Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyến cáp AAG chưa sửa xong, APG lại gặp sự cố

APG là một trong 5 tuyến cáp chính, kết nối Internet Việt Nam ra quốc tế.

Sáng 16/12, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố từ ngày 13/12, trên hướng kết nối đi Hong Kong. Hiện công ty khai thác vẫn chưa xác định được nguyên nhân sự cố.

"Lưu lượng các nhà mạng Việt Nam bị mất do ảnh hưởng từ sự cố ước tính khoảng 1 TB", đại diện của ISP cho biết.

dut cap quang bien anh 1

Sơ đồ tuyến cáp quang APG đoạn đi qua Việt Nam. Ảnh: APG.

Cáp quang APG gặp sự cố khi một tuyến khác là AAG cũng trục trặc, chưa khắc phục xong. Tuyến AAG vừa gặp sự cố tối 22/10, gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế. Ban đầu, đơn vị quản lý cho biết tuyến cáp sẽ được sửa xong vào giữa tháng 12, nhưng sau đó thông báo lùi hạn vào 23/12 ở hướng đi Singapore. Với hướng đi Hong Kong, dự kiến đến ngày 3/1/2022 mới sửa xong.

Tuyến APG cũng vừa được sửa xong vào cuối tháng 11, với sự cố diễn ra vào cuối tháng 10. Chỉ sau khoảng nửa tháng, tuyến này lại bị trục trặc.

Cáp quang APG được đưa vào khai thác từ năm 2016, với tổng lưu lượng là 54,8 Tb/s. Tại Việt Nam, tuyến APG cập bờ ở Đà Nẵng.

Sự cố liên tiếp xảy ra với cáp quang là một trong những trở ngại lớn nhất của các ISP tại Việt Nam. Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021, ông Hoàng Đức Dũng, hiện làm việc tại Trung tâm Khai thác toàn cầu của Viettel Networks cho biết trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm cáp biển gặp sự cố 10 lần, mỗi lần kéo dài khoảng một tháng.

"Với 4 tuyến cáp quang dung lượng lớn hiện nay, thực tế các nhà mạng trong nước chỉ sử dụng được 3/4 tuyến cáp. Điều này khiến các nhà mạng luôn phải dự phòng từ 20-25% dung lượng kết nối để đảm bảo trong trường hợp sự cố đứt cáp xảy ra, ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư và phương pháp vận hành khai thác", ông Dũng chia sẻ.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển gồm AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA-ME-WE3), cáp quang biển Liên Á - IA (Tata TGN-Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe 1).

Tuyến SMW3 đã được khai thác từ năm 1999, dung lượng thấp và sắp bị thanh lý. Hai tuyến cáp quang biển SJC2 và ADC dự kiến đến năm 2022 hoặc 2023 mới đưa vào khai thác.

Với 7 tuyến đã và sắp khai thác, trung bình gần 14 triệu người dân Việt Nam mới có một tuyến cáp quang biển. Con số này là rất thấp so với các nước trong khu vực. Tại Singapore, trung bình 200.000 dân sử dụng một tuyến cáp. Con số của Malaysia là 1,5 triệu dân/tuyến cáp, còn Thái Lan là 7 triệu dân/tuyến.

"Hạ tầng kết nối quốc tế của Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực, ảnh hưởng lớn tới việc chuyển đổi số", đại diện Viettel Networks kết luận.

Cáp quang biển đứt trung bình 10 lần/năm, mỗi lần kéo dài một tháng

Internet Việt Nam có mức giá trung bình thấp, nhưng chất lượng, tốc độ vẫn chưa được đảm bảo và còn nhiều thách thức để có thể đạt mục tiêu về hạ tầng số vào năm 2025.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm