Thắng lợi trước Nhật Bản, thua tối thiểu trước Saudi Arabia trong thế trận dồn ép ở những phút cuối và thất bại trước Australia với sự thua thiệt về thể chất, Oman cho thấy màn trình diễn khó chịu trước những đối thủ hàng đầu châu Á ở 3 trận đấu đầu tiên tại vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á.
Sơ đồ 4-4-2
Đội hình chiến thuật 4-4-2 kim cương là lựa chọn của huấn luyện viên (HLV) Branko Ivankovic cho Oman trong những trận đấu đã qua. Oman được đánh giá là đội bóng có chất lượng tầm trung tại khu vực châu Á, sự lựa chọn của vị chiến lược gia 67 tuổi người Croatia có thể đánh giá là thú vị và độc đáo.
Oman sở hữu đội hình không quá tầm vóc, nhưng có kỹ thuật cá nhân và tốc độ ấn tượng. Hệ thống 4-4-2 kim cương mà ông Ivankovic áp dụng mang đến cho đội bóng này lối chơi khó chịu, với tốc độ và cường độ luôn được đẩy cao.
Không có nhiều sự thay đổi về nhân sự được HLV Ivankovic thực hiện trong những trận đấu đã qua, Oman duy trì tính ổn định với những vị trí chính thức. Có thể kể tới hậu vệ trái số 17 Al Busaidi, tiền vệ phòng ngự số 23 Al Musalami, cặp tiền đạo là số 7 Al Hajri và số 19 Al Mandhar, cùng tiền vệ tấn công sinh năm 1998 Al-Yahyaei - người đang chơi ấn tượng nhất của đội bóng này.
Đội hình của tuyển Oman. |
Trong cách vận hành sơ đồ 4-4-2 của Oman, 2 tiền vệ trung tâm ở hai biên có xu hướng chơi rộng, trong khi 2 tiền đạo thường ghim các trung vệ đối thủ, ít lùi sâu.
Điều này là nền tảng tạo nên định hướng chơi bóng ở tốc độ cao, nơi tiền vệ tấn công số 20 Al-Yahyaei thi đấu như nhạc trưởng với khả năng xử lý bóng kỹ thuật và liên kết lối chơi.
Cách triển khai hệ thống 4-4-2 kim cương của Oman. |
Dù kiểm soát 38.8% thời lượng kiểm soát bóng trước 3 đội bóng hàng đầu châu lục, Oman đang có thống kê ấn tượng khi cân bằng giữa số pha dứt điểm tạo ra và số pha dứt điểm phải nhận qua 3 trận đấu. Họ thực hiện trung bình 18.7 quả tạt mỗi trận, và có tỷ lệ dứt điểm trong khu vực cấm địa hơn 50%.
Nếu so sánh với tuyển Việt Nam cũng qua 3 trận đấu đầu tiên tại vòng loại thứ ba, có thể nhận định đội bóng của HLV Park Hang-seo sẽ phải chạm trán với đối thủ không hề dễ chơi, trong thế trận có nhịp độ cao.
So sánh thống kê giữa ĐT Oman và ĐT Việt Nam sau 3 trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup. Đồ họa: Thành Vũ. |
Trong những con số thống kê giữa hai đội, các đối thủ của Oman thực hiện thành công 81.6% các đường chuyền, nếu so sánh với con số 85.3% mà Việt Nam phải nhận. Đội bóng của HLV Ivankovic luôn vào trận với tâm thế chủ động, sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ trận đấu và sẵn sàng tấn công đối thủ.
Tấn công ở cường độ cao
Cường độ chơi bóng chắc chắn là khác biệt lớn nhất nếu so sánh Oman và Việt Nam. Trong trận đấu gần nhất trước Australia, Oman không ngần ngại đẩy cao đội hình và gây áp lực trên phần sân của đối thủ ngay ở những phút đầu tiên.
Oman gây áp lực tầm cao với sơ đồ 4-4-2 kim cương. |
Tiền vệ trụ số 23 Al Saadi là người làm nhiệm vụ thu hồi bóng. |
Trong thế trận nhanh với cường độ cao mà Oman muốn thực hiện gần như tất cả trận đấu, đội bóng này tỏ ra đặc biệt nguy hiểm ở các tình huống phản công hoặc tấn công nhanh, với tâm điểm là số 20 Al-Yahyaei.
Cầu thủ sinh năm 1998 này xuất phát trong vai trò số 10 và có phạm vi hoạt động rộng. Al-Yahyaei thường đóng vai trò cầu nối trong các tình huống tấn công của Oman, với khả năng xử lý bóng và các đường chuyền tương đối đa dạng.
