Saudi Arabia chơi thứ bóng đá đầy kỹ thuật, dựa vào di chuyển linh hoạt và phối hợp đa dạng để kéo giãn mọi hàng phòng ngự. Về cơ bản, Nhật Bản và Oman cũng vận hành tương tự thế.
Australia đại diện cho lối đá thiên về thể lực, lấy tranh chấp giữa sân làm bàn đạp để dội bóng bổng vào vòng cấm. Tuyển Trung Quốc rất giống như vậy, chỉ khác ở trình độ thấp hơn.
Chúng ta không khó để thấy các tuyển thủ Việt Nam đối phó khá tốt với lối chơi sức mạnh, nhưng bị động hơn trước lối chơi kỹ thuật. Ban huấn luyện sẽ có tròn 1 tháng để thích nghi, tìm lời giải cho những đối thủ sau, và qua những lời giải đó, người hâm mộ có thể thấy tuyển Việt Nam rất khác ở tương lai.
Cơ hội để tuyển Việt Nam đối đầu với những đội bóng mạnh. Ảnh: SAFF. |
Giá trị của những ngôi sao
Chúng ta lần đầu tiên góp mặt ở “dải ngân hà” châu Á, một cách lạ lẫm và bỡ ngỡ, nhưng không vì thế mà chìm nghỉm trong ánh sáng của những ngôi sao.
Giữa rừng “sát thủ” Al Dawsari, Al Faraj, Al Muwallad…, Nguyễn Quang Hải vẫn để lại dấu ấn rực rỡ bằng cú sút cháy lưới Saudi Arabia ngay từ phút thứ 3. Bàn thắng khiến đội chủ sân King Saud sửng sốt và phải nhờ đến chiếc thẻ đỏ của Đỗ Duy Mạnh và quả phạt đền để lật ngược thế cờ.
Giữa những người khổng lồ xứ chuột túi Adam Targgat, Ajdin Hrustic, Jackon Irvine…, Nguyễn Hoàng Đức vẫn nổi bật như con thoi khu trung tuyến. Tiền vệ Viettel là mấu chốt mang lại thế trận cân bằng cho tuyển Việt Nam, khi anh cùng lúc gánh cả 3 vai: Thu hồi bóng, thoát pressing và chuyển trạng thái phản công. Nếu Quang Hải tận dụng thành công pha kiến tạo của Hoàng Đức ở phút thứ 7, chưa biết trận đấu sẽ trôi theo hướng nào.
Quang Hải, như cả châu Á đều nhận diện, xứng đáng là gương mặt thương hiệu của tuyển Việt Nam. Nhưng Hoàng Đức mới là sự khẳng định quý giá nhất dành cho ông Park trong những cuộc đấu không cân sức. Từ trụ cột ở đội U23, Đức bây giờ là tiền vệ không thể thay thế trên đội tuyển, và Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Phạm Đức Huy… sẽ phải cạnh tranh suất đá cùng anh.
Hoàng Đức ngày càng trưởng thành. Ảnh: Việt Linh. |
Nốt trầm phong độ và chấn thương
Chỉ tiếc rằng bước vào vòng loại thứ 3 World Cup, tuyển Việt Nam không có được nhiều vị trí “sáng” đúng lúc như Quang Hải hay Hoàng Đức. Bão chấn thương cũng tàn phá đội hình ưa thích của HLV Park Hang-seo.
Ông thầy Hàn Quốc đã chờ rất kiên nhẫn, nhưng không thể mang đến Saudi Arabia Trần Minh Vương, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng - tiền vệ đang lên và hai trụ cột ở hàng phòng ngự. Trong danh sách cuối cùng, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Tiến Linh, Trần Đình Trọng vẫn bất ổn ở các mức độ khác nhau.
Trong cái nóng gần 40 độ C của sa mạc, Tuấn Anh, Tiến Linh, Thành Chung đá chính, còn Đình Trọng bất đắc dĩ phải vào sân 35 phút cuối cùng. Thật khó mà đòi hỏi họ tỏa sáng trong điều kiện thể lực như vậy.
