Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont hiện không chỉ phải chịu sức ép từ Madrid và các nước thành viên EU, thế lực vẫn muốn vùng tự trị là một phần của Tây Ban Nha, mà còn từ các đồng minh của ông, những người muốn tiến trình ly khai được thực hiện ngay lập tức.
"Đối thoại là không thể, hòa giải là không thể", AFP dẫn lời Nuria Gibert, một phát ngôn viên đảng cực tả CUP của Puigdemont.
Thêm vào căng thẳng giữa chính quyền, người dân Catalonia cũng chia rẽ sâu sắc về quan điểm độc lập. Những người muốn ở lại Tây Ban Nha đang ngày càng thể hiện rõ tiếng nói sau khi tổ chức 2 cuộc diễu hành chỉ trong 5 ngày.
Nhà lãnh đạo Carles Puigdemont không thể tiếp tục giữ thái độ "mập mờ" trong vấn đề độc lập của Catalonia. Ảnh: AFP/Getty. |
"Câu trả lời phải rõ ràng. Ông ấy phải nói 'có' hay 'không'", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido nói ngày 14/10. "Nếu ông ấy trả lời một cách mơ hồ, điều đó có nghĩa là ông ấy không muốn đối thoại và chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải hành động", bộ trưởng cho biết.
Tây Ban Nha cho Puigdemont thời hạn đến ngày 16/10 để làm rõ Catalonia đã tuyên bố độc lập hay chưa. Nhà lãnh đạo cộng đồng tự trị ký tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong phiên họp nghị viện hôm 10/10 nhưng hoãn thi hành ngay sau đó nhằm đối thoại với Madrid.
Hồi giữa tuần, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói rằng đến thời hạn 16/10, nếu ông Puigdemont xác nhận Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, chính quyền trung ương sẽ cho ông thêm thời gian để cân nhắc lại đến ngày 19/10, trước khi kích hoạt Điều 155.
Điều khoản chưa từng được áp dụng này của Hiến pháp Tây Ban Nha quy định chính quyền trung ương có thể kiểm soát chính quyền các vùng tự trị, nếu cho rằng những vùng này có hành động vi hiến hoặc ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Catalonia (vùng màu đỏ) là cộng đồng tự trị giàu có ở phía đông bắc của Tây Ban Nha và bao gồm 4 bốn tỉnh Barcelona, Girona, Lleida, Tarragona. Barcelona là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của vùng. Đồ họa: BBC. |
Theo AFP, từ ngày 2/11 đến 11/11, đã có 540 công ty tìm cách chuyển địa chỉ hợp pháp của mình khỏi Catalonia do căng thẳng kéo dài giữa Madrid và vùng tự trị giàu có. Mối lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị sẽ tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế và thậm chí làm giảm triển vọng tăng trưởng của đất nước Nam Âu cũng đang lớn dần.
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria cảnh báo hôm thứ sáu rằng nếu "không có giải pháp nhanh chóng, chúng ta sẽ phải hạ thấp dự báo kinh tế cho năm 2018".
Quỹ tiền tệ quốc tế cũng đã lên tiếng lo ngại và cơ quan xếp hạng Standard and Poor cho biết nền kinh tế của khu vực có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn.