Ngày 22/2/1946, George Kennan, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, gửi Bộ Ngoại giao Mỹ bức điện dài 8.000 chữ đánh giá quan hệ Mỹ-Xô và kiến nghị đối sách.
Khởi nguồn Chiến tranh Lạnh 1.0 Mỹ - Xô
Kennan nhận định: chủ trương thân thiện, hợp tác của Tổng thống Roosevelt với Stalin là sai lầm; Liên Xô không ngừng mở rộng ảnh hưởng, đe dọa lợi ích, giá trị Mỹ, phương Tây. Do đó, Mỹ và đồng minh cần phản kháng mạnh mẽ.
Ngày 12/3/1947, Chiến tranh Lạnh chính thức mở màn với phát biểu của Tổng thống Truman trước Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản đe doa lợi ích của Mỹ, đồng minh trên khắp thế giới, cả từ bên ngoài lẫn từ bên trong từng quốc gia, do đó Mỹ cần tăng hỗ trợ kinh tế, quân sự cho các nước chống lại đe dọa này.
Hơn 70 năm sau, lịch sử không khỏi giật mình trước nguy cơ Chiến tranh Lạnh 2.0 tái diễn, dù có thể chỉ ở cấp độ khu vực.
Tổng thống George H.W. Bush và Mikhail Gorbachev tại hội nghị thượng đỉnh ở Moscow tháng 8/1991. Đây là một trong những thời khắc cuối cùng của Chiến tranh Lạnh 1.0. Ảnh: Vanity Fair. |
Chiến tranh Lạnh 2.0 Mỹ - Trung?
Ngày 4/10, Phó tổng thống Mike Pence phát biểu tại Viện Hudson về chính sách Trung Quốc của Chính quyền Trump, đại ý nêu: các chính quyền trước đều thất bại trong xử lý quan hệ với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, hy vọng thay đổi hành vi của Trung Quốc qua hợp tác, gắn kết là vô ích.
Theo ông Pence, Trung Quốc đang thách thức, đe dọa trực tiếp, toàn diện lợi ích, giá trị của Mỹ, cả từ bên ngoài và can thiệp sâu vào nội bộ Mỹ (kinh tế - thương mại, công nghệ, quân sự, an ninh hàng hải, dân chủ nhân quyền, dùng truyền thông, giáo dục, học thuật phân hóa nội bộ Mỹ, tác động đến bầu cử Mỹ); mâu thuẫn Mỹ - Trung là không thể hóa giải, do đó Mỹ cần quyết tâm dùng sức mạnh tổng hợp buộc Trung Quốc phải trả giá và tôn trọng lợi ích của Mỹ, chơi theo luật chơi do Mỹ dẫn dắt. Mỹ sẽ hành động đơn phương và hợp tác với đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phó tổng thống Mike Pence với bài phát biểu chấn động ở Viện Hudson hôm 4/10. Ảnh: AFP. |
Phát biểu của ông Mike Pence là kết quả của tất yếu và ngẫu nhiên, có hệ lụy lâu dài đến cục diện kinh tế, chính trị khu vực và thế giới. Về bản chất là sự cọ xát khó tránh khỏi giữa một cường quốc tại vị và một cường quốc đang lên đang cạnh tranh, định hình luật chơi.
Với Mỹ là sự phát triển tất yếu mạch chính sách cứng rắn của Chính quyền Trump, từ khúc dạo đầu thăm dò của Chiến lược An ninh quốc gia và Quốc phòng (coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất) đến một chuỗi các hành động chủ động đẩy cao căng thẳng trực diện gần đây như áp thuế cao lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trừng phạt các công ty Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh vận động triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phối hợp Anh, Úc triển khai FONOP ở Biển Đông, tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan...
Điều chỉnh bất ngờ về chính sách
Tại Đại sứ quán Trung Quốc hôm 29/9, cố vấn cao cấp về Châu Á của Tổng thống Matthew Pottinger bất ngờ tuyên bố Chính quyền Trump đã điều chỉnh chính sách với Trung Quốc, coi cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu.
Đáng chú ý, mối đe dọa Trung Quốc và chủ trương cứng rắn toàn diện là mẫu số chung lớn hiếm hoi giữa ưu tiên America First của cá nhân ông Trump và quan điểm “dòng chính” cũng như tâm lý “bài Trung” đang dâng cao đỉnh điểm trong nội bộ Mỹ.
Đó là sự pha trộn của tư tưởng không ảo tưởng vào can dự và hợp tác, Mỹ đủ thế mạnh để buộc Trung Quốc phải trả giá, quyết chiến giảm thâm hụt thương mại, chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc đề cao chủ quyền, theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh (quân sự, kinh tế), chống bá quyền, cưỡng ép.
Lưỡng đảng Cộng hòa, Dân chủ cũng nhất trí cao, bắt tay gây sức ép lập pháp với Nhà Trắng phải căng hơn với Trung Quốc, từ công nghệ đến quân sự, an ninh hàng hải đến dân chủ nhân quyền.
Chính sự pha trộn này trong phát biểu của Phó tổng thống Pence tạo cảm giác Chính quyền Trump đang theo đuổi một chiến lược tổng thể, toàn diện với Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng đây là cuộc cạnh tranh mô hình, ý thức hệ và giá trị như thời Chiến tranh Lạnh.
Cuộc chiến thương mại với các biện pháp trừng phạt và cản trở thương mại của Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ảnh: Reuters. |
Song hiệu quả của chiến lược này tùy thuộc nhiều vào những yếu tố ngẫu nhiên. Trước hết là liệu Trump đã vượt khỏi ưu tiên kinh tế, thương mại, việc làm để tư duy chiến lược, dài hạn trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Thực tế cho thấy ưu tiên America First của ông Trump là thường trực, nhất quán, nhất là cần ghi điểm khi bầu cử giữa nhiệm kỳ đang cận kề (tháng 11 tới). Các mũi tấn công khác thể hiện Trump linh hoạt dung hòa quan điểm, là chiến thuật tạo sức ép tối đa để Trung Quốc phải xuống nước thỏa hiệp, chấp nhận nhượng bộ về kinh tế, thương mại.
Đồng thời, Trump cũng tạo dư địa cho “dòng chính” và Quốc hội đẩy mạnh khía cạnh chiến lược, nhất là về an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, chủ trương tố Trung Quốc can thiệp vào nội bộ, bầu cử Mỹ có thể nhằm giảm bớt áp lực dư luận đối với Chính quyền Trump trong xử lý vấn đề Nga.
Ở bên kia chiến tuyến, phản ứng và khả năng chịu đựng của Trung Quốc sẽ là yếu tố ngẫu nhiên quan trọng quyết định mức độ kịch tính và độ dài của cuộc chiến.
Nội bộ Mỹ đạt nhận thức chung về nguy cơ trong quan hệ
Với quan hệ Mỹ - Trung, những động lực tất yếu quyết định bản chất, tiến trình lâu dài, song những yếu tố ngẫu nhiên vốn không khó tìm dưới thời Trump có thể làm đổi hướng hoặc thậm chí đảo chiều ngắn hạn. Dù dưới Chính quyền nào thì chiều hướng căng lên trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc kéo theo cọ xát, cạnh tranh chiến lược là khó tránh khỏi.
Nội bộ Mỹ, đặc biệt là Quốc hội, cơ bản có sự nhận thức chung cao về nguy cơ lớn hơn lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc, thậm chí chấp nhận hy sinh, trả giá do kinh tế hai nước tùy thuộc lẫn nhau cao, trừ một số nhóm suy nghĩ ngược lại do bị tác động mạnh bởi chính sách của cả 2 phía.
Tuy nhiên, tính khó lường trong tính cách và chiến thuật của Tổng thống Trump có thể sẽ thắng thế tính chiến lược tất yếu.
Thứ nhất, chiến thuật một mặt gây sức ép toàn diện, mặt khác giữ cầu quan hệ cá nhân lãnh đạo (Trump và phát biểu của Pence vẫn dùng lời lẽ tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình) và để dư địa đàm phán, thỏa hiệp nếu đối thủ chấp nhận xuống nước, nhượng bộ về kinh tế, thương mại. Sau phát biểu của Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Trung Quốc hôm 8/10, khẳng định Mỹ cam kết với quan hệ mang tính xây dựng, có kết quả cụ thể, vì thịnh vượng và an ninh chung với Trung Quốc.
Ngoài ra, thành công của Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada, Mỹ - Hàn, tái khởi động đàm phán Mỹ - Nhật cũng đang tiếp thêm niềm tin, động lực cho Chính quyền Trump. Kết quả bầu cử giữa kỳ và sức khỏe của nền kinh tế Mỹ thời gian tới cũng sẽ tác động không nhỏ.
Thứ hai, ưu tiên thương mại “có đi có lại”, giảm thâm hụt có thể làm yếu đi khía cạnh chiến lược, quân sự trong triển khai cạnh tranh với đối thủ, tăng cường hợp tác với đồng minh, đối tác.
Tính cách của Tổng thống Trump khiến mọi bước đi tiếp theo của Washington luôn ẩn chứa sự khó lường. Ảnh: Reuters. |
Thời Chiến tranh Lạnh 1.0, Mỹ coi trọng mạng lưới đồng minh, thiết lập hệ thống “trục và nan hoa” ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, coi đó là đòn bẩy chiến lược triển khai thành công chiến lược.
Chiến lược An ninh quốc gia của Chính quyền Trump thể hiện sự tiếp nối truyền thống đó, song chủ trương coi trọng song phương hơn đa phương, thâm hụt thương mại hơn gắn kết chiến lược, giá trị, chia sẻ đóng góp hơn đầu tư lãnh đạo dài hạn đang làm sứt mẻ uy tín của Mỹ, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Những diễn biến kịch tính mới gợi nhiều liên tưởng về một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 Mỹ - Trung, dù mọi so sánh đều khập khiễng. Con đường phía trước còn nhiều tính bất định, khó lường, chứng kiến sự kéo đẩy của tất yếu với ngẫu nhiên, chủ quan với khách quan.
Kịch bản và hồi kết nào của cuộc chiến cũng sẽ để lại những hệ lụy sâu rộng, lâu dài với kẻ trong cuộc và đông đảo các khán giả khu vực, thế giới.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả là người đang làm nghiên cứu tại Hà Nội.