Không còn hình ảnh của một chú “hổ giấy”, tuyển Anh lầm lũi tiến bước và sẵn sàng cho chiếc cúp vô địch Euro danh giá. Họ, giờ đã là sư tử thật sự, với tiếng gầm vang khiến tất cả phải sợ hãi.
Sức mạnh của “Tam sư” (biệt danh của tuyển Anh – PV) bị nghi ngờ không ít sau màn trình diễn kém thuyết phục ở vòng bảng. Nhưng sau 2 chiến thắng trước Đức và Ukraine, người ta bắt đầu thay đổi cái nhìn về thầy trò HLV Gareth Southgate.
Không cần hoa mỹ, tuyển Anh thể hiện lối đá xù xì nhưng hiệu quả. Họ vào bán kết với thành tích chưa để thủng lưới. Điều đó mang tới niềm tin cho người hâm mộ. "Tam sư" càng hay, điều này lại khiến đối thủ Đan Mạch trở nên "nhỏ bé", không phải đối thủ quá đáng gờm hiện tại.
Một tập thể vững mạnh
Bao nhiêu lần tham dự Euro hay World Cup là bấy nhiêu lần tuyển Anh nhận được sự kỳ vọng lớn lao. Họ mang tới giải đấu với đội hình gồm nhiều ngôi sao, nhưng câu chuyện quen thuộc cứ tái diễn. Tuyển Anh thường phải sớm về nước.
World Cup 2006 là một ví dụ. “Tam sư” sở hữu đội hình vừa mạnh, đồng đều, lại có chiều sâu. Thế hệ vàng John Terry, Rio Ferdinand, Wayne Rooney, Steven Gerrard và Frank Lampard đạt độ chín của sự nghiệp. Tuyển Anh khi đó được đánh giá là ứng cử viên vô địch.
Nhưng rồi họ nhanh chóng bị loại bởi Bồ Đào Nha ở tứ kết. Một điều có thể thấy rõ ở tuyển Anh là họ không thiếu nhân tài. Một lứa cầu thủ ra đi, lập tức những tài năng khác lên thay. Song, tuyển Anh lại thiếu bản lĩnh của một đội tuyển lớn. Họ không cho thấy sự già rơ ở thời khắc quan trọng.
Tại Euro 2020, tuyển Anh cũng bước vào giải đấu với sự kỳ vọng to lớn. Mọi vị trí của họ đều ít nhất có 2 cầu thủ chất lượng. Chẳng phải ngẫu nhiên Ben Chilwell chơi hay đến thế mùa giải qua vẫn phải dự bị cho một Luke Shaw đang đạt phong độ cao.
Thế nhưng khi vòng bảng trôi qua, tuyển Anh bị chỉ trích không ít. Lối chơi kém thuyết phục khiến HLV Southgate gặp vô vàn sức ép. Phải chăng "Tam sư" hiện tại vẫn chỉ là sản phẩm của truyền thông, họ không khác gì “hổ giấy” đúng với lời chế nhạo suốt hàng thế kỷ qua?
Tuy nhiên, “Tam sư” làm đảo lộn mọi dự đoán. Vốn được dẫn dắt bởi một hậu vệ có lối đá rắn là Gareth Southgate, tuyển Anh ưu tiên sự chắc chắn ở hàng phòng ngự. Theo Opta, tuyển Anh chỉ hứng chịu 8 cú sút trước khi bước vào trận tứ kết gặp Ukraine, trung bình 2 cú sút mỗi trận.
Thống kê này nói lên nhiều thứ về tuyển Anh hiện tại. Họ tổ chức phòng ngự theo khu vực, hạn chế những tình huống nguy hiểm từ xa. “Tam sư” không còn chơi bóng ngây thơ, họ thực dụng và có tính toán hơn.
Trước Ukraine ở tứ kết, tỷ số không thể hiện sự vượt trội của tuyển Anh. Harry Kane và đồng đội tung ra 10 cú sút, không nhiều hơn so với 7 pha dứt điểm của Ukraine. Nhưng khác biệt nằm ở sự hiệu quả.
Đối thủ bị đánh giá thấp hơn nhưng tuyển Anh không dồn dập lao lên tấn công. Họ chủ yếu đan bóng lên xuống một cách chậm rãi khiến đối phương mất cảnh giác. Bất thình lình, "Tam sư" tăng tốc khiến Ukraine không trở tay kịp. Bàn thắng của Kane là bằng chức xác thực.
