Sáng 4/6, phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tranh luận.
Trong số những vấn đề được cử tri quan tâm, đại tướng Tô Lâm đã đề cập đến việc cán bộ, chiến sĩ công an bảo kê, móc nối với tội phạm và biện pháp để ngăn chặn người có dấu hiệu phạm tội bỏ trốn.
Vì sao nhiều tội phạm có chức vụ trốn ra nước ngoài?
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Vì sao số lượng tướng lĩnh ngành công an vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự nhiều vậy. Ai là người chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân này?”
Tuy nhiên khi điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sĩ quan cấp tướng vi phạm hình sự đã bị xử lý không có vùng cấm. Còn việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cấp tướng phải theo quy trình pháp luật mà Quốc hội đã ban hành.
"Khi bổ nhiệm, người ta tốt nhưng sau đó vi phạm pháp luật thì xử lý. Chuyện đó rất bình thường”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm không trả lời câu hỏi này.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm sáng 4/6. Ảnh: Minh Quân. |
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) khi chất vấn Bộ trưởng Công an đã bày tỏ băn khoăn về tình trạng đối tượng vi phạm là người có chức có quyền, có tiền xu hướng ngày càng tăng.
Đặc biệt, có cử tri cho rằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can không kịp thời khiến tội phạm bỏ trốn, còn cơ quan điều tra phải phát lệnh truy nã. “Cử tri lo ngại tính nghiêm minh của pháp luật, xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của Bộ trưởng và giải pháp cho tình trạng này”, ông Tạo chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, đại tướng Tô Lâm cho biết trước đây luật pháp quy định các trường hợp bắt giữ khẩn cấp, bắt quả tang, hoặc bắt thông thường theo các quyết định của cơ quan điều tra, viện kiểm sát.
Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp bắt nhầm, bắt oan, giờ đây luật quy định không cho phép công an bắt đối tượng khi chưa chứng minh được hành vi phạm tội, hoặc đối tượng chưa bị khởi tố bị can. Vì vậy, có trường hợp lợi dụng sơ hở này để bỏ trốn.
Ông Lâm nhìn nhận đây là một khó khăn hiện hữu và Bộ Công an đang đề nghị sửa đổi. “Chúng ta đề phòng các đối tượng bỏ trốn nhưng cũng không để bắt oan cho người vô tội", ông Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Minh Quân. |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang)
Ông Lâm cho biết về mặt tố tụng hình sự, Bộ Công an đang nghiên cứu để có biện pháp phù hợp vừa đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân nhưng không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Trước hàng loạt vụ bỏ trốn như Vũ Đình Duy hay ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy, tướng Tô Lâm nói sẽ tăng cường các hoạt động nghiệp vụ để quản lý, theo dõi đối tượng ngay từ đầu.
Không từ thủ đoạn để vô hiệu hóa công an
Trong phần chất vấn, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề cập đến tình trạng một số cán bộ công an có biểu hiện liên minh với người có tiền, có quyền, chi phối lợi ích nhóm. Ông Diến và đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cùng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Công an về việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng cán bộ trong ngành cấu kết, bao che cho tội phạm.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Minh Quân. |
Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Công an cho rằng tội phạm đang “không từ thủ đoạn nào” để tấn công, vô hiệu hóa lực lượng công an. Ngoài làm quen, dụ dỗ, mua chuộc… tội phạm còn tấn công, bôi nhọ, vu khống cán bộ, chiến sĩ và gia đình.
"Quá trình đó, có chiến sĩ không chịu được đã mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm, bảo kê, hợp tác với tội phạm", ông Lâm nói.
Người đứng đầu Bộ Công an khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước là kiên quyết loại bỏ những cán bộ như vậy nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ bị vu khống, xuyên tạc.
“Vừa qua, các cán bộ công an vi phạm đã bị xử lý nghiêm từ hành chính đến hình sự, không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Chúng tôi kiên quyết chống bảo kê để khôi phục lòng tin đối với ngành công an", ông Lâm cam kết trước Quốc hội.