Bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh không thể giúp tuyển Việt Nam có điểm trước Trung Quốc, nhưng nó mở ra tương lai đáng kỳ vọng hơn với không chỉ tiền đạo sinh năm 1997.
Tiến Linh bộc lộ nhiều vấn đề trước những đội bóng mạnh hơn. Ảnh: Quang Thịnh. |
Từ vấn đề mang tính hệ thống
Sau khi Nguyễn Anh Đức giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế, HLV Park Hang-seo sử dụng hai trung phong Tiến Linh và Hà Đức Chinh ở tuyển Việt Nam. Cặp tiền đạo tại U20 World Cup 2017 có phong cách chơi khác nhau khá lớn. Tiến Linh là mẫu tiền đạo mục tiêu, chơi theo kiểu "chạy, sút" và "đánh hơi" bàn thắng khá sắc bén ở trong vùng cấm.
Ngược lại, Hà Đức Chinh di chuyển rộng và chạy nhiều hơn đồng đội. Nhiều tình huống, chân sút quê Phú Thọ di chuyển ra cánh và nhận bóng ở sát đường biên dọc. Trong cách sắp xếp chiến thuật, HLV Park ưa dùng Tiến Linh hơn và thực tế tiền đạo của CLB Bình Dương đang là tiền đạo số một ở tuyển Việt Nam.
Vấn đề nảy sinh khi lối chơi của tuyển Việt Nam dần không còn phù hợp với mẫu cầu thủ như Tiến Linh. Ở cấp độ khu vực, các cầu thủ tuyến dưới có nhiều thời gian cầm bóng hơn, chân sút này cũng được kiến tạo nhiều hơn và cũng dễ dàng xoay trở hơn. Song, khi ra sân chơi châu lục, những hạn chế về khả năng cầm bóng cũng như di chuyển dần bộc lộ.
Sau 2 trận đấu trước Saudi Arabia và Australia tại vòng loại thứ 3, những vấn đề của Tiến Linh ngày càng thể hiện rõ.
Tuyển Việt Nam phải kéo đội hình xuống thấp, tập trung nhân sự bên phần sân nhà. Không gian hoạt động của chân sút quê Hải Dương cũng vì thế mà rộng hơn. Vấn đề ở chỗ Tiến Linh chưa bao giờ là mẫu tiền đạo hoạt động rộng. Khả năng tỳ đè, xoay xở của anh cũng không quá cao. Những lần ít ỏi nhận bóng, anh cũng thể hiện sự lúng túng trong việc xử lý và dẫn đến việc mất bóng.
Tiến Linh thay đổi đáng kể về phong cách chơi bóng ở trận gặp Trung Quốc. Ảnh: AFC. |
Những thay đổi đáng chờ đợi
Nếu hai trận đấu trước, Tiến Linh để lại nỗi thất vọng, màn trình diễn trước Trung Quốc rạng sáng 8/10 (giờ Việt Nam) lại thể hiện bộ mặt hoàn toàn khác của chân sút sinh năm 1997.
Trước đây, Tiến Linh được biết đến là mẫu tiền đạo chớp thời cơ trong vùng cấm và thường có xu hướng đưa bóng đế gần khung thành đối phương nhất có thể. Tới trận gặp Trung Quốc, cầu thủ này đã mạnh dạn hơn và dám dứt điểm từ xa.
Pha vuốt bóng ở phút 39 là điểm sáng. Tiến Linh đổi chỗ cho Phan Văn Đức. Cầu thủ mang áo số 20 làm tường, đánh đầu trả về và sau một nhịp khống chế, Tiến Linh đã khiến người hâm mộ đối phương thót tim.
Pha ra chân đầy quyết đoán của cầu thủ này ở phút 43 cũng rất đáng khen ngợi. Trước hàng phòng ngự số đông của đối thủ, việc tìm khe hở để tung ra những cú sút từ xa là giải pháp không tồi, đặc biệt với mẫu cầu thủ không giỏi cầm bóng như Tiến Linh.
Thời điểm bị dẫn bàn, cầu thủ này có pha khống chế bóng không hề tệ ở phút 86. Tiến Linh đủ bình tĩnh "vê" bóng, đưa về chân thuận rồi ra chân rất nhanh. Anh biết phải dứt điểm vào đâu, chỉ có điều điểm tiếp xúc bóng không được như ý.
Tới bàn thắng gỡ hòa 2-2 cho tuyển Việt Nam, Tiến Linh đã khẳng định vị thế của mình. Anh không còn đợi bóng trong vùng cấm mà di chuyển từ khoảng cách hơn 20 m, đón đường chọc khe của Quang Hải, dứt điểm một chạm đánh lạc hướng thủ môn đối phương.
Đội tuyển Việt Nam vẫn còn hành trình dài tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, xen giữa là chiến dịch bảo vệ ngai vàng AFF Cup vào tháng 12 tới. Tiến Linh, chân sút số 1 đội tuyển Việt Nam, đang có những thay đổi đáng kể về chuyên môn và hứa hẹn sẽ tỏa sáng, lập công cho đội nhà trong tương lai.