Bình luận
Sau mỗi thất bại cay đắng ở cấp đội tuyển quốc gia, bóng đá Anh từng chứng kiến nhiều ngôi sao hàng đầu vật vã để thoát khỏi cảm giác tội đồ.
Tứ kết World Cup 2006, Wayne Rooney nhận thẻ đỏ trong trận đấu với Bồ Đào Nha. Anh được xem là nguyên nhân khiến "Tam sư" thất bại.
Vòng 16 đội World Cup 1998, David Beckham nhận thẻ đỏ trong thất bại trước Argentina. Hình nộm Beckham mặc áo số 7 của tuyển Anh bị đày lên giá treo cổ.
Tình cảnh của Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka có nhiều nét giống với Rooney và Beckham năm xưa. Ở xứ sương mù, áp lực từ dư luận và những kẻ quá khích là không dễ để vượt qua.
Người Anh lo lắng
Trong cuốn tự truyện của mình, Rooney thừa nhận tấm thẻ đỏ trước Bồ Đào Nha là khoảnh khắc đen tối nhất sự nghiệp. Với Beckham, anh trở thành kẻ thù số một của công chúng.
Trong tốp 100 điều người Anh ghét nhất trên Channel 4 năm 1998, cựu sao MU đứng thứ 9 trong danh sách. Beckham nhận hàng tá lời dọa giết. Anh trốn sang New York ngay sau trận đấu.
Nhưng ở quê nhà Manchester, gia đình anh hứng chịu cơn thịnh nộ. Tiền vệ của Man Utd bị la ó mỗi khi xuất hiện trên sân sau đó. Mọi nơi Beckham đến ngoài đời, anh đều trở thành mục tiêu công kích.
Rooney và Beckham từng trở thành kẻ thù của nước Anh sau các sai lầm trong màu áo ĐTQG. Ảnh: Reuters. |
Về tổng quan, hoàn cảnh của Rashford, Sancho hay Saka không giống Rooney và Beckham. Tuyển Anh có một Euro thành công.
Dư luận xứ sương mù đang tạo ra một làn sóng đoàn kết trong việc bảo vệ ba cầu thủ đá hỏng luân lưu. Tuy nhiên, sự đoàn kết ấy cũng đến từ cơn thịnh nộ của những kẻ quá khích.
BBC thống kê tỷ lệ phân biệt chủng tộc với người da màu trên mạng xã hội tăng 35% kể từ sau trận chung kết. Cả ba cầu thủ trẻ đều là những người da đen và bị coi là nguyên nhân chính cho thất bại của tuyển Anh.
Trước chung kết, thống kê từ Guardian cho biết một nửa thành viên tuyển Anh, những người có gốc da màu, nhận 2.114 lời thóa mạ trong cả giải đấu. Sau khi loạt luân lưu ở chung kết Euro 2020 kết thúc, con số tăng lên 350%.
Bức tranh tường của Rashford ở thành phố Manchester bị phá với những lời lẽ sỉ nhục. Saka và Sancho nhận những lời dọa giết và sỉ nhục trên trang mạng xã hội. Cảnh sát Anh được cho đã bắt ít nhất 34 người liên quan đến các cáo buộc sỉ nhục và đe dọa 3 cầu thủ kể trên.
Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên trang cá nhân rằng những hành động phân biệt chủng tộc và sỉ nhục với các cầu thủ Anh là không thể chấp nhận. Thủ quân Harry Kane và HLV Gareth Southgate khẳng định những hành vi nhắm vào Saka hay Rashford là "không thể tha thứ".
Khác với Rooney hay Beckham năm xưa, ba cầu thủ đá hỏng luân lưu của tuyển Anh đang nhận được nhiều sự bảo vệ từ dư luận. Tuy nhiên, ám ảnh tâm lý sau trận chung kết là điều không dễ vượt qua với ba cầu thủ trẻ xứ sương mù.
Karen Carney, cựu tuyển thủ nữ Anh, thừa nhận những lời sỉ nhục và tấn công trên mạng xã hội đã khiến cuộc đời cô thay đổi.
"Các công ty truyền thông và những người đứng bên ngoài không thể hiểu được tác động khủng khiếp của nó", chân sút từng ra sân 144 lần cho tuyển Anh nói với BBC, "Bạn có thể rơi vào trầm cảm, trải qua cảm giác tồi tệ và không thiết tha gì nữa".
Carney từng ghi bàn trong trận chung kết Euro năm 2009 khi Anh gặp Đức. Đội nữ "Tam sư" thua chung cuộc 2-6. Kỳ vọng ngày đó với các cô gái của bóng đá Anh không thể bằng bây giờ. Nhưng thua trong một trận chung kết luôn mang lại ám ảnh lớn với người trong cuộc.
"Tôi mất 6 tháng để lấy lại tình yêu bóng đá", Carney viết trên Guardian, "Thậm chí cho tới trước Giáng sinh, tôi vẫn giữ ý định nghỉ thi đấu. Tâm lý của bạn gần như kiệt quệ sau khi thua một trận chung kết với rất nhiều kỳ vọng".
Carney chỉ ra rằng sau khi tuyển Anh thua trước Croatia ở bán kết World Cup 2018, không nhiều cầu thủ "Tam sư" trong đội hình ấy có một mùa giải 2018/19 thành công.
Harry Kane chỉ ghi được 17 bàn và đứng thứ 6 trong danh sách Vua phá lưới Ngoại hạng Anh mùa đó. Rashford, Lingard có một mùa giải khó khăn với CLB chủ quản. "Chính vì thế, bảo vệ và giúp đỡ các cầu thủ trở lại sau thất bại là điều quan trọng", Carney nhận xét.
Bức tranh tường của Rashford ở Manchester bị phá hoại ngay sau khi trận chung kết Euro kết thúc. Ảnh: Reuters. |
Hội chứng tâm lý
Chuyên gia tâm lý Alejandra Sarmiento đang làm việc tại một trung tâm y tế ở phía Tây London. Cô có hai con theo nghiệp bóng đá và hoàn toàn đồng cảm với những gì Saka hay Rashford đang phải chịu đựng.
"Cú sút luân lưu hỏng của Saka có thể phá hỏng sự tự tin và tình yêu bóng đá của cậu ấy", Sarmiento phân tích trên The Times, "Khoảnh khắc thất bại ấy không chỉ là của riêng cậu ấy. Nó tựa như việc đạp đổ hy vọng của mọi người vậy".
Nếu là một cậu bé 14 tuổi thua cuộc sau chung kết, người ta có thể dễ dàng khóc thật to hay kiếm ai đó để đổ lỗi. Nhưng đây là trận chung kết Euro đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh. "Tình yêu bóng đá của người Anh đôi khi đẩy mọi thứ đi xa hơn", Sarmiento nói.
Chuyên gia này cho rằng các tuyển thủ Anh cần được hỗ trợ từ người thân, bạn bè và các bác sĩ tâm lý. Họ cần quãng thời gian nghỉ ngơi và tránh xa khỏi bóng đá.
Trong khi đó, Carney cho biết từ trải nghiệm của cô, sự giúp đỡ và an ủi từ các đồng đội rất quan trọng. "Tôi chắc rằng Southgate đã có cuộc gặp với các cầu thủ và an ủi họ. Cần làm từng bước một, sau đó hướng tới những mục tiêu tiếp theo", cựu tiền đạo tuyển Anh phân tích.
Sau thất bại ở chung kết Euro, HLV trưởng tuyển Anh cho các cầu thủ quây quần lại thành vòng tròn. Carney nói đó là một hình ảnh đẹp và cho thấy Southgate là HLV rất tâm lý cũng như luôn bảo vệ cầu thủ.
Rashford ôm đầu sau khi đá hỏng quả luân lưu thứ 3 của tuyển Anh. Ảnh: Reuters. |
Chìa khóa thành công của "Tam sư" ở giải đấu năm nay không chỉ đến từ chất lượng nhân sự hay các điều chỉnh chiến thuật. Tuyển Anh đã làm nên lịch sử nhờ sự đoàn kết và tinh thần chiến đấu vì đội bóng cao độ.
"Hiển nhiên, thất bại trên sân nhà khi có hơn 30 triệu người theo dõi và mong bạn chiến thắng có thể để lại ám ảnh lớn", Carney thừa nhận, "Cả ba đều là những cầu thủ trẻ và đây là cú sốc không dễ vượt qua".
Sarmiento hy vọng rằng với sự ủng hộ từ những người xung quanh, ba cầu thủ trẻ của Anh sẽ sớm trở lại. "Saka đã xung phong thực hiện quả luân lưu đó. Điều đó khiến tôi ấn tượng. Cậu ấy khá dũng cảm", chuyên gia tâm lý này nhận xét, "Mọi người cũng cần nhắc cậu ấy rằng ai cũng có thể đá hỏng luân lưu".
Sarmiento có lý. Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo đều đá hỏng luân lưu trong những trận chung kết quan trọng nhất sự nghiệp. Thất bại là một phần của cuộc hành trình. Nhưng nó không thể khiến người ta gục ngã.
Beckham kể rằng thi thoảng anh vẫn tỉnh giấc giữa đêm với cơn ác mộng năm 1998. Nó gần như ám ảnh tiền vệ điển trai này trong suốt cuộc đời.
Khi Beckham trở về Manchester, HLV Alex Ferguson bảo anh cần tự mình giải quyết vấn đề này. Ông nhắn nhủ cậu học trò rằng bóng đá là như thế, nơi những ngôi sao như cậu luôn có quãng thời gian khó khăn. Cách tốt nhất để những người như Beckham trở lại là màn trình diễn tốt trên sân cỏ.
Tất nhiên, trước khi trở lại, những ngôi sao của tuyển Anh cần phải được bảo vệ. Từ những gì đang xảy ra, người ta có quyền lạc quan về điều đó.