Oman phản công, Al-Yahyaei di chuyển vào khoảng trống để nhận bóng. |
Tăng tốc với bóng. |
Với cầu nối là tiền vệ số 20, Oman khai thác điểm mạnh từ sơ đồ 4-4-2 kim cương với 2 tiền đạo luôn sẵn sàng phía trước Al-Yahyaei. Chưa hết, các cầu thủ chơi ở vai trò tiền vệ con thoi là số 8 Al Aghbari và số 12 Fawaz cũng được giao nhiệm vụ băng lên phía trước trong các tình huống tấn công của đội bóng này. Vì thế, Oman không chỉ tấn công nhanh, mà đội bóng của HLV Ivankovic luôn sẵn sàng về quân số.
Cầu nối Al-Yahyaei lập tức xuất hiện khi Oman đoạt lại bóng. |
Cầu thủ số 20 có khả năng kiểm soát bóng và xoay xở ấn tượng. |
4 cầu thủ gồm 2 tiền đạo và 2 tiền vệ con thoi lao về phía trước khi Al Yahyaei có thời cơ thực hiện đường chuyền. |
Chơi ở cường độ cao, tốc độ và quyết đoán ở các tình huống tấn công nhanh chính là cách Oman đánh bại Nhật Bản ở lượt trận đầu tiên tại vòng loại thứ ba World Cup lần này.
Đó là trận đấu mà đội chủ nhà Nhật Bản đã gặp khó khăn trước hệ thống phòng ngự 4-4-2 kim cương của đối thủ và phải nhận bàn thua ở những phút cuối trận trong tình huống tấn công đơn giản nhưng tốc độ của Oman. Nhân tố chính trong bàn thắng quyết định ấy, không ai khác, là số 20 Al-Yahyaei.
Đập nhả 1-2 ở hành lang cánh. |
Xuống biên ở tốc độ cao. |
Vị trí các đường chuyền thành công tới vòng cấm đối thủ của Al-Yahyaei. |
Khả năng hoạt động rộng của cầu thủ số 20 này sẽ là bài toán hóc búa với tuyển Việt Nam. Cầu thủ sinh năm 1998 là người lĩnh xướng cho các tình huống tấn công của Oman, trong khi 2 tiền vệ con thoi hỗ trợ bằng cách di chuyển liên tục, còn 2 tiền đạo ghim chặt các trung vệ đối phương.
Đó là cách Oman tạo ra khoảng trống cho cầu thủ quan trọng của mình, ở các tình huống triển khai bóng.
Oman chủ động triển khai bóng, Al Yahyaei tự do lùi sâu, trong khi 2 tiền vệ con thoi hoạt động rộng. |
Số 20 là người phát triển bóng cho Oman. |
Tình huống phối hợp giữa 2 tiền đạo của Oman. |
Oman có sự kết hợp giữa 1 tiền đạo tầm vóc số 7 Al Hajri và 1 tiền đạo nhanh, tốc độ là số 11 Al Mandhar (người luân phiên sử dụng hai số áo 11 và 19). |
Sẽ không ngạc nhiên nếu ngay trên sân nhà, Oman thiết lập thế trận chủ động trước tuyển Việt Nam và khai thác tối đa các tình huống tấn công trung lộ. Hệ thống gồm 4 tiền vệ của HLV Ivankovic hoàn toàn đủ khả năng để tạo ra các tình huống vượt trội về quân số trước 2 tiền vệ trung tâm của HLV Park Hang-seo.
Với ý đồ sử dụng 2 tiền đạo để ghim chặt các trung vệ đối thủ của Oman, sự bọc lót dành cho tuyến giữa của tuyển Việt Nam sẽ càng hạn chế. Bởi vậy, kiềm toả được Al-Yahyaei cùng việc duy trì cự ly đội hình tốt sẽ là điều tiên quyết với Quế Ngọc Hải và các đồng đội.
ĐT Oman hoàn toàn có khả năng tạo ra sự vượt trội về quân số ở trung lộ trước ĐT Việt Nam. |
Có thể khẳng định sự tự tin của đội chủ nhà không chỉ trong trận đấu này mà ở cả 3 trận đấu trước đó trước lần lượt Nhật Bản, Saudi Arabia và Australia. Ở trận đấu gần nhất, Oman đã chứng tỏ sự chủ động trong lối chơi bằng bàn thắng được thực hiện bài bản và biến hoá với khả năng tấn công.
3 tiền vệ của Oman hoạt động như các cầu nối tấn công, nhận bóng từ tuyến dưới. |
Cả 3 đều di chuyển linh hoạt và tấn công trực diện ở trung lộ. |
Cách Oman sử dụng 2 tiền đạo tạo ra không gian chơi bóng cho các tiền vệ. Hai cầu thủ chơi cao nhất trong đội hình thường giữ vị trí của mình, đứng ngay trước mặt hàng phòng ngự đối phương và gần như không cho các trung vệ dâng cao áp sát để bọc lót cho tuyến tiền vệ. Al-Yahyaei cùng 2 người đồng đội trong vai trò tiền vệ con thoi vì thế có thêm không gian để phối hợp.