Trở lại Việt Nam chỉ có 4 ngày chuẩn bị cho cuộc đón tiếp Australia, Đình Trọng tái phát chấn thương nghỉ ít nhất 2 tuần. Thầy Park không còn giải pháp thay thế Đỗ Duy Mạnh bị treo giò ngoài việc thúc đẩy Bùi Tiến Dũng hồi phục sớm hơn dự kiến. Thành Chung rách 4 cm cơ đùi vẫn phải đá chính, và kết quả là sau khi bị thay ra, anh tổn thương nghiêm trọng hơn ở đùi còn lại.
Chúng ta hiểu sự trông chờ bất biến mà thầy Park dành cho những quân bài chủ lực. Nhưng cách dụng quân cho thấy ông đang mạo hiểm với tương lai của họ. Trong tay ông Park còn không ít người có khả năng chơi trung vệ như Bùi Hoàng Việt Anh, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Thanh Bình, nhưng thực tế ông đã không đủ niềm tin.
Tấn Tài, Thanh Bình đã được vào sân thay người, nhưng họ chưa đủ thời gian để chứng tỏ có thể làm được những gì. Trong khi đó, Phan Văn Đức không đạt phong độ cao vẫn đá chính cả 3 trận “nặng ký” gần đây, và không để lại bất kỳ dấu ấn nào.
Việc cầu thủ xứ Nghệ được kiên trì sử dụng, cũng giống như cách Tiến Linh luôn ở đội hình xuất phát dù đã bị bắt bài, cho thấy ông Park rất nên cởi mở hơn với các phương án mới. Ông còn tiền đạo Phạm Tuấn Hải có thể chơi độc lập và mạnh mẽ, trong khi Nguyễn Văn Toàn xứng đáng được trao cơ hội vào những thời điểm tích cực hơn.
Dù sao, ông Park cũng không để phí một ngày nào để tìm cách bổ sung lực lượng. Khi các tuyển thủ được nghỉ 1 tuần, ông đang tìm nhân tố mới từ lực lượng U22 và những tuyển thủ từng bị gạt ra ngoài kế hoạch. Nguyễn Công Phượng sẽ trở lại từ 9/9, và bên cạnh anh có thể là các đồng đội đã lành thương.
VAR nhiều lần khiến tuyển Việt Nam ôm hận. Ảnh: Việt Linh. |
Chung sống với VAR
VAR là một phần tất yếu của cuộc chơi, dù VAR đã 2 lần xử lý bất lợi cho tuyển Việt Nam, chúng ta vẫn phải chấp nhận nó và vượt qua những vết gợn tâm lý do nó mang lại. Đó cũng là yếu tố buộc phải thích nghi.
Thầy trò ông Park đang có tỷ số trong mơ, thế trận chủ động phòng ngự trước Saudi Arabia, nhưng tất cả sụp đổ sau khi VAR truất quyền thi đấu của Duy Mạnh kèm theo quả phạt đền. Chúng ta cũng đã tưởng như có 11 m vì cú sút của Nguyễn Phong Hồng Duy chạm tay hậu vệ Australia trong cấm địa, nhưng khi VAR nói không, chỉ ít phút sau, chúng ta thủng lưới từ tình huống mất tập trung.
Đó là dấu hiệu không thể phủ nhận về sự non nớt của đội bóng trông đợi rất nhiều vào những lợi thế tinh thần. Tuyển Việt Nam cần “chai sạn” hơn trước những khó khăn kiểu đó, vì VAR sẽ theo chúng ta suốt cuộc hành trình, can thiệp vào trận đấu ở những thời điểm không ngờ.
Xác định chung sống với VAR để cầu thủ của chúng ta hạn chế những pha xử lý mạo hiểm kiểu bay xoạc trong vòng cấm, hạn chế những tranh cãi, gây hấn không đáng có, hạn chế những tiểu xảo vốn chỉ qua mặt trọng tài ở những trận đấu không có “mắt thần”. Phong cách chơi bóng của Nguyễn Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh đầy mạnh mẽ, nhưng nó rất mong manh trước những góc máy soi vào chân tơ kẽ tóc của VAR.
Thay vào đó, chúng ta có thể lựa chọn cách chơi thông minh hơn, phán đoán nhiều hơn, phòng thủ từ xa hơn, kiểm soát thế trận chủ động hơn… Làm được điều này trước các đối thủ hàng đầu châu lục, đó mới là cái đích của việc nâng tầm đội tuyển Việt Nam, và hướng đến mục tiêu thực tế là World Cup 2026.