Tuyển Anh giờ chơi chắc chắn, không cần đẹp mắt khi họ đặt sự hiệu quả lên hàng đầu. Hàng thủ khó bị đánh bại, “Tam sư” càng lợi hại hơn khi phía trên, Kane, Raheem Sterling hay Mason Mount đều là những cái tên đủ khả năng trừng phạt bất kỳ sai lầm nào của đối thủ dù nhỏ nhất.
Làm thế nào để đánh bại Đan Mạch?
Đan Mạch không phải đối thủ dễ chịu. Hiệu ứng Christian Eriksen như tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển này. Thế nhưng, sẽ là sai lầm khi đánh giá Đan Mạch chơi thăng hoa nhờ dựa vào tinh thần. Họ là đội bóng có tổ chức và trong tay HLV Kasper Hjulmand là những cầu thủ tài năng.
Thay đổi đáng chú ý nhất của Đan Mạch là họ quyết định từ bỏ sơ đồ 4-2-3-1 ở vòng bảng, để sử dụng 3-4-3 trong những trận đấu gần đây. Và Đan Mạch đang cho thấy sự liền mạch trong lối chơi, công hay và thủ cũng rất cừ.
Lối chơi của Đan Mạch nhiều biến ảo. Họ tận dụng sự cơ động của Kasper Dolberg và Mikkel Damsgaard để áp sát khung thành đối thủ, đồng thời tạo ra những khoảng trống cho 2 hậu vệ cánh dâng cao.
Joakim Maehle là nhân tố nổi bật nhất tạo nên thành công của Đan Mạch. Hậu vệ trái này hoạt động như một con thoi. Cú vẩy má ngoài điệu nghệ mở ra khoảng trống thênh thang cho Dolberg ghi bàn ở trận gặp CH Czech là minh chứng cho sự nguy hiểm của cầu thủ này.
Chắc chắn ông Southgate phải có tính toán cho vị trí hành lang phải. Kyle Walker là một hậu vệ kinh nghiệm nhưng nhiều thời điểm anh cho thấy sự chuệch choạch. Trận tứ kết, các cầu thủ Ukraine thường xuyên khoét sâu vào vị trí này. Vì thế, Kieran Trippier có thể là sự lựa chọn an toàn.
Khi ấy, tuyển Anh có thể quay trở lại với sơ đồ 3-4-3 như trận thắng Đức. Bộ 3 trung vệ gồm John Stones, Harry Maguire và Walker. Trippier sẽ hỗ trợ phòng ngự bên cánh phải, còn Shaw vẫn án ngữ bên cánh đối diện.
Sơ đồ này đảm bảo sự an toàn cho hàng thủ khi ở tuyến giữa, Thomas Delaney và Pierre-Emile Hojbjerg có khả năng lao về phía trước và gây áp lực lên khung thành thủ môn Jordan Pickford. Declan Rice và Calvin Phillips có nhiệm vụ ngăn chặn bộ đôi này.
Nhìn chung, tuyển Anh vẫn có đủ nhân sự để đối phó với các phương án lên bóng của Đan Mạch. Chiến thuật rất đơn giản, hạn chế tầm hoạt động của 2 hậu vệ cánh dâng cao, và làm dày khu vực trung tuyến. Tuyển Anh sẵn sàng hy sinh một cầu thủ sáng tạo để thực hiện ý đồ này.
“Tam sư” đã quen với cách bố trí này khi đối đầu với Đức trước đó. Vì thế các cầu thủ sẽ không cảm thấy lạ lẫm. Trên hàng công, tuyển Anh sẽ vẫn trông chờ vào khả năng quấy rối hàng thủ của Sterling và Sancho hoặc Bukayo Saka bên cánh. Và tất nhiên khi Kane khai nòng, hàng thủ Đan Mạch cần phải dè chừng.
Có thể nhiều người cho rằng cách tiếp cận thận trọng này không xứng đáng với đẳng cấp và chất lượng đội hình của tuyển Anh so với Đan Mạch. Nhưng bài học Pháp hay Hà Lan vẫn còn đó, HLV Southgate càng có lý do để chơi an toàn.
Vào tới vòng này, mọi đối thủ đều rất khó nhằn. Tuyển Anh lại có thừa sự tôn trọng dành cho Đan Mạch. Chính vì thế, không ngạc nhiên nếu “Tam sư” không lặp lại chiến thắng đậm như trước Ukraine. Thay vào đó, chỉ một phút lóe sáng của Kane hay Sterling là đủ để tuyển Anh kết liễu đối phương.