Sự linh hoạt và cơ động của 3 tiền vệ Oman là rất ấn tượng. |
Al-Yahyaei là người đưa bóng vào vòng cấm địa. |
Khả năng phối hợp giữa 2 tiền đạo của Oman. Số 7. Al Hajri có khả năng tì đè, trong khi số 19. Al Mandhar có tốc độ. |
51.7% các pha dứt điểm của Oman sau 3 trận đấu được thực hiện trong khu vực 16,5 m. Họ dứt điểm không thua kém gì 3 đối thủ hàng đầu khu vực, khi sau 3 trận đấu, Oman phải chịu 33 pha dứt điểm, nhưng cũng tạo ra số lượng tương tự các tình huống uy hiếp khung thành của đối phương.
Mỗi trận đấu của Oman đều mang đến cảm giác kịch tính và tốc độ. Bởi lẽ, sơ đồ 4-4-2 kim cương tạo ra khả năng tấn công với đông đảo quân số, nhưng cũng đồng thời khiến Oman gặp vấn đề ở khả năng phòng ngự, một khi họ bị đẩy sâu về phần sân nhà.
Điểm yếu của sơ đồ 4-4-2
Sử dụng sơ đồ 4-4-2 kim cương cũng có nghĩa Oman không có những tiền vệ cánh đích thực, những người sẽ làm nhiệm vụ bọc lót cho các hậu vệ biên ở trạng thái họ phải phòng ngự trên phần sân nhà.
Sau 3 trận đấu, Oman đã phải nhận 74 quả tạt, con số thậm chí còn lớn hơn cả Việt Nam (58), đội bóng chưa có được điểm nào ở bảng đấu này.
Khoảng trống lớn ở 2 biên khi Oman phòng ngự với sơ đồ 4-4-2 kim cương trên phạm vi sân nhà. |
Australia với các tình huống tạt bóng đã khai thác triệt để điểm yếu này. |
Bàn thắng mở tỷ số của Australia. |
Cả Australia, Saudi Arabia và Nhật Bản đều tìm ra những cách khác nhau để đánh vào điểm yếu ở khả năng phòng ngự 2 biên của Oman. Việc 4 hậu vệ duy trì cự ly phòng ngự hẹp và không có tiền vệ cánh hỗ trợ khiến khả năng phòng ngự của 4 cầu thủ này theo chiều ngang sân là tương đối khó khăn.
Những tình huống chuyền dài chuyển hướng, hay các pha tạt bóng là phương án đơn giản nhưng hiệu quả để khai thác các khoảng trống ấy.
Tình huống chuyền dài của ĐT Nhật Bản. |
Australia cũng có ý đồ thực hiện các tình huống tương tự. |
Pha bóng xuống biên đơn giản của Australia. |
Bàn thắng của duy nhất của Saudi Arabia trên sân của Oman cũng đến ở trường hợp tương tự. Không có cầu thủ hỗ trợ ở hai hành lang cánh, 4 hậu vệ của Oman bị kéo giãn cự ly theo chiều ngang và để lộ ra khoảng trống giữa hai trung vệ.
Khoảng trống giữa 4 hậu vệ của Oman. |
Cơ hội khác của Nhật Bản cũng đến khi 4 hậu vệ không thể kiểm soát toàn bộ không gian theo chiều ngang sân. |
Đó chắc chắn sẽ là yếu tố mà tuyển Việt Nam muốn hướng đến để tạo nên màn trình diễn ấn tượng trên sân khách. Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo sẽ cần tìm ra giải pháp để những cầu thủ chạy cánh chơi cao và rộng hơn, như cái cách Hồ Tấn Tài đã làm được trước tuyển Trung Quốc.
So với chính đối thủ, những người đã thực hiện trung bình 18.7 quả tạt mỗi trận, tuyển Việt Nam mới có trung bình 6 pha tạt bóng mỗi trận. Con số ít ỏi và phản ánh đúng khả năng hỗ trợ tấn công không tốt của những cá nhân như Trọng Hoàng, Văn Thanh hay Hồng Duy trong định hướng chơi bóng của tuyển Việt Nam.
Sẽ là trận đấu không đơn giản với chúng ta, đặc biệt là trên sân khách. Việc thích ứng tốt với cường độ chơi bóng nhanh của đối thủ sẽ là chướng ngại đầu tiên.
Tiếp đến là việc phong tỏa số 20 Al Yahyaei và sự cơ động của hàng tiền vệ đối thủ. Nếu muốn giành kết quả có lợi, đội bóng của HLV Park Hang-seo cần biết cách chơi tấn công chủ động, khai thác tối đa khả năng của những cầu thủ chạy cánh ông có trong tay.