Hành lang đi qua Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, được thiết lập để định hình lại chuỗi cung ứng của khu vực sông Mekong, bao gồm cả Campuchia, cho phép họ tiếp cận thị trường Ấn Độ rộng lớn.
Theo Nikkei Asian Review, tuyến thương mại mới có lẽ cũng sẽ làm giảm bớt một phần sự phụ thuộc kinh tế của khu vực vào Trung Quốc.
Cây cầu hữu nghị Thái Lan - Myanmar thứ hai, kết nối Myawaddy, một thành phố ở khu vực phía đông của Myanmar, và quận Mae Sot ở phía tây Thái Lan, đã chính thức lưu thông vào tháng 10. Cây cầu được xây dựng với chi phí khoảng 140 triệu USD, theo chính phủ Thái Lan.
Hành lang Kinh tế Đông - Tây là dự án xây dựng khối kinh tế lớn từ Việt Nam đến Myanmar thông qua Lào và Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Việc phân phối hàng hóa sẽ trở nên suôn sẻ hơn trên tuyến đường cao tốc mới này vì nó cho phép xe tải đi qua các khu vực đô thị, một quan chức chính phủ Myanmar cho biết.
Hành lang Đông-Tây là dự án xây dựng khối kinh tế lớn dọc theo tuyến đường bộ dài 1.700 km từ Việt Nam đến Myanmar qua Lào và Thái Lan, từ đó có thể tiếp cận Ấn Độ qua Vịnh Bengal.
Mawlamyine ở miền Đông Myanmar ban đầu được chỉ định là điểm cuối phía tây của hành lang. Nhưng hành lang đã được mở rộng đến Yangon, thành phố lớn nhất ở Myanmar, và sẽ được liên kết với Đặc khu Kinh tế Thilawa đang được phát triển với sự giám sát của Nhật Bản. Toyota Motor đang xây dựng một nhà máy trong khu vực này.
Cùng với việc mở cây cầu mới, Myanmar và Thái Lan đã bắt đầu thử nghiệm Thỏa thuận Vận tải Xuyên Biên giới, cho phép các phương tiện từ cả hai bên qua biên giới. Hiệp định này cho phép hai nước cấp giấy phép cho các công ty hậu cần vận chuyển trực tiếp hàng hóa giữa Thilawa SEZ và Cảng Laem Chabang, cảng hàng hải lớn nhất Thái Lan.
Nisshin Transport, trụ sở tại Osaka và là một phần của công ty vận tải quốc tế AIT (Nhật Bản), đang lên kế hoạch triển khai các dịch vụ trực tiếp trên tuyến cùng với đối tác địa phương. Vận chuyển trực tiếp sẽ cắt giảm thời gian giao hàng đến Bangkok từ Yangon xuống chỉ còn ba ngày, một quan chức của Nisshin cho biết.
Việc xây dựng một con đường huyết mạch cũng đang diễn ra ở Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Ngay cả ở Myanmar, nơi công việc xây dựng bị cản trở bởi các cuộc xung đột ở khu vực biên giới, công trình vẫn có những tiến triển. Việc phát triển đoạn đường 90 km bắt đầu khoảng hai năm trước, được hỗ trợ bởi các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á. Chính phủ Myanmar tính toán con đường sẽ đưa vào lưu thông vào năm 2021.