Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyên bố đanh thép của Putin về khủng hoảng Ukraina

Trong cuộc họp báo ngày 4/3, Tổng thống Nga ví động thái của Mỹ gần đây trong các vấn đề Ukraina là “thí nghiệm với chuột bạch” và biến đời sống chính trị ở đây thành hài kịch.

Trước những diễn biến căng thẳng leo thang tại bán đảo Crimea cũng như hàng loạt cáo buộc của giới truyền thông phương Tây về sự can thiệp của quân đội Nga tại khu tự trị này, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua tổ chức họp báo. Tại đây, ông bày tỏ quan điểm dứt khoát của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina.

Tổng thống Vladimir Putin trả lời các nhà báo tại tư dinh Novo-Ogaryovo về các vấn đề liên quan đến tình hình ở Ukraina hôm 4/3. Ảnh: AP.

- Thưa Tổng thống, ngài đánh giá như thế nào về các sự kiện diễn ra tại Kiev trong thời gian vừa qua? Ngài có cho rằng chính phủ và Tổng thống lâm thời tại Kiev là hợp pháp?

- Những diễn biến tại Kiev nói riêng và tại Ukraina nói chung chỉ có thể là một cuộc đảo chính vi hiến và giành quyền lực bằng vũ trang. Mặc dù tôi không hoan nghênh việc thay đổi chính quyền theo cách này, nhưng tôi hiểu, người Maidan (nhóm người ủng hộ chính quyền lâm thời tại Kiev) luôn yêu cầu một sự thay đổi triệt để bên trong bộ máy chính quyền. Một sự thay đổi quyền lực thật sự rất cần thiết đối với Ukraina nhưng nó phải diễn ra trong khuôn khổ hiến pháp.

Về tính hợp pháp của chính quyền hiện tại, chỉ một phần quốc hội là hợp pháp, phần còn lại thì không. Và rõ ràng, tổng thống lâm thời tại Ukraina là không hợp pháp.

Hơn 5.500 lính Ukraina chạy sang chính quyền Crimea

Hơn 5.500 binh sĩ đóng quân ở bán đảo Crimea quyết định ra khỏi lực lượng vũ trang thuộc chính quyền Ukraina và tuân theo mệnh lệnh của lãnh đạo khu tự trị Crimea.

 

- Ngài đánh giá như thế nào về tương lai của ông Viktor Yanukovych?

- Về mặt pháp lý, mỗi quốc gia chỉ có một tổng thống hợp pháp. Rõ ràng đến thời điểm này, ông Yanukovych  bị lật đổ không còn quyền lực. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại rằng, tổng thống hoàn toàn hợp pháp tại Ukraina chỉ có thể là ông Yanukovych. Theo quy định của hiến pháp, ông ấy chỉ mất chức khi chết, từ chức hoặc bị luận tội. Tôi đã khuyên ông ấy không nên di chuyển tất cả các đơn vị cảnh sát ra khỏi thủ đô nhưng ông không nghe. Điều này dẫn đến cuộc hỗn loạn như hiện nay. Tôi nghĩ rằng ông Yanukovych không còn tương lai chính trị. Chúng tôi đón nhận Yanukovych ở Nga vì lý do nhân đạo. Ông ấy sẽ bị giết nếu ở lại Ukraina.

- Nếu Nga quyết định sử dụng vũ lực, ngài có nghĩ tất cả rủi do sẽ xảy ra với tất cả các bên, với nước Nga, Ukraina, và thế giới?

- Đó là phương sách cuối cùng. Ngay cả khi tôi đưa ra quyết định sử dụng lực lượng vũ trang, điều đó là hợp pháp và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế. Trong trường hợp này, việc sử dụng vũ lực tại Crimea nhằm bảo vệ những người đang gắn chặt với nước Nga về lịch sử, văn hóa và kinh tế. Nếu vậy, đó là một sứ mệnh nhân đạo. Hiện tại, Nga không cần sử dụng vũ lực ở Crimea, tuy nhiên chúng tôi không loại trừ khả năng này.

 

- Về tương lai của Crimea, ông có cân nhắc về việc sáp nhập khu tự trị này vào Nga hay không?

- Không. Chúng ta sẽ không làm như vậy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chỉ những công dân sinh sống tại những lãnh thổ xác định có quyền tự quyết về tương lai của họ. Một số tài liệu của Liên Hiệp Quốc cũng đề cập đến vấn đề này.

- Xin ông cho biết quan điểm về thái độ của phương Tây trong vấn đề Ukraina?

- Phương Tây đã ủng hộ một cuộc đảo chính vi hiến và giành quyền lực bằng vũ trang. Đây không phải là lần đầu tiên các nước phương Tây hành động như vậy tại Ukraina. Đôi khi, tôi nghĩ rằng, tại một nơi nào đó ở Mỹ, nhân viên tại phòng thí nghiệm ngồi một chỗ và tiến hành thí nghiệm trên những con chuột mà không rõ về hậu quả mà họ đang làm. Đời sống chính trị Ukraina đang bị biến thành hài kịch. Ukraina muốn thay đổi. Nhưng chúng ta không nên khuyến khích sự thay đổi không phù hợp với luật pháp.

- Chúng ta đang phải đối mặt với khả năng bị trừng phạt hoặc phải rút khỏi nhóm G8. Ngài nghĩ sao về điều này?

- Đối với vấn đề trừng phạt, những quốc gia đầu tiên đưa ra quyết định này đều phải cân nhắc đến hậu quả. Các nền kinh tế đang phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy, mọi sự trừng phạt nếu có đều gây phương hại cho cả 2 bên. 

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm