Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tuyển Pháp có phá vỡ 'lời nguyền' 6 thập kỷ của World Cup?

Trong 6 thập kỷ, chưa có đội tuyển nào giành được chức vô địch World Cup 2 lần liên tiếp. Tuy nhiên, Pháp đang có cơ hội giải được "lời nguyền" này trong trận chung kết ở Qatar.

vong chung ket World Cup anh 1

"Lời nguyền" của nhà vô địch World Cup đã ám ảnh các đội tuyển quốc gia trong suốt 60 năm qua. Nếu đội tuyển Pháp đánh bại Argentina trong trận chung kết hôm nay (18/12), họ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch World Cup kể từ khi đội tuyển Brazil - với sự góp mặt của các huyền thoại bóng đá Pelé và Garrincha - làm được điều này vào năm 1962.

Tuy nhiên, theo Guardian, đội bóng của huấn luyện viên Didier Deschamps trước đó đã vượt qua một "lời nguyền" khác khi vào đến trận chung kết tại Qatar. Trong số 5 đội tuyển vô địch gần nhất, có đến 4 đội không thể vượt qua vòng bảng của kỳ World Cup tiếp theo.

Tuy Pháp rơi vào một bảng đấu khá thuận lợi với các đội tuyển Australia, Đan Mạch và Tunisia, thử thách mà "Les Bleus" phải đối mặt là không hề đơn giản. Trước khi vòng chung kết tại Qatar khởi tranh, nhiều cổ động viên Pháp càng tỏ ra lo ngại lời nguyền của nhà vô địch World Cup sẽ lại một lần nữa ứng nghiệm khi nhiều cầu thủ trụ cột của đội tuyển nước này bị chấn thương.

Hành trình phá giải "lời nguyền" của đội tuyển Pháp

Tuy nhiên, trái với sự lo lắng của các cổ động viên, chính sự thiếu vắng các trụ cột đã giúp đội tuyển Pháp tránh được lời nguyền đã đeo bám các nhà vô địch World Cup kể từ năm 2002.

Các ca chấn thương đã buộc huấn luyện viên Deschamps phải có những sự thay đổi lớn trong đội hình khi thay thế những ngôi sao dày dạn kinh nghiệm bằng những cầu thủ trẻ và có động lực hơn.

Theo đó, Paul Pogba và N’Golo Kanté - cặp tiền vệ có đóng góp quan trọng trong chức vô địch World Cup 2018 - và chủ nhân của giải thưởng quả bóng vàng năm 2022 Karim Benzema đã bị loại khỏi danh sách của đội tuyển Pháp do chấn thương trước khi vòng chung kết tại Qatar khởi tranh.

Đội tuyển Pháp tiếp tục đối mặt với khó khăn mới khi hậu vệ Lucas Hernandez gặp phải chấn thương sau trận đấu đầu tiên gặp đội tuyển Australia tại vòng bảng.

Sau trận đấu này, ông Deschamps cũng quyết định loại hậu vệ phải Benjamin Pavard - cầu thủ đã chơi rất hay trong giải đấu năm 2018 trên đất Nga - ra khỏi đội hình chính.

vong chung ket World Cup anh 2

Huấn luyện viên Didier Deschamps đã mang đến Qatar một đội hình thiếu vắng nhiều cầu thủ trụ cột từng giúp Pháp đăng quang chức vô địch World Cup vào năm 2018. Ảnh: Reuters.

Nếu nhìn từ bên ngoài, việc huấn luyện viên Deschamps tạo ra nhiều xáo trộn về nhân sự trong một đội tuyển đã có lối chơi được định hình có thể được xem là quyết định mạo hiểm.

Tuy nhiên, hành động này của ông đã thổi một làn gió mới vào cách chơi của đội bóng, giúp đội tuyển Pháp tránh được những sai lầm mà các nhà vô địch World Cup trước đó đã mắc phải.

Huấn luyện viên của các đội tuyển vô địch World Cup trong quá khứ thường đặt niềm tin vào những trụ cột của họ trong những kỳ World Cup kế tiếp và phải trả giá cho quyết định này.

Khi đội tuyển Italy đến vòng chung kết World Cup tại Mexico vào năm 1986 với tư cách nhà đương kim vô địch, 8 trong số 11 cầu thủ trong đội hình xuất phát của huấn luyện viên Enzo Bearzot là những cái tên đã chơi tại trận chung kết vào năm 1982.

Đội tuyển "Thiên thanh" lặp lại hành động này vào năm 2010 khi huấn luyện viên Marcello Lippi triệu tập hàng loạt cầu thủ đã bước qua tuổi 30, những người có đóng góp lớn trong chức vô địch World Cup vào năm 2006.

Tuy nhiên, đội hình đến Nam Phi với nhiều cầu thủ nổi tiếng như Fabio Cannavaro, Gianluca Zambrotta và Gennaro Gattuso đã không thể giành được một chiến thắng trong bảng đấu khá thuận lợi với những đối thủ là Paraguay, New Zealand và Slovakia.

Trong những năm sau đó, đội tuyển Tây Ban Nha - nhà vô địch World Cup vào năm 2010 - và đội tuyển Đức - nhà vô địch năm 2014 - đều gặp phải thất bại trong các kỳ World Cup kế tiếp khi giữ nguyên bộ khung đã giúp họ giành được chức vô địch.

Động lực thi đấu

Ngoài yếu tố tuổi tác, động lực thi đấu của cầu thủ cũng là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến thành công của các đội bóng.

"Một khi bạn giành được chức vô địch và được chọn vào đội hình trong kỳ World Cup tiếp theo, mọi thứ đều trở nên khác biệt. Bạn vẫn có những cầu thủ tài năng, vẫn đại diện cho cùng một quốc gia với lịch sử giàu truyền thống. Tuy nhiên, trong một số khoảnh khắc, bạn luôn thấy thiếu một yếu tố nhất định", huấn luyện viên Carlos Alberto Parreira cho biết.

Parreira đã dẫn dắt đội tuyển Brazil giành chức vô địch vào năm 1994, nhưng không thể lặp lại điều này vào năm 2006 khi được trao cơ hội dẫn dắt đội tuyển Brazil - lúc này là nhà đương kim vô địch thế giới. "Seleção" nhận thất bại ở tứ kết mặc dù có đội hình gồm nhiều ngôi sao tấn công như Ronaldo, Adriano, Ronaldinho và Kaká.

vong chung ket World Cup anh 3

Ronaldo, cầu thủ có biệt danh "người ngoài hành tinh" vì khả năng chơi bóng của mình, đã không thể dẫn dắt Brazil tiến sâu tại vòng chung kết World Cup 2006 dù đội bóng này đang là đương kim vô địch của giải đấu. Ảnh: AP.

Sau khi tiến đến trận chung kết ở 3 kỳ World Cup liên tục trong khoảng thời gian 1994-2002, có lẽ đội tuyển Brazil đã trở nên tự mãn và mất động lực thi đấu.

Điều này cũng xảy ra với những nhà vô địch khác trong quá khứ. Bao gồm đội tuyển Pháp, quốc gia bị loại sau vòng bảng tại vòng chung kết World Cup 2002 dù đang là đương kim vô địch của giải đấu.

Chấn thương của Zinedine Zidane và Robert Pires đã làm giảm sức sáng tạo của đội tuyển Pháp, những nhà đương kim vô địch World Cup và Euro được nhận định sẽ dễ dàng vượt qua vòng bảng khi chỉ phải đối mặt với Senegal, Uruguay và Đan Mạch.

Tuy nhiên, việc một số thành viên đội tuyển Pháp gọi đội tuyển Senegal là "đội tuyển Pháp B" cho thấy sự kiêu ngạo và thiếu tập trung của các nhà đương kim vô địch thế giới.

Bàn thắng quyết định của cầu thủ Senegal Papa Bouba Diop là một trong số nhiều thất bại của "Les Bleus", khiến đội tuyển này bị loại khi đứng ở vị trí cuối sau vòng bảng vào năm 2002.

vong chung ket World Cup anh 4

Pháp đứng trước cơ hội trở thành đội tuyển đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch World Cup sau 6 thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Quyết định loại Pavard của Deschamps, dù không có một hậu vệ phải đích thực để thay thế, cho thấy huấn luyện viên người Pháp có sự thực dụng cần thiết để giúp tuyển Pháp tránh lặp lại những sai lầm như tại vòng chung kết World Cup 2002.

Sự thực dụng của ông Deschamps, được kết hợp với việc huấn luyện viên đội tuyển Pháp luôn chỉ tập trung vào trận đấu tiếp theo thay vì cả giải đấu - điều mà nhiều huấn luyện viên khác không làm được, có thể là chìa khóa giúp đội tuyển Pháp làm nên lịch sử.

Trận chung kết với Argentina vào tối 18/12 sẽ quyết định liệu Pháp có trở thành đội tuyển đầu tiên trong 6 thập kỷ bảo vệ thành công chức vô địch World Cup.

Tuy nhiên, bằng việc đưa Pháp vào đến trận đấu cuối cùng tại Qatar, huấn luyện viên Deschamps đã giải được lời nguyền mà các nhà vô địch World Cup phải chịu trong 20 năm qua.

Những cuốn sách hay về thể thao

Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...

Lý do trọng tài Anthony Taylor không thể bắt trận chung kết World Cup

Trọng tài người Anh Anthony Taylor được cho là không có cơ hội điều hành trận chung kết của World Cup năm nay vì lo ngại thiên vị trong trận đối đầu giữa Argentina và Pháp.

Kỷ lục nhìn thấy trước của chung kết World Cup 2022

Trận chung kết World Cup giữa Pháp và Argentina được dự đoán có lượng khán giả theo dõi trên toàn cầu cao kỷ lục, khiến nó trở thành sự kiện thể thao lớn nhất lịch sử truyền hình.

An Bình

Bạn có thể quan tâm