Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh phối hợp giữa Brazil và Việt Nam tại các diễn đàn đa phương; nhất trí tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, khẳng định cam kết chung với hòa bình và phát triển.

Tuyen bo chung Viet Brazil anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Trong khuôn khổ chuyến công tác Brazil, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro, ngày 17/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva.

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với các nguyên tắc và định hướng lớn.

Sau đây Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

1. Ngài Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngài Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil, đã có cuộc gặp tại Rio de Janeiro vào ngày 17/11/2024, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.

2. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva bày tỏ vui mừng được tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Rio de Janeiro, sau chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Việt Nam đến Brazil từ ngày 23-25/9/2023 - chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Brazil.

Hai nhà lãnh đạo nhắc lại Thông cáo chung đã được công bố trong dịp này, coi đó là văn kiện cơ sở cho hợp tác song phương trong tương lai.

3. Hai nhà lãnh đạo cùng chúc mừng dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bày tỏ vui mừng về những tiến triển đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2007; tái khẳng định cam kết của hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên nền tảng tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau.

4. Hai nhà lãnh đạo điểm lại các trao đổi đoàn quan trọng gần đây, trong đó có chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Vieira vào ngày 10/4/2024, và đoàn đại biểu do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu thăm Brazil trong thời gian 26-29/8; nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc chính thức cấp cao ở tất cả các kênh, cũng như mở rộng hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân.

5. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự tăng trưởng bền vững của trao đổi kinh tế song phương và nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2025 và lên 15 tỷ USD vào năm 2030.

6. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự phối hợp giữa Brazil và Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và nhất trí tăng cường phối hợp, hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau, khẳng định những cam kết chung đối với hòa bình và phát triển bền vững.

7. Hai nhà lãnh đạo chúc mừng sự thành lập của Liên minh toàn cầu về chống đói nghèo. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva hoan nghênh Việt Nam với tư cách là thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu; hai nhà lãnh đạo cam kết cùng nỗ lực để xóa đói vào cuối thập kỷ này, phù hợp với Chương trình Nghị sự 2030.

Tuyen bo chung Viet Brazil anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Roger Zen, Chủ tịch Tập đoàn Oceanside One Trading của Brazil. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

8. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cải tổ quản trị toàn cầu, bao gồm việc mở rộng số lượng ủy viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về sự ủng hộ của Việt Nam đối với nguyện vọng của Brazil trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an trong trường hợp cơ quan này được cải tổ.

9. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự tôn trọng của mỗi nước đối với Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, và ủng hộ giải quyết các tranh chấp trong quan hệ quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm việc tuân thủ và thực hiện có thiện chí các quy định của luật pháp quốc tế về biển và đại dương, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Brazil hoan nghênh Sáng kiến Nhóm Bạn bè UNCLOS do Việt Nam và một số quốc gia quan trọng khởi xướng.

10. Trên cơ sở nhận thức rằng biến đổi khí hậu là một thách thức lớn của nhân loại, hai nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh quyết định của Brazil đăng cai tổ chức COP-30 tại Belém năm 2025 và cam kết ủng hộ để Hội nghị đạt kết quả thành công.

11. Nhận thức được tính cấp bách của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đang phát triển, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhiên liệu sinh học trong việc giảm thiểu carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Hai bên nhất trí duy trì đối thoại trong lĩnh vực năng lượng sinh học và năng lượng tái tạo và những sáng kiến khác để giảm bất bình đẳng bên trong và giữa các quốc gia.

Tuyen bo chung Viet Brazil anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng con rối nước cho các đại biểu dự chương trình "Ngày Việt Nam tại Brazil." Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

12. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ ASEAN - Brazil và bày tỏ ủng hộ việc phối hợp tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN - Brazil một cách thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.

Brasil ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và tái khẳng định cam kết hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, an ninh lương thực và dinh dưỡng, cùng các lĩnh vực khác.

13. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại đề nghị của Việt Nam về việc khởi động đàm phán một Hiệp định Thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhất trí tiếp tục trao đổi với các thành viên khác của Khối MERCOSUR về vấn đề này.

14. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Tổng thống Lula về vai trò lãnh đạo của Brazil trong việc nâng cao tiếng nói của các nước Nam bán cầu trong khuôn khổ G20.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời mời của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và bày tỏ mong muốn được đón tiếp Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào năm 2025. Tổng thống Lula bày tỏ vui mừng về lời mời và khẳng định mong muốn sớm thăm Việt Nam.

15. Trên nền tảng những thành tựu chung và nhận thức về lợi ích chung của một tầm nhìn chiến lược cho quan hệ Brazil - Việt Nam, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược.

Hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo hai Bộ trưởng Ngoại giao đàm phán về các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược để hoàn tất trong thời gian sớm nhất.

Rio de Janeiro, ngày 17/11/2024.

Thủ tướng mời tập đoàn hàng không Brazil đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội

Cho biết Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của cả thế giới, Thủ tướng mời Tập đoàn hàng không Embraer của Brazil đến nghiên cứu, tham vấn giúp hiện thực hóa mong muốn này.

Ý nghĩa và kết quả chuyến công tác Chile, Peru của Chủ tịch nước

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tháp tùng đoàn về ý nghĩa và kết quả chuyến công tác Chile, Peru của Chủ tịch nước Lương Cường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Brazil

Theo Thủ tướng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, có vai trò và đóng góp quan trọng đối với phát triển đất nước.

Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá

Cuốn sách Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá của Thủ tướng, Phó Giáo sư Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng, khái quát bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam từ khi giành được độc lập tới cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu tường tận về một giai đoạn thăng trầm và đột phá của kinh tế nước nhà. Cuốn sách là kết quả của sự đầu tư nghiêm túc với lượng thông tin phong phú, được sưu tầm, tuyển chọn và tính toán từ nhiều nguồn trong nước và nước ngoài trong khoảng thời gian dài.

https://www.vietnamplus.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-brazil-ve-viec-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-post994028.vnp

TTXVN

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm