Tại Euro 2020, có 4 trận đấu phải cần đến loạt luân lưu để phân định thắng thua. Kết quả chỉ ra những đội sút trước đều giành chiến thắng. Trường hợp của tuyển Italy (2 lần), Tây Ban Nha và Thụy Sĩ là ví dụ.
Trước đó, theo nghiên cứu của tiến sĩ Ignacio Palacio-Huerta, trường Kinh tế London, tỷ lệ giành chiến thắng trong loạt luân lưu của các đội bóng được sút trước lên tới 60%. Thống kê này cộng với kết quả tại Euro 2020 dường như nói lên tất cả.
Bukayo Saka không thể thực hiện thành công cú sút penalty của mình ở trận gặp tuyển Italy. Ảnh: Getty Images. |
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của loạt sút luân lưu là tâm lý lo lắng của các cầu thủ. Tinh thần của họ được cho là không còn vững vàng ngay khi biết mình không được đá trước ở thủ tục tung đồng xu.
Vẻ mặt hoang mang của Jordi Alba trước loạt sút luân lưu ở bán kết giữa tuyển Tây Ban Nha và Italy trở thành minh chứng cho điều đó. Đến trận chung kết Euro 2020, các cầu thủ Italy được sút trước và giành chiến thắng.
Trong lượt sút thứ 2, Andrea Belotti không thể đưa bóng vào lưới Jordan Pickford, khiến “Azzurri” (biệt danh của tuyển Italy) đánh mất lợi thế về mặt tâm lý. Song, tuyển Anh không thể tận dụng lợi thế này. Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka lần lượt thực hiện không thành công, khiến tuyển Anh phải nhận thất bại.
Trong quá khứ, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) từng sử dụng phương án để 2 đội luân phiên thực hiện trước. Cụ thể, ở lượt sút đầu tiên, đội A sút trước đội B. Sang lượt sút thứ 2, đội B sẽ được thực hiện trước. Thứ tự thực hiện sẽ liên tục thay đổi cho đến khi tìm ra đội giành chiến thắng.
Phương án sút luân lưu này được áp dụng ở trận tranh Community Shield năm 2017 giữa Arsenal và Chelsea. Kết quả, Chelsea thua cuộc dù là đội được thực hiện lượt đá trước.
Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) dường như vẫn chưa đặt trọn niềm tin vào phương án này. Đó là lý do họ vẫn cho phép các đội tuyển phân định thắng thua ở loạt sút luân lưu theo phương án truyền thống.